Đời sống - Xã hội

Áp thấp nhiệt đới tăng tốc vào Biển Đông

09:47, 20/10/2020
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão cấp 8 trước khi vào Biển Đông. Hình thái này có thể đạt đến sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 trước khi áp sát đất liền Trung Bộ.

Rạng sáng 20/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển miền trung Philippines khoảng 220 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và có khả năng mạnh thành bão. Sáng 21/10, tâm bão nằm trên đất liền đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão sau đó di chuyển vào Biển Đông theo hướng tây, vận tốc 20-25 km/h. 1h sáng 22/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.

Những giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng đi, giảm vận tốc xuống 10-15 km/h và khả năng mạnh thêm.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới sau khi vào Biển Đông theo mô hình của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Hong Kong.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới sau khi vào Biển Đông theo mô hình của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Hong Kong.

Hiện, các đài khí tượng quốc tế bắt đầu đưa ra nhận định về hình thái này.

Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, sau 2 ngày vào Biển Đông, bão có thể được tiếp thêm sức mạnh và đạt cường độ mạnh nhất là 120 km/h (cấp 12) vào ngày 24/10.

Khi tiến vào vùng biển các tỉnh Trung Bộ, bão giảm cường độ xuống còn 110 km/h nhưng vẫn duy trì sức gió cấp 12.

Cơ quan này chưa đưa ra nhận định cụ thể về khả năng đổ bộ của bão, nhưng cho rằng vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão trải rộng khắp các tỉnh từ Đông Bắc Bộ đến Trung Trung Bộ.

Trong khi đó, đài khí tượng Nhật Bản cho rằng cường độ cực đại của bão chỉ đạt đến 90 km/h (cấp 10) và giật cấp 12. Dù vậy, cơ quan dự báo này có chung nhận định là vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Khi áp sát đất liền nước ta, toàn bộ các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nguy cơ ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Theo đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, diễn biến của bão sẽ khá phức tạp do chịu nhiều tương tác với các hình thái khác, đặc biệt là không khí lạnh.

Nhận định ban đầu cho thấy ảnh hưởng của bão có thể khiến tình trạng mưa lũ ở Trung Bộ tiếp diễn cực đoan. Kết thúc đợt mưa ngày 21/10, khu vực khả năng bước ngay vào đợt mưa mới, kéo dài các ngày 22-26/10.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện