Làng Vạc điểm đến tâm linh của du khách thập phương

15:28, 17/02/2023
Nằm cách thành phố Vinh 90km về phía tây bắc, khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc thuộc phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa được phát hiện; khai quật lần đầu tiên vào năm 1972. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân bản địa và du khách thập phương. Đến đây, du khách sẽ tìm thấy sự bình an, tĩnh lặng và được tìm hiểu về những giá trị lịch sử to lớn của nền văn hóa Đông Sơn. 
Một số hiện vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc.

Với 347 ngôi mộ cổ, 1.228 hiện vật công cụ sản xuất, đồ trang sức, nhạc khí, tượng, đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, gốm, thuỷ tinh của người Việt Cổ cách đây 2000 – 2.500 năm chính là minh chứng được tìm thấy tại vùng đất địa linh nhân kiệt này. Năm 1999 Làng Vạc được bộ văn hóa và thông tin (nay là Bộ văn hóa, thể thao và du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó cho đến nay đây thực sự đã trở thành điểm đến tâm linh của người dân. Vào những ngày đầu xuân như thế này, lượng người về với điện thờ Làng Vạc ngày một đông. Dường như ai cũng muốn thắp nén tâm hương để cầu nguyện một năm bình an, may mắn.  

Một số hiện vật được khai quật tại khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc.

Chị Vũ Thị Hồng, du khách cho biết: "Năm nào cũng vậy, đầu xuân tôi đều đến đây thắp hương để cầu nguyện sức khỏe cho gia đình, mong một năm mới việc kinh doanh gặp nhiều may mắn thuận lợi. Đến đây tôi thấy rất thanh thản trong tâm, thật sự yên bình".

Hàng năm nhằm ngày 7, 8, 9/2 âm lịch người dân trong vùng cùng với du khách thập phương lại tụ hội về đây để tham dự lễ hội Làng Vạc. Lễ hội Làng Vạc đã trở thành ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn và các vùng lân cận với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức cúng tế trang nghiêm, thành kính, phần hội là các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hết sức sôi nổi. Mỗi người dân khi về với Làng Vạc dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị thần linh đều mang những tâm niệm riêng nhưng tất cả đều hướng mình vào điều thiện, vào thuần phong mỹ tục.

Một tiết mục đánh cồng chiêng tại lễ hội Làng Vạc. (Tư liệu)

Ông Lê Văn Tuất – Khối 1, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa cho biết: "Điện thờ Làng Vạc rất linh thiêng, với người dân bản địa chúng tôi đây là điểm đến hết sức lý tưởng, cầu an, cầu phúc, cầu duyên…du khách cũng đến đây rất đông. Bản thân tôi và gia đình khi có việc gì hoặc rằm, mồng một, ngày tết chúng tôi đều qua đền thắp hương cầu nguyện".
 
Làng Vạc ngày càng được nhiều người biết đến bởi không chỉ vì linh thiêng, lòng người bình an mà Làng Vạc còn được người ta xem như một nơi trú ngụ của bầu tâm sự. Họ tin vào những vị thần linh - những người đã tạo nên một nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ đậm đà bản sắc dân tộc. Để hôm nay và cả mai sau những người dân trên vùng đất này cũng như bao thế hệ con rồng cháu tiên gìn giữ và phát huy. Người Thái Hoà tự hào và biết ơn trời đất đã ban tặng cho mình vùng đất cổ, thiên nhiên ưu đãi, sự kỳ vĩ về phong cảnh, nhất là một khu di chỉ khảo cổ học tâm linh như Làng Vạc.

Lễ rước Vạc đồng tại lễ hội Làng vạc diễn ra hàng năm. (Tư liệu)

"Những ngày đầu năm hay rằm, mùng 1 du khách đến với điện thờ Làng Vạc khá đông. Năm mới bắt đầu họ thường về đây để thắp hương nguyện cầu và cũng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho năm qua đã được bình an. Với nhà đền chúng tôi cũng để đón du khách thì chuẩn bị tốt các điều kiện và cúng tế bài bản đảm bảo sự trang nghiêm thành kính" - ông Đặng Công Chất, Trưởng ban quản lý Điện thờ Làng Vạc trao đổi.

Lễ hội Làng Vạc lần thứ XXIV năm 2023 đang đến gần, những ngày này cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn Thái Hòa đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho lễ hội. Tất cả đang hứa hẹn một mùa lễ hội quy mô, trang nghiêm, thành kính, vui tươi và phấn khởi.  

Thu Trang - Quang Huy

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện