Chính phủ vừa ban hành Nghị định 29/2022 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Nghị định, việc quy định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19, được quy định cụ thể như sau:
1. Đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập (trừ trường hợp quy định tại mục 4)
a. Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 bao gồm:
Tiền khám bệnh, tiền giường và dịch vụ kỹ thuật. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng trong các kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được ban hành giá. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở đó hoặc của bệnh viện chủ quản.
Người điều trị COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị công lập sẽ được ngân sách nhà nước sẽ thanh toán một số chi phí. |
b. Đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Người bệnh COVID-19 có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
c. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị mà người bệnh phải trả theo quy định do một trong các nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
2. Mức giá dịch vụ, danh mục thuốc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo hạng, theo tuyến của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do hoặc bệnh viện chủ quản.
3. Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:
a. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân được ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế chi trả theo nguyên tắc tại (1a), (1b) nêu trên.
b. Mức giá dịch vụ, danh mục thuốc, vật tư y tế và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phục vụ khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 được áp dụng theo hạng, theo tuyến của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.
c. Sở Y tế có trách nhiệm ký hợp đồng với cơ sở y tế tư nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19.
Đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị COVID-19 trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, việc thanh toán chi phí căn cứ quyết định giao nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh hoặc hợp đồng hoặc biên bản nghiệm thu giữa Sở Y tế và cơ sở y tế tư nhân.
4. Đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm 2021 của Bệnh viện điều trị COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế, Đại học Y Dược Hồ Chí Minh, Phổi Trung ương, Nhi Trung ương, Trung ương Thái Nguyên do Bộ Y tế thành lập tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long An và cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập tại TP.HCM:
a. Ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không đủ trang thiết bị để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật thì được ký hợp đồng dịch vụ y tế với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn có đủ điều kiện thực hiện theo quy định chuyên môn, được ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện dịch vụ.
b. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19 theo phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến; Người bệnh COVID-19 có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
c. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều trị mà người bệnh phải trả theo quy định do một trong các nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Nguyên nhân bất khả kháng quy định tại (1c) và (4c) bao gồm:
Người bệnh tử vong trong quá trình điều trị nhưng cơ sở y tế không liên hệ được với thân nhân, người nhà người bệnh.
Người bệnh không có thân nhân, người nhà và không đem theo giấy tờ tùy thân khi vào điều trị tại cơ sở y tế.
Người bệnh, thân nhân, người nhà người bệnh không mang đủ tiền để chi trả chi phí điều trị.
6. Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bệnh viện chủ quản chịu trách nhiệm về tính chính xác, pháp lý của số liệu báo cáo bảo đảm không để xảy ra thất thoát, lãng phí và tiêu cực.
Chế độ, chính sách đối với người được điều động phòng, chống dịch bị nhiễm COVID-19
Nghị định cũng quy định về chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm COVID-19.
Cụ thể, đối với người tham gia phòng, chống dịch đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở y tế công lập được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19. Trong đó quỹ bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định về bảo hiểm xã hội, ngân sách nhà nước chi trả phần còn lại.
Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian điều trị COVID-19.
Đối với người tham gia phòng, chống dịch không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng không tham gia đóng bảo hiểm xã hội được hưởng các chế độ phòng, chống dịch nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị COVID-19.
Đối với người tham gia phòng, chống dịch không hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngoài các chế độ quy định trên, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần với mức như sau:
Đối với người tham gia phòng, chống dịch từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày mức 1.855.000 đồng/người.
Đối với người tham gia phòng, chống dịch từ 30 ngày liên tục trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Đối với người tham gia phòng, chống dịch đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thì được hưởng nguyên lương tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định trong thời gian phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin