Giáo dục

NỖI BUỒN PHIA KHĂM

11:19, 02/05/2021
Một điểm trường chỉ có hai giáo viên. Thời gian biểu dạy học phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Đó là điểm trường bản Phia Khăm 1, Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý 1, Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Một câu chuyện bất thường nhưng lại rất bình thường với thầy cô và học sinh nơi bản làng biên giới này.

Tiếng ga xe máy rền rĩ phá vỡ cả không gian tĩnh lặng nơi núi rừng biên giới Kỳ Sơn. 5 cây số, đi xe máy hầu như bằng số 1, khi lên đến Phia Khăm, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm - bởi đã qua cái cảm giác hộp số của xe như chực vỡ ra trong tiếng gầm gào khô khốc liên hồi. Quãng đường vài chục phút ấy cũng đủ để có những giây phút hồi hộp đến thót tim, khi một bên là núi đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. “Con ngựa sắt” như đang giẫm lên những đám mây bên sườn Đông Trường Sơn. Sau 6 tiếng đồng hồ từ thành phố Vinh, chúng tôi có mặt ở điểm trường bản Phia Khăm 1, Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý I, huyện Kỳ Sơn.

Điểm trường Bản Phia Khăm 1 - Trường PTDTBT Tiểu học Bắc Lý I - Huyện Kỳ Sơn - Nghệ An.

Từ xa, chúng tôi đã nghe văng vẳng âm thanh “o, a” đọc bài của các em nhỏ, một cảm giác yên bình đến lạ giữa núi rừng biên giới này. 2 phòng học thuộc khối lớp 1 và 2 được bố trí ở 2 đầu dãy nhà. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng dạy học sinh lớp 1, còn chồng cô, thầy Phan Văn Khanh, đảm nhận nhiệm vụ với khối lớp 2. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm chúng tôi có mặt ở các lớp học này, thầy Khanh đang phải cho các em học sinh tự ổn định để thực hiện một công việc khác ngoài giảng dạy.

Thầy giáo Phan Văn Khanh đang dựng lại cột mới bị sập

Sau 30 phút loay hoay với việc chằng chống chiếc kèo gỗ sắp đổ sập, thầy mới có thời gian trò chuyện với chúng tôi. “Đầu buổi, khi tôi đang đứng lớp thì một xà gỗ trên nhà rơi xuống, phải tạm dừng việc dạy để chằng chống lại nó, đảm bảo an toàn cho thầy trò. Cũng may thanh gỗ rơi ở vị trí không có học sinh ngồi”-  thầy Phan Văn Khanh chia sẻ.

 

 

Điểm trường là một dãy nhà cấp 4 lợp bằng tôn xập xệ. 2 lớp học được bố trí 2 đầu dãy nhà bởi 2 gian giữa đã hư hỏng nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 

Lớp học bỏ trống vì xuống cấp trầm trọng

Thầy Khanh gắn bó với điểm trường này từ 13 năm nay, còn cô Hằng, vợ thầy cũng đã lên đây được 10 năm. Họ phải gửi con cho ông bà nội ở Tân Kỳ, lên đây cắm bản "gieo chữ". Toàn điểm trường Phia Khăm I có 25 học sinh người dân tộc Khơ Mú, thuộc khối lớp 1 và lớp 2. Bên cạnh dạy chữ, thầy cô còn phải làm bố, làm mẹ, bảo vệ, chăm sóc các em. Thời gian gần đây, thầy Khanh càng thêm vất vả khi phải tìm mọi cách để chống chọi với hiện trạng xuống cấp của ngôi trường, bao gồm việc chằng chống, che chắn lớp học, đặc biệt vào những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Thầy Phan Văn Khanh cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo lên xã, lên phòng Giáo dục - Đào tạo huyện về thực trạng này, nhưng vì chưa có nguồn kinh phí nên không đầu tư, sửa chữa được. Thầy trò đành chấp nhận vậy. Chúng tôi tự lập nên thời gian biểu riêng cho học sinh, để thuận lợi cho việc dạy học, đảm bảo an toàn cho các cháu”

Thầy giáo Phan Văn Khanh đang đứng lớp

Câu chuyện về thời gian biểu đặc biệt của thầy Khanh được cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ tiếp với chúng tôi. Từ khi cô lên đây công tác, các lớp học đã bắt đầu hư hỏng. Theo thời gian, mối mọt bắt đầu đục khoét, làm đổ sập một số xà đỡ, bức vách. Vợ chồng thầy cô đã phải tranh thủ thời gian nghỉ để chặt cây, nhờ thêm phụ huynh chằng chống lại những nơi hư hỏng. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, vì vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh, những ngày trời động mưa, có gió, thầy cô buộc phải cho các em nghỉ học, bố trí học bù vào những hôm thời tiết thuận lợi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng đang đứng lớp

Bản Phia Khăm chưa có điện lưới. Vào mùa hè, thầy trò phải đánh vật với thời tiết nắng nóng, vì thế, thầy cô cho học sinh vào lớp sớm hơn và ra về từ 10h sáng để tránh nóng. Mùa đông đến, 2 vợ chồng thầy cô giáo mua thêm bạt để chắn gió, chắn sương mù cho học sinh đỡ lạnh. Tuy nhiên, vì không có điện nên buộc phải trừ không gian hở cho ánh sáng lọt vào. Vì thế, trong cái lạnh co ro, thầy trò vẫn phải cố gắng để chịu đựng. Những hôm trời quá lạnh, thầy cô  buộc phải cho học sinh nghỉ học.

 

 

Thương học trò nghèo tới trường trong muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng thầy Khanh, cô Hằng chỉ có thể hỗ trợ đến vậy. Bởi cuộc sống của thầy cô, cũng đối mặt với biết bao thiếu thốn, cả về vật chất và tinh thần. Không có điện, không có một ngôi nhà đúng nghĩa, cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ con da diết mà họ phải vượt qua suốt 10 năm qua, thì không một phần thưởng nào đo đếm được.

Tổ ấm của vợ chồng Thầy Khanh, cô Hằng
Ngôi nhà của vợ chồng Thầy Khanh, cô Hằng
Góc bếp của vợ chồng Thầy Khanh, cô Hằng
Góc bếp của vợ chồng Thầy Khanh, cô Hằng

Niềm mong mỏi lớn nhất của thầy trò nơi đây là có một mái trường mới khang trang, tươm tất hơn, để sự nghiệp gieo chữ trên bản làng vùng cao vơi bớt những gian truân, vất vả.

Một góc của bản làng Phia Khăm, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An
Người dân Khơ Mú ở bản Biên giới Phia Khăm, xã Bắc Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Chia tay thầy cô với những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt buồn nhưng vẫn lóe lên tia hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn. Còn chúng tôi, hình ảnh thầy Khanh, cô Hằng và những học sinh Khơ Mú nơi bản làng Phia Khăm cứ hiện hữu, day dứt suốt chặng đường về. 

 

Ngọc Dũng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện