Giáo dục

Tranh luận về việc có nên giao Bộ GD-ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa dùng chung

19:29, 14/08/2023
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu vấn đề.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm với đoàn giám sát
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm với đoàn giám sát

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn Quốc hội, UBTVQH quan tâm sâu sắc, thể hiện sự quan tâm to lớn khi tổ chức và triển khai hoạt động giám sát đối với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, ngành GD-ĐT chờ đón đợt giám sát này. “Tự mình truyền thông và giải thích khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận.

“Nhiều điểm đoàn giám sát đã lưu ý và yêu cầu, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GD-ĐT cũng đã thấy và đang tiến hành điều chỉnh”, ông Nguyễn Kim Sơn nói. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực năm 2024. Chính phủ cũng đang giao Bộ GD-ĐT triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024, xem đó là giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhiều biện pháp cũng đang được áp dụng để giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên…

Toàn cảnh phiên giám sát
Toàn cảnh phiên giám sát

Riêng với ý kiến của đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (là nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Chúng tôi một lần nữa đề nghị đoàn giám sát và UBTVQH hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung nghị quyết”.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD-ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?”, ông Nguyễn Kim Sơn nêu vấn đề.

Cảm ơn đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, song Bộ trưởng băn khoăn cho rằng, đây không phải là vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

Theo ông, việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT kiến nghị ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025, khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn, nếu có. Bên cạnh nghị quyết giám sát chuyên đề này, ông cũng đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng, giao cho Bộ GD-ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục. Đặc biệt và quan trọng nhất, theo ông, là làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện