Độc đáo tục giã bánh dày ngày Tết của người Mông ở Tương Dương

10:27, 21/01/2023
Nếu Tết của người Kinh không thể thiếu bánh chưng thì trong mâm cỗ Tết của đồng bào Mông trên đỉnh Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, Tương Dương bánh dày là món ăn không thể thiếu. Bởi, bánh dày gói ghém những ước vọng của đồng bào về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

CLIP: Độc đáo tục giã bánh dày ngày Tết của người Mông (Tương Dương)

 

Huồi Cọ là một bản thuộc xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, nằm ở độ cao gần 1.700m so với mặt nước biển, quanh năm, mây và sương mù che phủ. Ảnh: Hiến Chương

Ngày cuối cùng của năm cũ... trong những ngôi nhà mái lợp bằng gỗ samu vững chãi trên đỉnh Huồi Cọ, Tương Dương, bà con bản Mông đông vui, tấp nập đang hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống của dân tộc. 

Ngày 30 Tết, trong những căn nhà lợp gỗ samu, đồng bào Mông bản Huồi Cọ quây quần quanh bếp lửa làm bánh dày - món ăn truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Hiến Chương

Đồng bào Mông quan niệm, bánh dày là đại diện cho mặt trăng, mặt trời, có thể sinh ra vạn vật, cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống của con người thêm phần sung túc. Vì vậy, trong các dịp lễ tết, gia đình người Mông nào cũng giã bánh dày để ăn và dùng làm lễ vật cúng tổ tiên, thần linh, trời đất. Ở nhiều nơi việc giã bánh dày còn được người Mông tổ chức thành môn thi trong các dịp lễ, tết, các đợt sinh hoạt chung của cả cộng đồng.

Xôi sau khi đồ chín được bà con đổ vào chiếc cối gỗ để giã cho nhuyễn. Ảnh: Hiến Chương

Bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương vừa có mùi thơm lại có độ dẻo. Sau khi đã lựa chọn gạo một cách kỹ càng người dân mang gạo ra ngâm khoảng một ngày rồi mang gạo đi đồ. Quá trình đồ xôi cũng rất quan trọng, phải đun nhỏ lửa và thật đều lửa, để xôi chín kỹ đạt được sự mềm dẻo. 

Xôi bắt buộc phải được giã ngay khi vừa được bắc ra lúc đang nóng hổi. Ảnh: Hiến Chương

Sau khi xôi chín thì bà con cho vào chiếc cối đã được chuẩn bị từ trước để giã cho nhuyễn, xôi bắt buộc phải được giã khi vừa được bắc ra lúc còn nóng hổi. Thường những người đàn ông, thanh niên trai tráng khỏe mạnh mới được lựa chọn để giã bánh, bởi công việc này đòi hòi sức khỏe, sự dẻo dai.  

Thường thì đàn ông, thanh niên sẽ là những người nhận nhiệm vụ giã bánh. Ảnh: Hiến Chương

Theo đó, nếu khâu giã bánh làm kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Sau khi đã giã xong mọi người cùng quây quần quanh bếp lửa nặn bánh ngay, bởi nếu để nguội thì không nặn được nữa.

Xôi sau khi đã giã nhuyễn được đổ ngay ra mâm để mọi người cùng vắt bánh. Ảnh: Hiến Chương

Bánh nặn phải tròn như mặt trăng, mặt trời nhìn mới ngon vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ lẫn tâm linh. Phần lá để gói bánh được dùng bằng lá chuối đã rửa sạch sau đó mang hơ qua lửa để tạo sự dẻo dai.

Sau khi đã giã xong mọi người cùng quây quần quanh bếp lửa nặn bánh ngay, bởi nếu để nguội thì không nặn được nữa. Ảnh: Hiến Chương

Bánh dày là món ăn để đồng bào Mông thờ cúng tổ tiên vào những ngày quan trọng như lễ hội tết nhất, đây còn là món ăn đặc biệt để đãi khách và làm quà khi khách đến thăm nhà. Dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn bà con thường nướng trên than hồng hoặc cắt nhỏ từng miếng bánh rồi rán bằng mỡ lợn cho phồng lên, bánh sẽ có một hương vị cực kỳ hấp dẫn, thơm ngon đặc biệt.

Nhiều trò chơi dân gian như ném còn, con quay, chọi gà...được bản Huồi Cọ tổ chức trong những ngày Tết. Ảnh: Hiến Chương
Chọi gà là trò chơi không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Mông, Huồi Cọ.  Ảnh: Hiến Chương
Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian. Ảnh: Hiến Chương

Bên mâm rượu ngô, cùng hòa vị với những món ăn truyền thống vùng cao, bánh dày luôn là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai có mặt trong ngày tết cổ truyền đặc sắc của người Mông trên đỉnh Huồi Cọ. 
 

HIến Chương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện