Phiên chất vấn nóng về việc truy trách nhiệm trong vấn nạn thương binh giả.
Truy trách nhiệm trong vấn nạn thương binh giả, chậm giải quyết chế độ cho người có công (NCC), nới lỏng chính sách cho các đối tượng mất hồ sơ gốc hay lúng túng trong thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất cho NCC là những vấn đề "nóng" được các đại biểu chất vấn đối với ông Giám đốc sở LĐ -TBXH.
Tiếp tục phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, chiều nay (11/12), ngành LĐ-TBXH đã trả lời nội dung chất vấn về công tác chính sách người có công với cách mạng.
Tham dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý – Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đ/c trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Các đ/c: Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp. |
569 hồ sơ thương binh giả, ngành LĐ–TBXH thừa nhận trách nhiệm
Trong thời gian qua, công tác chính sách người có công đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên việc thực hiện một số chính sách còn sai sót, gây bức xúc trong nhân dân; công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”, ... còn chậm”. Nội cộm là theo kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 569 hồ sơ người hưởng chế độ thương binh được thiết lập hồ sơ theo Thông tư số 16 bị đình chỉ trợ cấp.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Giám đốc sở LĐ-TBXH Đoàn Hồng Vũ thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác chính sách người có công trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân; nhưng cơ bản vẫn là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp và cả các đối tượng cố tình thực hiện sai chế độ chính sách của Nhà nước.
Người đứng đầu Sở LĐ–TBXH cũng xin nhận trách nhiệm của ngành đã để xảy ra những sai sót ở trên. Tuy nhiên, sai sót này cũng có cả trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, một số sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh như cơ quan quân sự các cấp, chính quyền địa phương..
Giám đốc LĐ - TBXH Đoàn Hồng Vũ trả lời chất vất tại kỳ họp. |
Về hàng trăm trường hợp thương binh giả này, ông Vũ cho rằng, giải pháp trong thời gian tới là làm tốt công tác tuyên truyền để đối tượng nhận thấy sai sót về hồ sơ Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã kết luận bị đình chỉ chế độ là đúng. Đồng thời làm tốt công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại; Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thu hồi số tiền đã hưởng sai; Khôi phục trợ cấp cho những đối tượng đã bổ sung được hồ sơ, tài liệu có tính pháp lý trên cơ sở ý kiến chỉ đạo thống nhất giữa Bộ Lao động - TB và XH và Bộ Tư lệnh Quân khu 4….
Cũng tại phiên chất vấn, liên quan đến vấn đề thương binh giả, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho hay, sau khi có kết luận thanh tra, một số thương binh đã bổ sung hồ sơ và được phục hồi chế độ. “Vậy, trách nhiệm của Sở trong vấn đề này là như thế nào” - bà Lan đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Hồng Vũ cho hay, sau 3 đợt thanh tra, từ năm 2014 đến nay, tại tỉnh Nghệ An phát hiện hơn 800 trường hợp thương binh giả với số tiền hưởng sai, buộc phải thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó có 64 trường hợp được phục hồi chế độ vì đã bổ sung được hồ sơ. “Trường hợp thương binh giả phần lớn là bị phát hiện làm giả hồ sơ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại bản gốc ở đơn vị. Đặc biệt là hồ sơ giả, chúng tôi phải gửi hàng nghìn hồ sơ ra Trung ương để giám định, mất nhiều năm mới có kết quả, còn mắt thường thì không phát hiện được vì làm rất tinh vi. Đối với các trường hợp bổ sung hồ sơ đầy đủ, chúng tôi lập tức khôi phục chế độ cũng như danh dự”, ông Vũ nói.
700 trường hợp chậm giải quyết chế độ
Toàn tỉnh có hơn 700 trường hợp được nhân dân và cơ quan đơn vị liên quan qua các thời kỳ đưa vào danh sách tại các nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn nhưng chưa tra cứu được hồ sơ để đề nghị giải quyết chế độ cho thân nhân và cấp bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Vinh (Thanh Chương) nêu ý kiến: Trên địa bàn huyện Thanh Chương hiện có 430 trường hợp xin cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công, đến nay mới cấp lại cho 154 trường hợp. Còn lại 276 trường hợp chưa được cấp đổi. Trong số đó, có 76 trường không đầy đủ tất cả các thông tin, 16 trường hợp thiếu thông tin. Điều đáng quan tâm đối với 253 trường hợp có đầy đủ thông tin, nhưng vẫn chưa được cấp đổi. Ngoài ra, Thanh Chương còn 2 trường hợp thân nhân liệt sỹ được hưởng chế độ trước ngày 1/1/1995, nhưng đến nay chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Vậy, giải pháp cụ thể của ngành để đẩy nhanh tiến độ, nhất là những trường hợp đầy đủ các thông tin?
Đại biểu Nguyễn Hữu Vinh (Thanh Chương) đề nghị ngành LĐ-TBXH có các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công, nhất là những trường hợp đầy đủ các thông tin |
Về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ lý giải: 253 trường hợp này của huyện Thanh Chương cũng nằm trong 700 trường hợp của cả tỉnh. Việc cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” do rách nát, mất mát thời gian qua vẫn còn chậm với nhiều lý do khác nhau như: Nhu cầu thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng cấp đổi số lượng lớn. Hàng năm, toàn tỉnh cấp đổi được từ 1.000 đến 3.000 bằng “Tổ quốc ghi công” nhưng vẫn còn đề nghị nhiều và tồn đọng chủ yếu do các thông tin, dữ liệu về liệt sĩ để cấp Bằng TQGC còn thiếu và sai lệch so với nguồn dữ liệu Quốc gia. Trong gần 2 năm trình gần 453 trường hợp được cấp 154, còn 276 trường hợ thì trong đó 236 trường hợp đủ thông tin, nhưng chưa được cấp, số này nằm trong số 823 trường hợp mà ngành đã trình Cục Người có công cấp đổi bằng “Tổ quốc ghi công” do rách nát, mất mát cho các trường hợp này nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, theo ông Vũ để hứa thời điểm nào giải quyết xong 700 trường hợp này thì rất khó trả lời.
Về giải pháp thời gian tới, ông giám đốc sở LĐ–TBXH cho biết ngành sẽ tăng cường phối hợp với Cục người có công, Cục Chính sách Tổng cục Chính trị và các cơ quan liên quan để tìm kiếm, tra cứu thông tin liệt sĩ, hồ sơ liệt sĩ để có cơ sở trình cấp có thẩm quyền cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho các thân nhân liệt sĩ kịp thời. Tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã rà soát, lập danh sách đề nghị cấp bằng “Tổ quốc ghi công” đối với liệt sĩ có thân nhân đã được giải quyết chế độ trước ngày 01/01/1995 nhưng chưa được cấp bằng.
Nới lỏng chính sách cho các đối tượng mất hồ sơ gốc
Đại biểu Lang Thị Hoài (Tân Kỳ) nêu câu hỏi: Nhiều trường hợp bị chất độc hóa học không lưu trữ hồ sơ giấy tờ liên quan nên không làm được, ngành có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng?
Trả lời câu hỏi này, ông giám đốc sở giải trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện giải quyết các chế độ chính sách người có công đối với người tham gia kháng chiến hy sinh, bị thương, mắc bệnh tật liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng chưa được xác nhận và thực hiện chế độ, nhưng đến nay chưa được giải quyết vì không có hồ sơ theo quy định. Việc lập hồ sơ trước hết là trách nhiệm của đối tượng và chính quyền cơ sở (hiện tại Sở Lao động - TB và XH không có hồ sơ nào tồn đọng). Đây là nỗi niềm băn khoăn của cấp ủy, chính quyền và những người làm công tác chính sách đối với một số đối tượng là người thật, việc thật mà không chứng minh được tính pháp lý để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đại biểu Lang Thị Hoài (Tân Kỳ) nêu các trường hợp bị chất độc hóa học không lưu trữ hồ sơ giấy tờ liên quan nên không làm được, ngành có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng? |
Mới đây nhất ngày 20/3/2017, Bộ LĐ-TBXH có QĐ 408 về việc quy định giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC và áp dụng cho những hồ sơ lập trước ngày 1/3/2013. Hồ sơ được xác lập tồn đọng được xác lập trước ngày 1/7/2013 nhưng đang lưu trữ tại sở LĐ-TBXH và cơ quan công an tỉnh hoặc BCHQS tỉnh thì mới gọi là tồn đọng. Hiện nay, đang xác lập hồ sơ TNXP theo QĐ408
Để đảm bảo quyền lợi cho người thật việc thật trong trường hợp mất giấy hồ sơ gốc, không thể lưu giữ được nữa thì tiếp nhận ý kiến của đối tượng, từ đó xem xét chu đáo cho các đối tượng để có hướng dẫn cụ thể về cơ chế chính sách hiện tại, để đối tượng biết và đối chiếu để đối tượng nghiên cứu, tiếp tục tìm hồ sơ. Đối với những người bị thương mà không lưu hồ sơ, thì đề nghị đối tượng quay lại đơn vị cũ hoặc nơi điều trị vết thương để lục lại hồ sơ, nếu có căn cứ trình xem xét, và vết thương thực thể, có mảnh kim khí trong người sẽ xem xét. Đối với những hợp này, sở sẽ có báo cáo Bộ LĐ-TBXH và Cục NCC để thêm để nới lỏng chính sách.
Ông Vũ cho biết ngành sẽ tích cực đề xuất, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ cho chủ trương, chính sách để làm căn cứ giải quyết chế độ cho những trường hợp hy sinh, bị thương và mắc bệnh tật liên quan phơi nhiễm chất độc hóa học mà không còn lưu trữ được hồ sơ, giấy tờ, căn cứ gốc. Đồng thời, phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và chính quyền các cấp và người có công, thân nhân người có công để khai thác các thông tin, hồ sơ có lợi để làm căn cứ thực hiện việc giải quyết chế độ cho người có công.
Lúng túng trong miễn giảm tiền sử dụng đất
Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TPVinh) nêu vấn đề: việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng thực hiện như thế nào? Theo pháp luật về người có công NCC được miễn giảm trong 2 trường hợp. Tuy nhiên 2014 đến nay, UBND tỉnh chưa ban hành, vì vậy nhiều huyện thành thị lúng túng trong việc miễn giảm, nguyên nhân do chậm ban hành QĐ việc miễn giảm.
Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TPVinh) đặt câu hỏiviệc miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công với cách mạng thực hiện như thế nào? |
Về miễn giảm tiền sử dụng đất, trước đây có QĐ118 của TTCP, sau có các QĐ của CP và hiện nay tỉnh ta còn áp dụng QĐ47 của UBND tỉnh. Trong QĐ đã nêu rất rõ về mức miễn giảm tiền sử dụng đất cho 4 đối tượng NCC khi được xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất. QĐ47 cũng đã quy định không thuộc đất sinh lợi cao đấu giá. Và việc miễn giảm phụ thuộc chính quyền các cấp. Đã có QĐ29 của UBND tỉnh vào năm 2015 đã ủy quyền quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất cho đối tượng NCC
Như vậy, hiện nay trách nhiệm miễn giảm hay không là do UBND cấp huyện, sở chỉ làm nhiệm vụ khi mà các huyện xác định đúng là đối tượng người có công hay không.
“ Nếu chúng tôi nhận hồ sơ là chúng tôi sẽ xác định đó là đối tượng NCC hay không? Căn cứ vào đó cấp huyện xem xét để miễn giảm tiền sử dụng đất” – ông Vũ thông tin thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TNMT cũng đã giải trình làm rõ thêm về nội dung miễn giảm tiền sử dụng đất
Tuy nhiên, đại biểu Ngô Thị Thu Hiền cho rằng giải trình của ông giám đốc sở LĐ-TBXH là chưa thỏa đáng vì theo QĐ47 năm 2018 của UBND tỉnh thì chỉ 4 đối tượng được miễn giảm về nhà ở. Bên cạnh đó, việc ủy quyền cho các địa phương chưa phù hợp và thiếu thống nhất trong thực hiện chính sách, vì có huyện thành thị thực hiện, có nới không. Để đảm bảo công bằng cũng nên cần ban hành chế độ miễn giảm quy định chung cho cả tỉnh.
Ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TNMT cũng đã giải trình làm rõ thêm về nội dung miễn giảm tiền sử dụng đất. |
Xung quanh vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ thông tin thêm: Chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất: tại điều 55, Nghị định số 31quy định Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ nếu mua nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước hoặc được nhà nước giao đất làm nhà ở thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, tại Nghị định số 45 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; Điều 13, điều 14, Thông tư số 76 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014 quy định Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất cho người có công với Cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Mặt khác tại Điều 38, Pháp lệnh ưu đãi người có công và điều 76 - Nghị định số 31 của Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với người sử dụng đất là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành văn bản hướng dẫn này.
Rút ngắn thủ tục hành chính
Đại biểu Nguyễn Thị Lan ( Đô Lương) nêu ý kiến: Trên Cổng thông tin của Sở LĐ-TBXH Vẫn sử dụng Bộ thủ tục hành chính theo NĐ 54 và Thông tư 07 năm 2006 không xác định thời hạn xử lý của từng cấp, từng ngành mà ghi chung thời hạn giải quyết của một bộ thủ tục hành chính. Để nghị ông Giám đốc Sở giải trình lý do nào vẫn sử dụng Bộ thủ tục này, mà không sử dụng bộ sử dụng hành chính được quy định tại thông tư 05/2013, quy định rõ thời hạn xử lý của từng cấp từng ngành, để xác định rõ trách nhiệm giải pháp của từng cấp từng ngành tronng quá trình xử lý và giải quyết chế độ thủ tục hành chính cho NCC, giải pháp của ngành trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Thị Lan ( Đô Lương) đề xuất giảm thủ tục hành chính. |
Về nội dung này, ông Giám đốc sở giải trình ngành LĐ-TBXH đã ban hành riêng Bộ thủ tục hành chính của ngành. Bộ thủ tục hành chính có 105 thủ tục, trong đó có 34 thủ tục hành chính NCC, trong số đó có 29 thủ tục cấp tỉnh, 4 cấp tỉnh và 1 cấp xã. Về thủ tục NCC do Bộ, ngành TW quy định nên chúng ta phải tuân thủ. Chúng tôi có hướng giảm về thời gian, chứ còn thủ tục hành chính do Cục NCC quy định chứ không phải do sở LĐ–TBXH quy định. Vừa rồi chúng tôi đã trình Bộ thủ tục hành chính sang UBND tỉnh. Dự kiến sẽ giảm 10 - 11 hành chính, hiện đã soát xét 1 số thủ tục giảm, ví dụ thủ tục giám định lại thương tật điều chỉnh chế độ sẽ giảm từ 15 ngày xuống còn 12 ngày.....Tiếp thu ý kiến đại biểu, ngành sẽ tiếp tục soát xét thêm về thủ tục hành chính.
Xác định danh tính cho các liệt sỹ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Thu (Quỳnh Lưu) về việc tìm kiếm, quy tập, an táng và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, người đứng đầu sở LĐ – TBXH cho biết ngành đã phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trong việc tìm kiếm, quy tập, an táng và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đến nay, việc xác định danh tính cho liệt sỹ phần mộ đã có đề án 150 của TTCP, còn việc tìm kiếm mộ liệt sỹ chủ yếu là lực lượng quân sự..ngành cũng đã phối hợp Ban chỉ đạo Trung ương, Mặt trận thực hiện lấy mẫu tại 1.387 phần mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào.
Đại biểu Tô Văn Thu (Quỳnh Lưu) đề nghị ngành LĐ-TBXH cho biết giải pháp tìm kiếm, quy tập, an táng và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. |
Cũng theo ông giám đốc sở, đa số mộ không xác định được ADN vì hài cốt đã quá lâu. Số mộ đã xác định ADN đã kết nối với thân nhân liệt sỹ, trong năm 2019, sẽ tiến hành khai quật 800 ngôi mộ ở khu B, nghĩa trang Việt Lào, lấy mẫu giám định AND để xác định tên liệt sỹ.
Kết luận phiên chất vấn đối với ngành LĐ-TBXH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng mặc dù đây là lĩnh vực nhiều vấn đề bức xúc nhưng phiên chất vấn đã diễn ra nhẹ nhàng. “ Nội dung chất vấn về chế độ chính sách cho người có công được ông Giám đốc Sở LĐTB & XH trả lời khá đầy đủ chặt chẽ, thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm. Giám đốc Sở đã trình bày được nhiều giải pháp chung và riêng cho từng vấn đề” – Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn kết luận phiên chất vấn.
|
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều bức xúc, vẫn có đường dây chạy thương binh giả, công tác cấp đổi bằng Tổ quốc ghi công chậm, nhiều người tham gia kháng chiến bị thương nhưng vì mất giấy tờ nên đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương bệnh binh. Vì thế, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền về người có công, để nhân dân hiểu đúng và tích cực phối hợp với ngành chức năng trong việc xác định lại các thông tin cần thiết, đồng thời không bị sa vào các đường dây chạy thương binh giả. Đồng thời, trong việc thực hiện chính sách các cấp thẩm quyền cũng cần chấn chỉnh các mắt xích làm sai làm chậm. Chú trọng công tác kiểm tra thanh tra, để phòng chống tiêu cực, cần tăng cường các chính sách xã hội hoá để tăng cường nguồn lực trong thực hiện công tác thực hiện chính sách cho người có công.
“Chúng ta cần làm tốt hơn nữa chính sách cho người có công vì đây vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý của chúng ta, vì thế mỗi cấp mỗi ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa”. Chủ tịch HĐND Nguyễn Xuân Sơn đề nghị.
Hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công với cách mạng lớn thứ ba trong cả nước. Tính đến ngày 30/11/2018 toàn tỉnh đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 75.084 đối tượng với số tiền chi trả gần 122,68 tỷ đồng/tháng. Năm 2017 và năm 2018 đã tìm kiếm, quy tập, an táng được 205 hài cốt liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nghi Lộc; cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” cho: 2.580 trường hợp (trong đó: Cấp mới: 11 trường hợp; cấp đổi do rách nát, mất mát: 2.569 trường hợp). |
Hiến Chương - Văn Nhân