Ảnh mang tính minh hoạ. |
Thí sinh nào được đến trường thi?
Theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021- 2022 sẽ phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị, xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại đối tượng thí sinh.
Cụ thể, Sở đề xuất thí sinh đăng ký dự thi thành 3 nhóm. Cụ thể như sau:
Nhóm 1: Thí sinh thuộc diện F0, F1.
Nhóm 2: Thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhóm 3: Các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến trường thi.
Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh là tính đến ngày 9/6.
Các trường hợp phát sinh từ ngày 9 - 11/6 sẽ được xem xét bổ sung theo quy định. UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 theo quy định.
Theo Sở GD&ĐT, về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên đối với nhóm 1, thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh thuộc nhóm 1 không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.
Cũng theo Sở GD&ĐT, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên đối với nhóm 2, áp dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển = điểm THCS + điểm trung bình môn toán + điểm trung bình môn ngữ văn + điểm trung bình môn ngoại ngữ + điểm trung bình môn lịch sử + điểm ưu tiên. |
Trong đó, điểm THCS là tổng sổ điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Điểm kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau:
Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm;
Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 3,5 điểm;
Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá: 3 điểm.
Các trường hợp còn lại: 2,5 điểm.
Điểm trung bình các môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, là điểm trung bình tương ứng các môn này cả năm học lớp 9 cấp THCS của thí sinh.
Việc tổ chức xét tuyển: Căn cứ nguyện vọng đăng ký dự tuyển và điểm xét tuyển của các thí sinh; căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh; tỷ lệ và điểm xét tuyển của thí sinh dự tuyển, các trường THPT xây dựng phương án điểm chuẩn trúng tuyển đối với mỗi nhóm đối tượng thí sinh, báo cáo Sở GD&ĐT phê duyệt, tổ chức triển khai xét tuyển.
Phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và lớp 10 chương trình thí điểm đào tạo song bằng tú tài
Theo Sở GD&ĐT, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và thí điểm đào tạo song bằng tú tài, Sở GD&ĐT đề xuất như sau: Sở GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi tuyển bổ sung vào lớp 10 chuyên của các trường THPT chuyên: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây và tuyển bổ sung vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài của 2 trường THTP chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An vào đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022.
Thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 đã đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT chuyên hoặc chương trình thí điểm đào tạo song bằng theo quy định, nếu có nguyện vọng, được phép đăng ký dự thi kỳ thi tuyển bổ sung.
Theo Sở GD&ĐT, thí sinh thuộc nhóm 3 sẽ đến trường thi theo quy định, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Sở GD&ĐT cũng đề nghị UBND Thành phố cho phép Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19 như phươn án nêu trên với diều kiện từ nay đến ngày tổ chức thi, diễn biến tình hình bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố không có diễn biến phức tạp hơn so với tình hình hiện nay.
Giảm một buổi kỳ thi vào lớp 10
Theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 sẽ được điều chỉnh so với trước.
Cụ thể, ngày 9/6, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có), học quy chế thi và nghe phổ biến lịch thi thông qua hình thức trực tuyến. Việc này sẽ do các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS lựa chọn thời gian hợp lý để tổ chức.
Buổi sáng ngày 10/6, thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn trong thời gian 90 phút (từ 8h30 đến 10h) và môn Ngoại ngữ với thời gian 45 phút (từ 10h30 đến 11h15).
Buổi sáng ngày 11/6, thí sinh sẽ thi môn Toán trong 90 phút (từ 8h30 đến 10h) và môn Lịch sử trong 45 phút (từ 10h30 đến 11h15).
Cùng đó, thời gian làm bài tất cả các môn thi cũng được giảm xuống (các môn Toán và Ngữ văn từ 120 phút xuống chỉ còn 90 phút; các môn Ngoại ngữ và Lịch sử từ 60 phút xuống chỉ còn 45 phút).
Còn lịch thi và thời gian làm bài thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và chương trình thí điểm song bằng năm học 2021-2022 không thay đổi so với kế hoạch trước đây.
Như vậy, nếu so với lịch thi được công bố trước đây, với lịch thi này, các thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên được giảm một buổi thi (chiều ngày 10/6).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin