Gìn giữ nghề đan lát  nghề truyền thống của đồng bào Thái ở Yên Khê

18:21, 01/04/2023
Nghề đan lát đã gắn bó từ bao đời nay với bà con dân tộc Thái xã Yên Khê huyện Con Cuông. Được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, cho đến tận bây giờ nghề đan lát mây tre truyền thống vẫn đang được đồng bào Thái nơi đây tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Bà Vi Thị Hồng, năm nay đã 75 tuổi ở bản Nưa xã Yên Khê huyện Con Cuông kể lại không biết nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình có từ bao giờ. Bà chỉ biết từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy ông, bà, bố, mẹ của mình tự đan lát những vật dụng dùng cho sinh hoạt gia đình thường ngày. Rồi nghề đan lát đến với bà cũng tự nhiên như thế, khi bà chỉ nhìn  rồi bắt chước làm theo. Dần dần bà Hồng đã biết tự đan những chiếc rổ, rá đơn giản rồi đến những dụng cụ phức tạp hơn sau này. 

 Bà Vi Thị Hồng (áo vàng) cùng một thành viên trong tổ, đang thực hiện công đoạn tạo hoa văn cho sản phẩm.

Vào tháng 6 năm 1921 tổ đan lát mây tre truyền thống bản Nưa được thành lập, sau khi được dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ triển khai hỗ trợ phát triển mây tre lá bền vững tại xã Yên Khê. Bà Vi Thị Hồng được bầu làm tổ trưởng phụ trách tổ đan lát bản Nưa. Ban đầu mới thành lập tổ đan lát có 50 thành viên, nhưng hiện nay chỉ còn 38 thành viên gắn bó với tổ, chủ yếu là bà con ở bản Nưa. Với bà Hồng, việc duy trì nghề mây tre đan truyền thống không chỉ giúp bà và các thành viên trong tổ giữ được nghề của cha ông để lại, mà đan lát còn giúp bà con có thêm thu nhập vào những lúc nông nhàn. 

 Hoa văn được trình bày tinh xảo trên các sản phẩm đan lát

Sau khi tham gia vào dự án, các sản phẩm mà tổ đan lát thực hiện chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng. Những chiếc làn, chiếc giỏ, hộp đựng quà hay các vật dụng trang trí đều được các thành viên trong tổ trau chuốt tỉ mỉ từng mũi nan, sợi mây. Để làm ra được một sản phẩm thì bình quân mỗi người thợ phải mất từ 2-3 ngày, từ công đoạn chẻ nan, vót nan rồi đến đan thành phẩm. Với những sản phẩm khó, thời gian làm sẽ lâu hơn, mất thời gian hơn. 

Hộp đựng quà, một trong những sản phẩm được dự án đặt hàng tại tổ đan lát bản Nưa

Theo bà Lương Thị Hóa, một thành viên trong tổ đan lát chia sẻ: có những sản phẩm bà con phải làm đi làm lại nhiều lần mới có thể hoàn thành bởi kỹ thuật đan phức tạp. Nhưng dù khó đến đâu thì các thành viên trong tổ vẫn quyết tâm làm. Thêm nữa, việc đan lát đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm sự khéo léo, kiên trì thì mới cho ra sản phẩm bền và đẹp. Nhưng chỉ cần có đơn đặt hàng, có khách hàng mua là bà con lại miệt mài cùng nhau làm không kể thời gian.  Kỹ thuật đan thủ công khéo léo, sản phẩm làm ra bền đẹp, nên các sản phẩm đan lát của bản Nưa làm đến đâu được mang đi tiêu thụ hết đến đó. Mặc dù chỉ mới thành lập được 2 năm, nhưng bà Vi Thị Hồng đã cùng với sản phẩm đan lát của mình đi tham gia triển lãm ở nhiều nơi như Hà Nội, Quảng Nam. Thậm chí có những sản phẩm còn được gửi ra nước ngoài triển lãm. 

 Bà Vi Thị Hồng chụp ảnh cùng khách nước ngoài, trong một lần tham gia triển lãm sản phẩm mây tre đan truyền thống tại Hà Nội.

Mặc dù chất lượng sản phẩm tốt, bền, đẹp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, do sản phẩm đan lát của bản Nưa làm ra vẫn còn ít và đang làm theo đơn đặt hàng có sẵn, nên thu nhập của bà con chưa cao. Trung bình một tháng, mỗi người thợ thu nhập chỉ được từ 500-700 nghìn đồng. Vì vậy mong muốn lớn nhất của bà con là được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nguồn vốn để bà con mua sắm máy móc hỗ trợ cho việc chẻ nan, vót nan. Bởi  đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong quá trình làm ra một sản phẩm đan lát. Bà con cũng mong muốn được hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó góp phần tăng thu nhập tạo việc làm thường xuyên cho bà con.    

Qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã làm nên chiếc giỏ xách tay xinh xắn.

“Định hướng của Đảng bộ xã là đưa các sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2023 sẽ cố gắng thành lập các làng có nghề. Đến năm 2025 tiến tới thành lập làng nghề để tìm kiếm các cơ hội từ các tổ chức, các hiệp hội mây tre đan để giải quyết đầu ra cho nhân dân” - ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Khê trao đổi.

  Khách chọn mua sản phẩm tại tổ đan lát bản Nưa.

Ở bản Nưa hiện nay, hầu hết các bà con, nhất là những người già, người lớn tuổi đều biết đan lát, nhưng để kiên trì, sống được bằng nghề và hơn thế nữa để giúp đồng bào giữ nghề được lâu dài, thì vẫn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn từ các cấp, các ngành. Hy vọng trong một tương lai không xa, các sản phẩm đan lát truyền thống của tổ đan lát bản Nưa, xã Yên Khê sẽ ngày càng được nhiều khách hàng khắp nơi trong cả nước biết đến. Để sản phẩm mây tre đan của Yên Khê sẽ trở thành món hàng lưu niệm không thể thiếu của mỗi du khách khi về với Con Cuông.

Hiền Lương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện