Y tế

 Sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

07:48, 11/04/2022
Chuyến vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đầu tiên do Úc hỗ trợ Việt Nam với 921.600 liều đã tới sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

921.600 liều vaccine cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi đầu tiên đã về đến Việt Nam. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng, triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi.

921.600 liều vaccine cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi đầu tiên đã về đến Việt Nam

Theo thông tin từ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đầu tiên do Úc hỗ trợ đã về đến Việt Nam vào tối 8-4, số còn lại sẽ được chuyển đến trong vài tuần tới. 

Lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đầu tiên do Úc hỗ trợ đã về đến sân bay Nội Bài vào tối 8-4. Ảnh: Đại sứ quán Úc
Lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ đầu tiên do Úc hỗ trợ đã về đến sân bay Nội Bài vào tối 8-4. Ảnh: Đại sứ quán Úc

Cùng với nguồn vaccine hỗ trợ của chính phủ Úc, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ hai liều cơ bản cho tất cả trẻ 5-11 tuổi của Việt Nam.

Đây là lô vaccine đầu tiên trong số hơn 7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi sẽ về Việt Nam trong tháng 4-2022. Lô thứ hai khoảng hơn 2 triệu liều, dự kiến về Việt Nam vào ngày 13-4 và lô thứ ba hơn 4 triệu liều, dự kiến về trước ngày 18-4.

Các lô vaccine này đều do chính phủ Úc viện trợ cho Việt Nam. Úc đã cam kết chia sẻ hơn 7,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ em với Việt Nam. Các liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ sẽ giúp tăng cường nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 thông qua việc mở rộng tiêm vaccine để bảo vệ những người trẻ tuổi ở Việt Nam.

Cam kết này bổ sung cho 7,8 triệu liều vaccine đã được chia sẻ và gói hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 toàn diện của Úc trị giá 60 triệu đô la Úc cho Việt Nam.

Trước đó, ngày 22-3, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi. Theo đó, chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ ngay tuần thứ hai của tháng 4, khi các thủ tục về kiểm định vaccine hoàn tất.

Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết số đối tượng đăng ký của 63 tỉnh/TP là 11.809.740 trẻ. Danh sách đối tượng tiêm tại trường học bao gồm mẫu giáo, tiểu học và học sinh lớp 6 THCS. Đối tượng tiêm tại cộng đồng là trẻ trong độ tuổi từ năm đến dưới 12 tuổi không đi học. 

TP.HCM sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine. Ảnh: HOÀNG GIANG

63 tỉnh/TP sẽ triển khai tiêm từ tháng 4-2022, ngay sau khi được cung ứng vaccine. Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện tại các trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng.

Với các nguồn vaccine phòng COVID-19 được viện trợ và mua, việc tiêm chủng cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II-2022.

Bà Hồng cũng cho biết trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi, Việt Nam sử dụng hai loại vaccine là Pfizer và Moderna. Cụ thể, Bộ Y tế cho phép sử dụng vaccine Moderna cho trẻ từ sáu đến dưới 12 tuổi, vaccine Pfizer dành cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi.

Trong đó, vaccine Pfizer sử dụng cho nhóm trẻ này có hàm lượng 10 mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều của người từ 12 tuổi trở lên; lịch tiêm hai mũi cách nhau bốn tuần. Với vaccine Moderna, liều tiêm bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25 ml), hai mũi cách nhau bốn tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm hai mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Theo dõi trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19

Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có... Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau khi tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.

Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong ba ngày đầu sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19; không nên uống các chất kích thích ít nhất trong ba ngày đầu sau khi tiêm chủng; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ; nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng, đau.

Cha mẹ cần chuẩn bị gì trước khi trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, cha mẹ nên chuẩn bị những câu trả lời để khám tầm soát trước khi tiêm như: Trẻ có bị dị ứng không? Trẻ đã bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim? Trẻ bị sốt? Trẻ có bị rối loạn đông máu? Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống? Trẻ đã được tiêm vaccine khác? Trẻ đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc?

Cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng.

Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Trẻ cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vaccine khác, đồng thời không dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm, cha mẹ cũng nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện