Nỗi đau thấu tận trời cao
“Chưa có năm mô lũ ghê gớm như ri, làng tôi đã có 400 năm rồi, nhưng theo sử liệu thì chưa có trận lũ mô to như ri cả, ghê quá” – lời của một người dân ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình. “Ghê quá” – có lẽ không còn từ ngữ nào hơn để diễn đạt về sự tàn khốc của trận lũ này, những 400 năm chưa từng có cơ mà. 130 người chết và mất tích, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm, tài sản của bà con phần lớn đã “theo sông về với biển”. Đó là chưa kể nhều công trình giao thông, thuỷ lợi…bị tàn phá nghiêm trọng. Không ghê sao được.
Không ghê sao được khi mà liên tục những thông tin mất mát, hi sinh của người dân và các cán bộ chiến sỹ dày đặc trên mặt báo. Thuỷ điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền – Thừa Thiên – Huế) là điểm sạt lở đầu tiên. Thông tin về hàng chục công nhân mất liên lạc ở thuỷ điện này đã không thể cầm chân các cán bộ, chiến sỹ. Trước lúc lên đường, thiếu tướng Nguyễn Văn Man từng nói: “Nhân dân đang cần chúng ta. Có hi sinh cũng phải đi”.
Nhiều ngôi nhà ở xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ nước lũ ngập sâu. |
Bước chân của các anh gấp gáp đến với thuỷ điện Rào Trăng 3. Đập tràn ngập nước, mọi phương tiện không thể qua, không thể chậm trễ hơn, các anh quyết định xuống xe đi bộ. “Nhân dân đang cần chúng ta”, đó là sự thấu hiểu nỗi mong mỏi từng phút, từng giây của những người bị nạn, và đó cũng là mệnh lệnh của người chiến sỹ - mệnh lệnh trái tim! Còn gì quan trọng hơn tính mạng nhân dân.
Lỗi hẹn với Rào Trăng 3. Chỉ một quãng ngắn nữa thôi, các anh sẽ đến được với những công nhân đang cần cứu hộ. Nhưng, lũ dữ đã quật ngã 11 cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam và 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Có hi sinh cũng phải đi” – đó là lời thề “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh” mà các anh đã ghi tạc và thực hiện. Chúng tôi, những người dõi theo bước chân các anh, thầm nguyện cầu một phép màu, một điều kỳ diệu. Nhưng không. Nỗi đớn đau tột cùng đã đến. Các anh đã anh dũng hi sinh!
Hướng Hoá, với những địa danh từng làm bạt vía quân thù như Làng Vây, Khe Sanh, Đường 9…nay tang thương ngút trời. Khi 13 cán bộ, chiến sỹ hi sinh ở Phong Điền còn chưa kịp về với đất mẹ, thì tin dữ 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế - quốc phòng 337, đóng quân ở huyện Hướng Hoá – Quảng Trị bị vùi lấp. Sau một ngày cứu dân mệt lả, các anh chưa kịp ngơi nghỉ thì tai hoạ ập đến. Nửa quả núi cách đơn vị hơn 1,5 km đã ào ào đổ xuống. Các anh không kịp trở tay. Những cán bộ, chiến sỹ ấy có tuổi đời còn rất trẻ, có em vừa mới rời ghế nhà trường năm ngoái. Những tiếng khóc xé lòng của người thân ở nhà thi đấu tỉnh Quảng Trị thấu đến tận trời cao. Đối với bà Lương Thị Lý, mẹ của quân nhân Lê Thế Linh, thì niềm an ủi cuối cùng là thi thể Linh còn nguyên vẹn. Còn với chị Linh, vợ của quân nhân Phạm Ngọc Quyết, mong ước giờ này là nước rút nhanh để anh được về với đất mẹ Quảng Bình. Người đang chít trên đầu ba vành khăn tang là cô giáo Nguyễn Thị Hoa (Cương Gián – Nghi Xuân – Hà Tĩnh). Tang mẹ chưa đầy tháng, thì hôm 17/10, anh trai cô cũng ra đi. Nước mắt chưa ráo, nỗi đau chưa vơi, nay cô lại vĩnh viễn mất chồng – thiếu tá Nguyễn Cao Cường.
Ấm lòng miền Trung
Miền Trung đang gian lao. Cả nước thao thức cùng miền Trung ruột thịt. Ngủ sao được khi mà những tiến kêu thất thanh giữa biển nước mênh mông ấy cứ văng vẳng bên tai. Ngủ sao được khi những cánh tay yếu ớt khuơ khoắng giữa đêm đen cứ chập chờn trước mắt.
“Lần đầu tiên vào vùng ruộng” – đó là lời ông Nguyễn Văn Truyền, ngư dân xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh – Quảng Bình. Ông Truyền cùng với nhiều ngư dân khác đã dùng thuyền của gia đình để đi cứu bà con. Ông nói, dân bãi ngang có kinh nghiệm sông nước, nhất là lúc sóng gió, nên ông và nhiều người khác không thể ngồi yên. Cả đời đi biển, chưa từng một lần vào vùng ruộng, lần đầu vào là để cứu bà con.
Bác sỹ Phan Văn Thọ có căn nhà 2 tầng, anh đã đón 40 người dân về ở nhà mình từ nhiều ngày nay. Khi được cứu trợ, cả anh Thọ và bà con đều mong nhiều người dân khác được cứu, còn họ đã tạm ổn. Trong hoạn nạn, bà con nhường nhau từng khoảnh khắc.
Nước mênh mông ngập nhà dân ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. |
Chưa thể đến với miền Trung vì mưa lũ còn rất nguy hiểm, bà con ta khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài đã kêu gọi quyên góp để hướng về miền Trung. Thức ăn sẵn và nước uống là cần nhất lúc này, vì thế mà hàng chục, hàng trăm điểm nấu bánh chưng đã được đỏ lửa để gửi về vùng lũ. Hương Khê, vùng rốn lũ của Hà Tĩnh, bà con thấu hơn ai hết nỗi khốn khó trong lũ dữ. Hay tin hạ du hồ Kẻ Gỗ bị ngập lụt, bà con đã cùng nhau gói hàng nghìn chiếc bánh chưng tiếp tế cho vùng ngập nước. Rồi Đăk Lăk, thành phố Vinh… bà con ới nhau góp gạo, góp tiền, đỏ lửa sáng đêm. Những chiếc bánh chưng là thức ăn tiện lợi, tương đối đủ chất dinh dưỡng, lại cất được lâu, đã được gửi đi. Tấm bánh của Lang Liêu năm xưa dâng vua cha, nay được bà con sẻ chia cho nhau trong hoạn nạn. Ngoài gạo, thịt, đỗ…những tấm bánh chưng ấy còn chan chứa nghĩa tình của đồng bào đến với đồng bào miền Trung!
Một cô giáo ở huyện Con Cuông – Nghệ An, suốt đêm không ngủ để xếp, lựa quần áo cũ gửi tặng đồng bào bị lụt. Theo cô, là mưa như thế, nước như thế, bà con lấy đâu ra quần áo để thay. Các cô giáo ở trường tiểu học Kỳ Trinh – huyện Kỳ Anh, không chờ phát động mà từ tuần trước đã tự nguyện cùng nhau góp tiền ủng hộ bà con. Và còn nhiều, rất nhiều tấm lòng của bà con ta gửi về miền Trung yêu thương!
Mới hay, những chỉ trích người miền Trung “cục bộ”, “cố kết”…, nhất là một số doanh nghiệp không tiếp nhân lao động miền Trung, là chưa hiểu hết tấm lòng người miền Trung. Mới hay, những nhận xét “keo kiệt” với người miền Trung là thiếu chính xác. Nếu không có đoàn kết, không đùm bọc, làm sao người dân miền Trung có thể vượt qua những giông bão “ghê quá” như thế này. Nếu “keo kiệt” thì sao họ dám hi sinh, sẻ chia cho nhau những gì mình có trong những ngày gian khó.
Giông bão vẫn chưa qua. Phía biển đang hình thành cơn bão mới, mà địa chỉ của nó cũng không ngoài miền Trung. Người dân quê tôi lại thêm một lần gồng mình chống đỡ. Miền Trung không đơn độc, miền Trung kiên cường, và miền Trung nghĩa tình chắc chắn sẽ vượt qua những trận cuồng phong này!
Những ngày trĩu nặng vì miền Trung ruột thịt, lại càng thấm thía lời ca: “Dân tôi ngàn năm khó nhọc, mà sống chắt chiu câu nghĩa tình"
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin