Trầm mặc theo thời gian, những cây duối cổ thụ ở xóm 7 xã Trung Sơn, huyện Đô Lương đã có hàng trăm năm tuổi vẫn sống kiên cường cùng đất trời. Những thân cây già nua, nhưng cành lá vẫn tràn đầy sức sống.
“Tôi lớn lên đã thấy những cây Duối này rồi, tôi hỏi bố mẹ tôi nguồn gốc Duối có từ khi nào, bố mẹ tôi cũng không biết, chỉ nói có từ xa xưa, đã bao đời nay rồi” - anh Nguyễn Viết Lợi, người dân xóm 7 xã Trung Sơn cho biết.
Duối là loại cây sinh trưởng rất chậm, có sức sống bền bỉ. Nên cha ông ta thường có câu ví “Sống như đa, già như duối”. Chính vì sự phát triển chậm của cây duối, nên những thân cây duối cỡ hơn 4 người ôm phải có độ tuổi hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm.
Ngày xưa, ở các làng quê, duối thường được trồng để trừ tà ma, trấn giữ phong thủy. Rặng duối ở vùng đất bãi ven sông Lam này có diện tích lên đến hàng chục ha.
Gặp chúng tôi trong lúc đi làm ruộng về, anh Đinh Văn Hoàng ở xóm 7 xã Trung Sơn tự hào nói: “Cây duối rất lý tưởng đối với người nông dân chúng tôi, vì làm đồng ngày hè nóng bức có chỗ để tránh nắng rất mát. Chúng tôi cũng không đếm được bao nhiêu cây, hàng nghìn cây nên không đếm xuể”.
Vài năm gần đây, duối được dân chơi cây cảnh khai thác về để tạo tác thành cây cảnh có giá trị. Thậm chí có cây trị giá lên đến 1 triệu USD như cây của ông Lại Quang Hào ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên ở vùng đất này, những cây duối cổ vẫn được người dân bảo vệ, bởi họ xem những cây duối này như những "báu vật"của làng, trường tồn từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Ông Nguyễn Văn Vinh gần 80 tuổi- Chi hội phó CCB xóm 3 xã Trung Sơn- Đô Lương tiết lộ: “Bãi Duối này là báu vật từ đời cố, đời aan truyền lại để phân chia ranh giới giữa các làng với nhau. Cho đến ngày nay, nhân dân vẫn bảo vệ. Riêng bảo vệ đồng người ta đi lại đây thường xuyên”.
Một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã hiếm, vùng đất này có đến hàng nghìn cây cổ thụ thì quả thực là cực kỳ quý hiếm. Đan xen giữa những cây cổ thụ là vùng đất màu mỡ được người dân trồng bí, ngô và rau màu. Người dân quanh vùng vừa đến đây để mua sản phẩm của bà con, vừa được thưởng ngoạn những “Báu vật sống” hàng trăm năm tuổi vẫn nằm trầm mặc bên dòng Lam hiền hòa, thơ mộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin