Hiện tượng Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt có quê gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức. Cha ông từng là cán bộ cốt cán Việt Minh ở Nghệ An. Từ nhỏ, Nguyễn Trần Bạt đã được nghe cha và nhiều nhà trí thức, cách mạng đàm thoại về những vấn đề của thế cuộc. Như một năng khiếu thiên bẩm, ngay những năm tháng thiếu thời, Nguyễn Trần Bạt đã quan tâm và suy nghĩ về những vấn đề cuộc sống, tìm cách để lý giải hoặc suy đoán sự vận động của nó.
Nhưng cuộc đời cậu bé Nguyễn Trần Bạt không suôn sẻ. Lớn lên gặp cảnh chiến tranh ly tán. Con đường sự nghiệp của cha ông gặp khó khăn.
Ông từng kể: “Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó.
Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả. Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống… với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt (thứ nhất, bên trái) tại cuộc toạ đàm "Nghệ An làm gì để trở thành một trong những tỉnh khá nhất" do Đài PT-TH Nghệ An thực hiện. |
Những bước ngoặt cay đắng của cuộc sống đã trang bị cho Nguyễn Trần Bạt kiến thức thực tế, sự từng trải và óc tưởng tượng và vì thế, cậu không dễ thỏa mãn với những gì mà nhà trường dạy cho mình. Nguyễn Trần Bạt luôn tìm cách phản biện, đặt ngược vấn đề. Có khi, chỉ một mình, Nguyễn Trần Bạt khuấy động cả một tiết học. Và, cậu cũng nhận ra, nhu cầu hiểu biết của mình không chỉ dừng lại ở những kiến thức trong sách giáo khoa.
Ông tâm sự: “Tôi là một học sinh cá biệt trong suốt thời kỳ đi học, từ cấp 1 cho đến khi tốt nghiệp đại học. Tôi là một hiện tượng bất quy tắc…”. Xu hướng tự hoàn thiện mình, tự trang bị kiến thức cho mình trở thành một xu hướng ngày càng mạnh trong Nguyễn Trần Bạt.
Cho đến khi học lớp 9, thì Nguyễn Trần Bạt cảm thấy trường học trở nên chật chội so với trí tưởng tượng của mình, nên ông ghi tên đi thanh niên xung phong. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông lại xung phong đi bộ đội vì nghĩ cuộc đời người lính trên trận tuyến sẽ giúp ông thực hiện được những hoài bão của tuổi trẻ.
Sau một trận đánh, ông bị sức ép từ bom, và được cho giải ngũ vì yếu sức khỏe. Bước ngoặt này đã đưa ông trở lại hậu phương. Sau đó Nguyễn Trần Bạt đỗ vào trường Đại học Xây dựng, rồi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành kỹ sư cầu đường.
Nguyễn Trần Bạt về làm việc tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông thuộc Bộ giao thông vận tải. Năm 1982, khi 36 tuổi, Nguyễn Trần Bạt đỗ đầu trong kỳ thi nghiên cứu sinh, nhưng các nhà lãnh đạo Bộ giao thông không đồng ý cho ông đi học.
Lý do đưa ra thật kỳ quặc: “Anh là người kiêu ngạo. Đảng sẽ khó quản lý một người kiêu ngạo mà lại là tiến sĩ”. Sự trục trặc đó, ít nhiều có tác dụng thôi thúc ông tìm kiếm một con đường khác cho cuộc sống của mình.
Năm 1984, khi đang giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông thì ông quyết định rời cơ quan này. Nguyễn Trần Bạt chia sẻ: “Nếu tôi kiên nhẫn một chút thì tôi có thể trở thành giáo sư. Nhưng tôi thấy sáng cắp ô đi, tối cắp ô về chán quá”. Cái lối sống viên chức với những quy định ràng buộc, cái cảnh đói nghèo triền miên đã thôi thúc ông phải tìm lấy một con đường khác có thể làm thay đổi tình thế của mình.
Thực ra, để có thể chủ động đi đến quyết định ấy, Nguyễn Trần Bạt đã nghiên cứu, nắm bắt xu hướng đổi mới đang ngày càng hiện hữu. Đó là một quá trình mãnh liệt mà âm thầm kéo dài trong nhiều năm nhằm trang bị lại kiến thức của mình và hình thành một chương trình hành động.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An và ekip thực hiện chương trình của Đài PT-TH Nghệ An. |
Năm 1987, Nguyễn Trần Bạt khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Năm 1989, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Đó là công ty đầu tiên ở Việt Nam làm nhiệm vụ kết nối đầu tư nước ngoài. Khách hàng là những nhà đầu tư đến Việt Nam được tư vấn một cách đầy đủ từ luật pháp, đến các quy trình thực hiện một dự án, các phương án gỡ rối cho doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Có thể nói, Nguyễn Trần Bạt đã nắm bắt chính xác và bù lấp một khoảng trống lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Gắn sự học truyền thống với sự phát triển của kinh tế Nghệ An
Có thể nói ông Bạt là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa cái cốt cách “hiếu học, gàn, ngông” của người xứ Nghệ (như GS Phong Lê nói) với sự uyển chuyển, lịch lãm của người Tràng An. Cái hiếu học, “gàn”, “ngông” đã khiến ông không gục ngã trong những thời điểm khó khăn nhât của cuộc đời. Nhưng chính cái “uyển chuyển”, “lịch lãm” mới “dạy” cho ông cái cách “lách” những khung cửa hẹp nhất để làm những việc mình muốn làm và viết, nói những điều mình nghĩ.
Ông là người có lý tưởng. Ông từng nói: “Tôi làm hết sức mình để “giải độc” cho thế hệ trẻ. Tôi cũng là một người cha. Tôi đã nghĩ nhiều để thế hệ trẻ, thế hệ con tôi bước vào cuộc đời với tư cách những người tự do, những người không nhiễm độc, không định kiến, những người có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Xét cho cùng, mục tiêu của con người là sống chứ không phải làm việc. Hiện nay ngành giáo dục đang dạy trẻ con sai, làm con cháu chúng ta thi rất giỏi, nhưng làm thì rất kém. Có những người làm rất giỏi, nhưng sống thì tồi”.
Ông sống và yêu cuộc đời theo cách của mình. Có lần ông thổ lộ: “Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Cuộc sống đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt trao đổi với giám đốc Đài PT-TH Nghệ An năm 2015. Ảnh tư liệu. |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài PT-TH Nghệ An vào năm 2015, ông từng nói: "Tôi phải nói rằng, không phải nghĩ gì và không phải nói thêm câu gì về sự hiếu học của người Nghệ. Lý do rất rõ đó là một truyền thống rất lâu đời, hết đời này qua đời kia chúng ta đều chăm chỉ, đều cần cù. Nhiều chục năm và nửa thế kỉ trôi qua, lãnh đạo các bộ môn, các khoa tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trong nước... 60-70% là người Nghệ Tĩnh. Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội là người Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, tính thực dụng khi học là một trong đặc điểm gắn với việc học với việc phát triển kinh tế và xã hội. Vậy chúng ta phải làm như thế nào đó để gắn sự học vốn là truyền thống lâu đời của người Nghệ với sự phát triển kinh tế Nghệ An. Đấy là điều tôi chúc cho các cháu học sinh, sinh viên học phải gắn liền với sự nghiệp phát triển của địa phương và đất nước".
Nghệ An sẽ là một tỉnh hàng đầu trong cả nước
Năm 2019, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt tham gia toạ đàm "Nghệ An làm gì để trở thành một trong những tỉnh khá nhất" do Đài PT-TH Nghệ An tổ chức, cùng với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và doanh nhân thành đạt người Nghệ An.
Trong chương trình này, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt từng thổ lộ thổ lộ, là một người Nghệ, bản thân luôn nghĩ về quê hương Nghệ An theo bản năng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, trong đấu tranh cách mạng Việt Nam, Nghệ An giữ một vị trí quan trọng. Người ta không thể ngờ vực lòng dũng cảm, sự hy sinh của người Nghệ. Trong thời kỳ đổi mới, Nghệ An nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, sớm trở thành tỉnh khá nhất miền Bắc như lời căn dặn trong Bức thư cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969 nhưng chưa hoàn thành. Ông cũng đã có những nhận định về tiềm lực phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhận định, các cố gắng của người Nghệ An có những giai đoạn đã ở mức dữ dội. Dữ dội đến mức có lúc dẫn đến trạng thái mất đoàn kết. Tham gia vào quan trắc quá trình phát triển của Nghệ An từ năm 1990, ông nhận định nhiều người Nghệ sốt ruột với sự không giàu có của mình. Một số địa phương của tỉnh bỏ qua sự phát triển có chất lượng quy mô. Nghệ An đã bắt đầu hình thành nhân tố con người, nhân tố đô thị, không sốt ruột mà cần đi theo hướng phân tích các đặc điểm địa kinh tế của tỉnh mà chờ đợi phát triển năng lực tự nhiên. Bên cạnh đó, cần phân tích các nhược điểm của môi trường phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An bằng các quy luật khách quan đảm bảo sự an toàn, bình tĩnh, hòa bình của sự phát triển. Vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh và kiên nhẫn.
Ekip Đài PT-TH Nghệ An trong một lần trao đổi tại nhà riêng của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. |
Nói về việc sự mất đoàn kết trong ban lãnh đạo có phải là yếu tố cản trở sự phát triển không, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt khẳng định: không. Sự phát triển chân chính là sự phát triển bất chấp tất cả các vấn đề. Trong một không gian kinh tế vừa đa dạng, thuận lợi như Nghệ An việc có trở thành thị trường kinh tế của các tỉnh khác hay không, và làm thế nào để điều đó xảy ra, theo ông Bạt cần có giải pháp để tăng thu nhập của người dân. “Chúng ta không có di sản thì phải có tài sản”, ông Bá nhấn mạnh thêm.
Về việc đất đai có phải là tài nguyên số một hay không, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng, nếu chỉ xem đất đai như chỗ để xây nhà là định nghĩa sai giá trị của đất đai. Nghệ An là một không gian kinh tế, không phải không gian đất đai, càng không phải không gian gì khác. Con người là chủ của không gian ấy
Về yếu tố văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cho rằng cần phải mạnh dạn cải cách văn hóa để tăng tính hội nhập. “Không được sốt ruột, phải kiên nhẫn định hướng liên tục các yếu tố tích cực của văn hóa để tạo ra sự thay đổi có chất lượng”, ông Bạt nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, con người phải biết ứng phó với sự thay đổi của thiên nhiên, có nghiên cứu để có các giải pháp ứng phó.
Nói về mục tiêu trở thành tỉnh khá của Nghệ An, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt khẳng định không quá khó, chỉ khó so với sự sốt ruột. Ông Bạt cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn và nắm bắt cơ hội thực sự. Không gian kinh tế và tiềm năng của Nghệ An rất lớn. Nhà nghiên cứu tin rằng, Nghệ An sẽ là một trong những tỉnh hàng đầu trong cả nước.
Đưa ra lời khuyên đối vối thế hệ lãnh đạo trẻ của tỉnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh: “Kiên nhẫn phấn đấu với các mục tiêu đã đề ra của tỉnh”. Bởi giải pháp từ mặt lý thuyết đến giải pháp thực tế phải đi qua giai đoạn triển khai, và giai đoạn này gọi là thách thức. “Cần phải có viện nghiên cứu chiến lược của riêng mình. Năng lực của Ban lãnh đạo là dự báo. Tôi muốn các nhà lãnh đạo Nghệ An có 1 năng lực dự báo, chủ động hợp tác, đối thoại và hội nhập mới tìm ra được con đường của mình. Phải tự đưa mình đi lên như một trí tuệ. Nghệ An không chỉ cạnh tranh với hơn 60 tình, thành trong cả nước mà còn hơn 100 nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin