Y tế

TP Hồ Chí Minh: 1.800 trẻ đầu tiên bước vào chiến dịch chủng ngừa vắc xin COVID-19

08:44, 27/10/2021
Hôm nay 27/10, khoảng 1.800 trẻ tại 2 quận huyện của TPHCM chính thức được tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Pfizer. Đây là lần đầu tiên trên cả nước nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Sau khi Sở Y tế TPHCM có văn bản đề nghị, Viện Pasteur TPHCM đã chính thức chấp thuận sử dụng loại vắc xin Pfizer để tiêm ngừa cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Viện này cũng đã có hướng dẫn về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi trên.

Quận 1 và huyện Củ Chi là hai địa phương đầu tiên tại TPHCM được chọn để khởi động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em. Dự kiến hôm nay huyện Củ Chi sẽ tổ chức tiêm cho 1.500 em học sinh lớp 12 và Quận 1 tổ chức tiêm cho 300 em. Các điểm tiêm đều được thực hiện tại trường học với sự giám sát, hỗ trợ chặt chẽ của chính quyền địa phương, nhà trường và lực lượng y tế. 

Vắc xin Pfizer sẽ được sử dụng để chủng ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác tiêm chủng, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Ủy ban nhân dân, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục quận 1 và huyện Củ Chi cùng với Ban Giám hiệu các trường được chọn tổ chức tiêm chủng nhằm rà soát lại công tác chuẩn bị.

Hiện các địa phương đã sẵn sàng cho việc tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 12 đến 17 tuổi, đảm bảo các điều kiện chuyên môn theo quy định như lực lượng y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn đầy đủ về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em; sắp xếp khu vực tiêm chủng đủ diện tích để đảm bảo giãn cách và quy trình 1 chiều, có thêm khu vực chờ cho phụ huynh.

Đặc biệt, các điểm tiêm đều được bố trí khu vực theo dõi, cấp cứu nếu trẻ có phản ứng sau khi tiêm với đủ phương tiện cấp cứu; phân công xe cấp cứu cùng đội cấp cứu thường trực tại điểm tiêm… 

Điểm tiêm tại Quận 1 sẽ được tổ chức tại trường Lương Thế Vinh với khoảng 300 học sinh khối lớp 12.

Lực lượng giáo viên tại các trường học tổ chức tiêm sẽ tham gia đón tiếp học sinh đến tiêm, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt và hỗ trợ các công việc để buổi tiêm được tiến hành thuận lợi, trật tự, an toàn.

Nhận định yêu cầu quan trọng nhất trong Chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi là đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng, BS Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã giao nhiệm vụ cho giám đốc trung tâm y tế quận 1, huyện Củ Chi chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tiêm chủng theo đúng các quy định chuyên môn, đồng thời nhấn mạnh tất cả các điểm tiêm chủng phải đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu, đặc biệt là đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu tại mỗi điểm tiêm. 

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng đón trẻ đến tiêm với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chiến dịch tiêm chủng.

Ngoài ra, điểm tiêm phải chuẩn bị phương án, quy trình xử trí sự cố bất lợi sau tiêm bao gồm nội dung xử trí tại chỗ của đội tiêm, nội dung phối hợp giữa điểm tiêm với đội cấp cứu ngoại viện, với bệnh viện trên địa bàn để hỗ trợ cấp cứu nâng cao.

Học sinh sau tiêm sẽ được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút, trước khi ra về được cấp giấy xác nhận tiêm chủng cùng với hướng dẫn theo dõi tại nhà, trong đó có thông tin số điện thoại của cơ sở y tế để liên hệ khi cần. Sở Y tế cũng yêu cầu đơn vị y tế phải phân công nhân sự trực 24/7 để tiếp nhận thông tin phản ứng sau tiêm từ gia đình học sinh và hướng dẫn xử lý kịp thời.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 245 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4,98 triệu ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 394.746 và 7.083 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt trên 222 triệu người, gần 18.000 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và trên 75.000 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 49.097 ca; tiếp theo là Anh (40.954) và Nga (36.446 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.214 người tử vong trong ngày, tăng gấp hai lần so với một ngày trước đó là 635 ca; tiếp theo là Nga (1.106 ca tử vong); và Ukraine (734 ca). Cả hai quốc gia này đều ghi nhận những kỷ lục mới về ca tử vong hàng ngày kể từ đầu dịch.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 46.475.780 người, trong đó có 759.651 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.214.865 ca nhiễm, bao gồm 455.684 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.748.984 ca bệnh và 606.246 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 78,86 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 63,35 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 55,65 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,28 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,54 triệu ca và châu Đại Dương trên 294.000 ca nhiễm.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện