Mô hình "Thư viện thân thiện" xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh vùng cao Tương Dương
Đầu năm học mới 2019-2020 này, trường Tiểu học Tam Thái, Tương Dương đưa vào sử dụng mô hình “Thư viện thân thiện” do chính các bậc phụ huynh hỗ trợ triển khai. Mô hình thư viện này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng cảm hứng mới, giúp học sinh đam mê đọc sách hơn. Thực tế qua vận hành ở trường Tiểu học Tam Thái cho thấy, thông qua mô hình “Thư viện thân thiện”, học sinh được tiếp cận kiến thức thông qua đọc sách vô cùng hiệu quả.
Nhiều học sinh thay vì chạy chơi trong các giờ ra chơi, trước và sau buổi học có thể ngồi một chỗ tự mình lựa chọn đọc sách, truyện tùy theo sở thích bản thân. Đây cũng chính là không gian yên tĩnh giúp các em học sinh có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
'Em và các bạn rất vui vì được đọc nhiều quyển sách ở góc tra cứu và góc viết vẽ, góc trò chơi. ở thư viện chúng em có 6 gian sách đầy đủ 6 màu sách như là màu vàng, đỏ, trắng, cam và màu xanh dương. Ở góc tra cứu em được học nhiều điều như là sách tiếng Anh, ở góc viết vẽ chúng em được vẽ các nhân vật khi đọc xong quyển sách nào đó, ở góc trò chơi, chúng em được đọc các trò chơi, hoạt động của các bạn" - em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Tam Thái chia sẻ.
Từ khi triển khai hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo viên hướng dẫn các em hàng ngày đến “Thư viện thân thiện” tìm hiểu các loại sách, đọc sách, truyện thực hiện đúng quy định, ngoài ra hướng dẫn các em tạo quang cảnh xanh- sạch- đẹp, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với thư viện. Thư viện đi vào hoạt động đã đem lại niềm tin cho phụ huynh và học sinh, phụ huynh cùng tham gia hoạt động đọc cùng học sinh, hoạt động đọc được duy trì thường xuyên, khả năng học tập của các em ngày càng hiệu quả hơn.
“Các cháu đến thư viện được tìm hiểu kiến thức giúp các cháu học tập và rèn luyện, hiểu thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong giao tiếp, giúp đỡ được gia đình, thân thiện với bạn bè, tôn trọng người lớn tuổi, ngoan ngoãn, lễ phép với thầy cô, cho nên gia đình rất an tâm khi con em đến trường có đươc một thư viện thân thiện lại có nhiều kiến thức giúp ích cho con em” - anh Đỗ Hữu Đạt ở bản Na Tổng phấn khởi nói.
Trường Tiểu học Tam Thái là 1 trong 2 đơn vị trên địa bàn huyện Tương Dương và là 1 trong 8 đơn vị trong toàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện Dự án “Thư viện Thân thiện”. Để triển khai mô hình có hiệu quả, ngay sau khi có văn bản từ phòng GD&ĐT, nhà trường đã xây dựng kế hoạch trình Đảng ủy, chính quyền địa phương và được BTV Đảng ủy xã Tam Thái phê duyệt. Chính quyền địa phương đã đứng ra kêu gọi vận động trong toàn thể nhân dân xây dựng Thư viện.
“Khi được chính quyền xã và trường phát động ủng hộ để xây dựng thư viện, phụ huynh chúng tôi rất phấn khởi và tích cực đóng góp, bởi đây sẽ là nơi phục vụ việc học tập và giải trí của chính con em chúng tôi” - chị Lê Thị Hiền, phụ huynh trường Tiểu học Tam Thái bày tỏ.
Đến thời điểm này Thư viện thân thiện của trường Tiểu học Tam Thái đã hoàn chỉnh, số đầu sách hiện có tại thư viện là gần 2.700 đầu sách, chưa bao gồm sách giáo khoa và tài liệu phục vụ dạy và học. Bình quân mỗi ngày có 180-200 lượt học sinh đọc sách tại cả 4 điểm trường.
"Tại thư viện chúng tôi đã bố trí rất khoa học, có góc tra cứu, góc viết vẽ, trò chơi, các giá sách có nhiều chủng loại và được sắp xếp bài bản, ngăn nắp. Chúng tôi bố trí 1 tiết đọc/1 lớp/1 tuần và giao trách nhiệm cho cô thư viện trao đổi sách truyện thường xuyên từ điểm chính đi các điểm lẻ mỗi tháng/1 lần để đảm bảo tất cả các học sinh trên các điểm lẻ đều được đọc sách tại thư viện. Học sinh trường Tiểu học Tam Thái hào hứng với việc đọc sách, phong trào đọc sách của trường Tiểu học Tam Thái cũng đã lan tỏa đến các đơn vị bạn và tại trường Tiểu học Tam Thái đã đón rất nhiều đoàn đến tham quan học tập để về thực hiện tại đơn vị mình” - Cô giáo Trịnh Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Thái cho biết.
Cũng đáp ứng tiêu chí thư viện xanh, tại các điểm bản lẻ các trường Mầm non trên địa bàn huyện Tương Dương đã xây dựng khuôn viên thư viện xanh đẹp, thân thiện với môi trường, bố trí nhiều con vật, cây cối, tạo cảm giác thư thái, hòa nhập vào thiên nhiên Thông qua các hình thức huy động ủng hộ sách từ các tổ chức, cơ quan đóng trên địa bàn, quyên góp sách trong giáo viên và phụ huynh, học sinh, trao đổi sách với thư viện bạn…, đến nay, các thư viện tại các trường học đã thu hút 100% giáo viên và học sinh đến mượn, đọc sách.
Ngoài ra, để hoạt động thư viện thêm phong phú, nhà trường còn thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách như: Tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng ; kể chuyện theo sách; thi vẽ tranh theo sách; giới thiệu sách mới ở bảng tin; đọc sách tập thể… Hầu hết các em học sinh đến với thư viện nhà trường đều tỏ ra rất thích thú với các tủ sách, cách thức trang trí của thư viện trường học. Với những không gian đọc thân thiện giúp các em tự do khám phá, tự do tìm đọc những quyển sách hay mà mình yêu thích. Nhiều em đã phát huy được khả năng, sở trường của mình về các bộ môn hội họa, vẻ tranh, kể chuyện….Ý thức tự đọc, tự quản của các em cũng rất tốt”.
“Để phát triển văn hóa đọc trên địa bàn huyện Tương Dương, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phát triển các loại hình thư viện thân thiện, thư viện xanh quan thời gian hoạt động đến thời điểm hiện tại 1 một số trường đã phát huy tối đa công dụng của thư viện. Có nhiều lượt học sinh tham gia đọc sách, thậm chí mượn sách về nhà đọc. Từ việc phát triển các thư viện này cho thấy khả năng đọc nghe viết của học sinh sự tiến triển rõ nét và hứng thú của các cháu đối với sách cũng tăng lên. Có thể khẳng định rằng nếu phát huy theo hướng thân thiện như thế này ở các trường học sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng mũi nhọn trên địa bàn huyện” - ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT Tương Dương trao đổi.
Thời gian tới, ngành GD&ĐT Tương Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện trường học. Huy động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, cá nhân, hội cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh quyên góp sách, ủng hộ trang thiết bị thư viện; mở rộng và xây dựng thêm các không gian thư viện mới để thu hút ngày càng đông đảo học sinh đến đọc sách, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện.