Vụ nhà báo Khashoggi biến mất - Cơn địa chấn chính trị Trung Đông?
07:03, 20/10/2018
Hình ảnh của Saudi Arabia trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi.
Nếu cáo buộc Saudi Arabia đã bắt cóc hoặc thủ tiêu nhà báo Jamal Khashoggi - người đang làm việc cho tờ Bưu điện Washington (Washington Post) và có bài viết chỉ trích Thái tử Saudi Arabia, được xác thực thì vụ việc này sẽ là một cơn địa chấn với nền chính trị Trung Đông.
Các nhà hoạt động mang theo ảnh nhà báo Jamal Khashoggi tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Thái tử ngã ngựa?
Saudi Arabia và đặc biệt là Thái tử Mohammed bin Salman đã không lường trước được phản ứng quốc tế với vụ biến mất bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi, vốn luôn phản đối người thừa kế muốn định hình lại đất nước Saudi Arabia và toàn bộ khu vực Trung Đông với tầm nhìn của mình.
Mohammed bin Salman bước lên ngôi vị Thái tử thừa kế vương quốc Saudi Arabia chỉ 16 tháng trước đây, khi mới 31 tuổi. Được ca ngợi với những cải cách mới nhất, trong đó có việc cho phép phụ nữ lái xe, nhưng đằng sau đó, vị Thái tử quyền lực bị cáo buộc đã cho bắt giữ và phạt tù những nhà hoạt động vì quyền phụ nữ. Người thừa kế của Saudi Arabia cũng đang theo đuổi cuộc chiến tại Yemen mà đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 10.000 người và làm 2 triệu người khác mất nhà cửa, cũng như mạnh tay với chính sách cô lập nước láng giềng Qatar...
Saudi Arabia đang nỗ lực để giải quyết những khủng hoảng do vụ nhà báo Khashoggi mất tích gây nên. Thái tử có thể tự tin rằng đã tập trung được quyền lực và sức mạnh tuyệt đối trong tay, đặc biệt là sức mạnh an ninh. Song lần này, người thừa kế của Saudi Arabia có thể đã đánh giá sai phản ứng của Tổng thống Mỹ Donlad Trump, khi cho rằng Washington sẽ bảo vệ quyền lợi của Saudi Arabia trước Quốc hội Mỹ và hơn thế nữa.
Vụ nhà báo Khashoggi mất tích đang là mối đe dọa tiềm tàng khiến kế hoạch lãnh đạo đất nước theo tầm nhìn Mohammed bin Salman có thể bị phá sản. Cuối tuần qua, Quốc vương 82 tuổi của Saudi Arabia đã viện tới Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để tìm kiếm một giải pháp khi vụ việc khiến hai nước gia tăng căng thẳng và kéo cả Mỹ vào cuộc.
Thái tử Mohammed bin Salman đã mất đi một số đồng minh và những người ủng hộ quan trọng cho kế hoạch Tầm nhìn 2030 của mình. Vụ nhà báo Khashoggi mất tích nổi lên với những cáo buộc Saudi Arabia giết hại và phân xác nhà báo này, đã khiến nhiều nhà tài trợ lớn nữa rút đi.
Saudi Arabia đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ Khashoggi. Song hình ảnh của Riyadh có thể vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, Mỹ và các nước phương Tây cũng đã lên tiếng buộc Saudi Arabia phải có câu trả lời.
Thất thế trước Iran
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng nhà báo Khashoggi đã bị giết hại và thi thể của ông đã bị phân nhỏ để phi tang. Nhà báo Jamal Khashoggi ngày 2/10 đến Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để làm thủ tục chuẩn bị tái hôn và biến mất từ đó đến nay.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng, một nhóm 15 công dân Saudi Arabia, trong đó có một số quan chức, đã đến Istanbul trên hai chuyến bay cùng ngày nhà báo Khashoggi đến Lãnh sự quán. Nhóm người này đã rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ sau đó. Nguồn tin từ Lãnh sự quán Saudi Arabia đã bác bỏ và gọi cáo buộc nói rằng Khashoggi bị bắt cóc hoặc bị giết hại bên trong lãnh sự là vô căn cứ.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ chứng thực được những cáo buộc này, thì vụ Saudi Arabia đứng sau tội ác “giết người” sẽ là một cơn “chấn động” với toàn khu vực. Sau cơn địa chấn, nền chính trị Trung Đông dự báo sẽ có cục diện mới. Iran - vẫn luôn ở thế đối đầu với Saudi Arabia, sẽ có thêm lợi thế sau thời gian dài bị Riyadh cô lập trong khu vực. Một liên minh ngầm Iran với Lebanon và thậm chí cả Qatar có thể được tăng cường hơn. Nếu bị “kết tội thủ tiêu” nhà báo Khashoggi, Riyadh sẽ không thể mạnh miệng chỉ trích Tehran là “nhân vật phản diện cuối cùng” của khu vực.
Trong khi đó, Washington sẽ không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của vụ việc này. Thậm chí sức ép quốc tế với chính quyền Tổng thống Trump cũng sẽ gia tăng để buộc Mỹ phải có hành động với đồng minh Saudi Arabia. Việc Mỹ chống lưng Saudi Arabia trong các vấn đề nóng khu vực, đặc biệt cuộc chiến tại Yemen, mà mới nhất trong đó là vụ tấn công nhầm xe buýt trường học làm 40 trẻ em thiệt mạng hồi tháng 8 vừa qua, sẽ bị “xới lại” để chỉ trích.
Dư luận chắc chắn không bỏ qua chi tiết nhà báo Khashoggi luôn bất bình với cuộc chiến của Saudi Arabia tại Yemen. Nghi vấn hàng đầu là ông Khashoggi bị “thủ tiêu” và nếu Saudi Arabia đứng sau tội ác này thì những chỉ trích và mũi dùi sẽ nhắm vào Thái tử Mohammed bin Salman. Hơn thế, Riyadh sẽ mất đi vị thế và tiếng nói của mình trong khu vực./.
Theo VOV