Chống bạo lực học đường: Phải sửa từ gốc
Đây không phải lần đầu clip bạo lực học đường có tính chất "hoang dã" được lan truyền. Nhưng những hình ảnh từ Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) khiến ai trót xem cũng ám ảnh, giận dữ đến tột cùng. Sự việc không phải bên ngoài cánh cổng trường, mà nhốn nháo xảy ra trong lớp học, với hiện trường còn nguyên bàn ghế, bảng đen...
Theo báo cáo của liên bộ GD-ĐT và Công an, từ năm 2011-2018 có đến hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường mà đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên: hơn 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, hơn 900 vụ uy hiếp tinh thần...
Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường. Trường học đã trở nên bất an tự bao giờ!
Nữ sinh bị hành hạ, uy hiếp đến man rợ, mới càng thấy rõ sự thiếu hụt về kỹ năng ứng xử và khoảng trống chỗ dựa tinh thần của học sinh. Đứa trẻ bị đánh, bị đe dọa nhiều lần nhưng không dám "hé răng" nửa lời với thầy cô, gia đình, họ hàng.
Còn những đứa trẻ đánh bạn, ngoài trường lớp, chả lẽ hằng ngày bố mẹ không trò chuyện, bảo ban để biết con mình bất ổn ra sao và để chính chúng thấm thía, hiểu rõ đúng sai trong cuộc sống? 5 nữ sinh đánh bạn và còn nữa, bao nhiêu trẻ đứng xem, thậm chí hò reo, cổ vũ?
Nhưng đau lòng không chỉ đến từ sự lúng túng của trẻ khi gặp sự cố bất thường, mà phẫn nộ hơn chính ở ứng xử của nhà trường. Khi biết tin, việc đầu tiên của giáo viên và cả ban giám hiệu là... giấu.
Sợ trách nhiệm và rắc rối, cố đẩy sự việc vào bóng tối, bưng bít những hành vi không chấp nhận được, không hiểu thầy cô nghĩ gì khi để học sinh của mình loay hoay, sợ hãi với những tình huống ngoài khả năng xử lý của các em?
Nếu gia đình không quyết liệt sau khi tường tận sự việc bị cố tình che giấu, nếu dư luận không vào cuộc thì sự việc sẽ đi đến đâu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có mặt ở Hưng Yên và truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải nghiêm khắc xử lý. Đây là bài học không chỉ riêng cho ngành giáo dục Hưng Yên, mà cho ngành giáo dục cả nước.
Sự xuất hiện của bộ trưởng tại "điểm nóng" là cần thiết. Nhưng nếu chỉ đổ trách nhiệm cho một ngôi trường cụ thể thì không ổn. Từ Trường THCS Phù Ủng, phải nhìn rộng ra cả nước. Một mình Bộ GD-ĐT không làm xuể, nhưng với vai trò của mình, bộ phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo về sự bất ổn của môi trường văn hóa, môi trường xã hội, khiến ngành giáo dục phải "lãnh đủ" với biết bao sự việc gây bức xúc.
Không phải trách nhiệm riêng của ngành giáo dục, nhưng sự thay đổi then chốt phải bắt đầu từ chính giáo dục. Cải cách giáo dục không phải chạy đua cho thành tích mà đích đến là dạy làm người, con người tử tế.
Với cách nhìn ấy, "sự kiện Phù Ủng" không đơn thuần là nỗi đau của ngành giáo dục, mà còn là cơ hội để sửa đổi từ gốc cung cách dạy làm người, tạo dựng điểm tựa để thế hệ trẻ biết sửa mình và hướng thiện.
Theo Tuoitre