Một thửa đất, ba sản phẩm
Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Bá Sua còn trẻ lắm, chưa đầy 30 tuổi, thế mà còn được giao thêm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An). Sua đón chúng tôi từ trên đỉnh dốc, vừa bắt tay khách vừa thông báo: “Mấy chỗ sạt lở đã được bà con san gạt rồi, cứ yên tâm mà vào bản”.
Và câu chuyện làm giàu ở Huồi Cọ được Sua say sưa kể: Xưa bà con ta ở Huồi Cọ gần như làm ăn tự phát, chủ yếu là nuôi trâu, bò, trồng dưa leo, nuôi lợn, gà. Nhưng mạnh ai nấy làm, làm theo kinh nghiệm, không có kiến thức, kỹ thuật. Cũng có người giàu lên vì bán được nhiều trâu, bò, nhưng số đó ít lắm. Năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Huồi Cọ được thành lập, bà con được tập huấn, biết cách lựa chọn mô hình hiệu quả để sản xuất. Đặc biệt, cũng từ năm đó, cây chanh leo đã “bén duyên” ở Huồi Cọ và trở thành cây làm giàu của bà con. Sua nói: “Ở Huồi Cọ, một thửa đất, dứt khoát phải có 3 sản phẩm. Trên thì chanh leo, dưới là dưa chuột, các khoảng đất trống để nuôi gà”. Cũng theo Bí thư Sua, năm ngoái, có nhà thu về hơn 200 triệu đồng tiền bán chanh leo. “Riêng nhà Sua mấy năm nay trồng ít vì phải dành thời gian lo công việc chung, nên chỉ thu được gần 100 triệu đồng tiền chanh leo. Trâu, bò cũng chỉ còn vài chục con thôi”, Và Bá Sua khiêm tốn nói.
- Nhà Sua giàu không? Tôi hỏi.
- Nhà ta chỉ khá thôi. Sua trả lời và chỉ tay về phía Trưởng bản Và Khùa Đớ: Nhà nó mới giàu, rất giàu.
Trưởng bản Và Khùa Đớ có vẻ ngại ngùng khi nói về tài sản gia đình. Anh nhỏ nhẹ: “Mấy năm nay các con đi học đại học, phải bán đi nhiều trâu, bò nên không giàu nữa đâu, nhiều nhà giàu hơn”. Dù không công nhận là hộ giàu, nhưng trước “sức ép” của chúng tôi, cuối cùng Và Khùa Đớ cũng phải công nhận, tài sản nhà mình phải tính bằng tỷ đồng. Theo Trưởng bản Đớ, bản Huồi Cọ có 53 hộ dân, trong đó có 9 hộ còn khó khăn, còn lại là hộ khá, giàu; nhất là các hộ Và Xanh Pó, Và Chán Giờ, Và Xái Xo thì rất giàu.
Rồi cả Sua và Đớ dẫn tôi đi thăm nhà Và Bá Đùa - Bí thư Chi đoàn bản Huồi Cọ. Sua mách nhỏ: “Nó mới sinh năm 1996 mà khá lắm. Chăm làm thì cả bản này không ai theo kịp vợ chồng nó đâu”. Đúng như lời Sua, vợ Đùa vừa ẵm con nhỏ, vừa thổi lửa nấu rượu, lại vừa chuẩn bị cám lợn… Còn Đùa thì thuộc làu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo. “Phải học, phải tìm hiểu, phải tham gia các lớp tập huấn mới có kiến thức, kỹ thuật, như thế thì làm ăn mới có hiệu quả”, Đùa nói như thế.
Đùa chưa phải là hộ giàu của bản, nhưng cũng đã có của ăn của để. Hơn 20 con trâu, bò và gần 500 gốc chanh leo mỗi năm, chưa kể lợn, gà và cả một ao cá rõ lớn… theo Bí thư Chi bộ Và Bá Sua thì “vợ chồng trẻ Và Bá Đùa là tấm gương sáng của tuổi trẻ lập nghiệp”.
Cũng theo Bí thư Chi bộ Sua, có tiền nên nhiều người cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Cứ một cháu đi học đại học thì cả bản góp tiền ủng hộ, vì thế mà có rất nhiều em đi học đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, từ 3 năm nay, học xong khó xin việc làm nên bà con cho con em đi học nghề nhiều hơn. Hiện cả bản đang có 8 em đang đi học ở các trường nghề. Cuối buổi, một thông tin “gây sốc” đã được Và Bá Sua tiết lộ: “Năm ngoái, nguồn thu từ các sản phẩm nông nghiệp của cả bản đạt 21 tỷ đồng”. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại từng chữ: Hai mươi mốt tỷ đồng? Sua giơ nắm tay, chậm rãi khẳng định: Hai mươi mốt tỷ!
Và Xáy Đà từ cậu bé mồ côi, một thanh niên tàn tật, đã vượt qua số phận, vươn lên làm giàu.
Và Xáy Đà từ cậu bé mồ côi, một thanh niên tàn tật, đã vượt qua số phận, vươn lên làm giàu. |
Từ 20 nghìn đồng tiền vốn
Và Xáy Đà chỉ lên tấm Giấy khen được treo trang trọng gữa nhà, rằng: Chủ tịch huyện tặng đấy. Ta đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu. Cảm phục nghị lực của Và Xáy Đà, tôi thầm nghĩ, chắc chắn anh sẽ còn dược suy tôn nhiều danh hiệu cao quý khác. Và Xáy Đà mồ côi từ năm lên 3. Đà lớn lên trong sự đùm bọc của bên nội. Ngày cưới vợ, tài sản duy nhất là chiếc nồi nấu cơm do bên nhà vợ tặng. Cơm chín thì đổ ra để tiếp tục nấu canh. Có con đầu lòng, Đà vui lắm, hăm hở vào rừng chặt gỗ dựng nhà, mong vợ con có chỗ ở đàng hoàng. Tai họa ập đến. Gỗ lăn, đè nát cánh tay trái của anh. Và Xáy Đà trở thành người tàn tật. Thương hoàn cảnh của Đà, xã Nhôn Mai hỗ trợ gia đình anh 20.000 đồng, mục đích là để anh chị mua ít nồi niêu, bát đũa. Nhưng Và Xáy Đà đã không làm theo lời xã, mà dùng số tiền đó đi mua cây sắn về trồng. Một tay thì đã sao, chỉ chậm hơn người lành lặn một chút, Và Xáy Đà nghĩ thế nên bắt tay vào cuốc xới. Nương sắn của Đà xanh tốt, những củ sắn mập mạp được anh mang đi đổi gà giống về nuôi. Gà lớn lên từng đàn, Và Xáy Đà lại mang đi đổi lợn giống. Những con lợn ủn ỉn, béo múp lại được Đà đổi bằng trâu, bò… Chẳng bao lâu đàn trâu, bò của Và Xáy Đà sinh sôi lên hàng chục con.
Năm 2017, theo vận động của bản, Và Xáy Đà gia nhập HTX. Từ đó thu nhập của gia đình anh lại càng khá hơn. “Vào HTX được biết kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, biết cách phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Nhất là biết trồng cây chanh leo, bán được nhiều tiền. Năm ngoái, nhà ta thu về hơn 200 triệu đồng tiền bán chanh leo đấy”, Và Xáy Đà chia sẻ.
- Nhà giàu thế, có tiền gửi ngân hàng không? tôi hỏi Và Xáy Đà.
- Ồ, chưa đâu. Vì ta còn thực hiện nhiều kế hoạch lắm, phải đầu tư cho các con làm ăn, phải giúp mấy anh em và cả cho bà con khó khăn vay vốn nữa.
Thấy tôi chú ý đến những tờ giấy khen dán kín vách nhà, Và Xáy Đà nói: “Ta không được học hành tử tế nên phải cho các con cái chữ. Có cái chữ mới làm ăn giỏi, mới thoát nghèo được, siêng năng thôi là chưa đủ. Người ta thường không cho con gái đi học THPT, riêng nhà ta thì đứa nào cũng được học hết, miễn là chúng muốn học”. Tôi đọc được trong ánh mắt hồn nhiên, trong câu chuyện về con chữ của Và Xáy Đà những khát vọng lớn lao…
Chia tay nhau ở đỉnh dốc, Sua nói đùa với tôi, nhưng rất thật: “Người Mông ta sẽ lười đi một tí để làm giàu”. Tôi hiểu ý Sua là bà con rất siêng năng, việc gì cũng làm, con gì cũng nuôi, cây gì cũng trồng… như thế là dàn trải, thiếu sự đầu tư trọng điểm. “Lười đi một tí” - nghĩa là bớt dàn trải, biết đầu tư trọng điểm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tôi tin, cái lý của Sua cũng sớm là cái lý của bà con!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin