Tuyến đê thuộc địa bàn xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đi lại của người dân. |
Mưa lũ cũng làm 317 nhà hư hỏng (Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Cao Bằng, Hòa Bình, Thanh Hóa); 19.251 ha lúa, hoa màu bị ngập (Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa) và 421,6 ha thủy sản; 6.898 con gia súc, gia cầm bị chết.
Mưa lũ lớn gây ngập cục bộ, sạt lở 30.789 m3 đất đá ở nhiều điểm trên các tuyến Quốc Lộ 2, 279, 4C, 4D, tỉnh lộ 170, 171, 177, 204, 212 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện còn tuyến Quốc lộ 4D (Lào Cai) và một số đường giao thông liên xã đi lại khó khăn.
Nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt
Theo phóng viên tại các địa phương, mưa lớn, sạt lở đất, ngập cục bộ đã gây nhiều khó khăn trong đời sống và sinh hoạt.
Cụ thể, tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn đã làm sạt lở khoảng 400 m3 đất đá, ảnh hưởng 13 ngôi nhà thuộc địa bàn xã Ngổ Luông, Suối Hoa và xã Đông Lai, huyện Tân Lạc. Huyện Lương Sơn sạt lở móng nhà văn hóa thị trấn dài khoảng 13m, đổ 460m tường rào của 1 hộ dân. Mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ một số hộ dân khu vực xóm Trung Mường, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình và huyện Yên Thủy.
Mưa lớn tại huyện Mai Châu làm sạt lở khoảng 3.000m3 đất, đá làm đổ sập và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn 20m tường bao, gây mất an toàn toàn cho trường mầm non và 6 hộ dân khu dân cư Phiêng Xa, xã Đồng Tân. Hiện vẫn tiếp tục sạt lở vào móng tường khu nhà vệ sinh, nguy cơ cao sụt lún sập đổ nhà vệ sinh của nhà trường. Ngoài thiệt hại về người, nhà cửa, mưa lớn cũng làm 545,97 ha lúa, hoa màu bị ngập úng và ách tắc nhiều tuyến đường tại huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang mưa to gây ngập úng cục bộ, thiệt hại nặng nề về nhà cửa và diện tích nông nghiệp, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở gây ách tắc trong nhiều giờ… tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên hơn 8 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa to diện rộng đã làm 19 ngôi nhà bị hư hại do sạt lở taluy, 97,42 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập (tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể); 23 điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông.
Đối với tỉnh Yên Bái, mưa lớn làm 48 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại về nhà cửa, trong đó có 15 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn do sạt lở đất, sạt lở bờ sông; 33 ngôi nhà bị sạt lở taluy; trên 80 ha lúa và 67,3 ha ngô, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp; 154.800 cây giống và 90 con gia cầm thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập và sạt lở. Ước thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn đã khiến 1 ngôi nhà bị nứt, 5 nhà bị sạt lở ta luy, 1 nhà bị sập mái, 22 nhà có nguy cơ phải di dời. Ngoài ra, mưa cũng khiến hơn 1.200 ha lúa, ngô, rau màu và 65 ha chè bị ngập, 1 ao nuôi cá bị vỡ thiệt hại 2 tấn cá. Trên tuyến đường ĐT 270 giáp ranh xã Tân Thái và thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ) có 41 điểm bị ngập úng, sạt lở gây chia cắt…
Tại Nghệ An, các huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳ Châu, Quế Phong cũng bị thiệt hại nghiêm trọng về lúa và hoa màu, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập nước, sạt lở đất đá không thể đi lại, một số cầu dân sinh bị nước cuốn trôi.
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm đổ ít nhất 11 cây xanh có đường kính trung bình 20-30cm; gây úng ngập 12 điểm giao thông thuộc các quận: Long Biên, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, nhiều đường phố ngập sâu trong nước khiến các phương tiên bị hư hỏng. Đến chiều
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, dự báo 7 giờ ngày 25/5 mực nước sông Tích đạt mức 7,1m, vượt báo động lũ cấp II; sông Cà Lồ đạt 6,3m, vượt báo động lũ cấp I; sông Bùi đạt mức 5,8m, dưới báo động lũ cấp I.
Hiện chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, giúp đỡ người dân trong công tác chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, ngập úng, đồng thời từng bước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lớn, sạt lở đất và ngập cục bộ, từ ngày 20/5, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất và khắc phục hậu quả thiên tai.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Mưa dông vùng núi kéo dài đến cuối tháng 5
Mưa lớn khiến mực nước sông Lô dâng cao rất nhanh gây ngập úng diện rộng. |
Đề cập đến tình hình thời tiết trong thời gian tới, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, mặc dù từ ngày 25/5, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, ở vùng núi Bắc Bộ sẽ vẫn còn mưa dông trên diện rộng, cục bộ có những nơi có khả năng mưa to (thời gian mưa sẽ tập trung chiều tối đến đêm). Như vậy, mưa dông vùng núi Bắc Bộ sẽ có thể kéo dài đến cuối tháng 5/2022, đề phòng nguy cơ dông, lốc, sét đặc biệt là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.
Ông Năng cảnh báo, thời điểm này đang là thời kỳ bước vào mùa mưa ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, do vậy trong thời gian tháng 6-7/2022, mưa lớn ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ vẫn tiếp diễn. Do vậy chính quyền các cấp và người dân cần phải tiếp tục đề phòng nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét và lưu ý thời kỳ cao điểm mưa bão đang đến nên phải có những biện pháp chủ động trong ứng phó ngay từ bây giờ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin