Thay đổi để tồn tại và phát triển trong thời kỳ chuyển đổi số
Lâu nay, nhiều cơ quan báo chí, Đài PT-TH trong cả nước cũng đã khai thác khá hiệu quả Internet và mạng xã hội để lan tỏa cánh sóng, đưa những thông tin mà mình có đến được với nhiều người nghe xem hơn bằng cách mở thêm Báo điện tử, website, hay các fanpage, YouTube…để nối dài cánh sóng, chuyển tải thông tin nhanh nhất đến khán, thính và độc giả. Ngày nay, hình thức, không gian tiếp nhận thông tin đã có nhiều thay đổi. Thay vì đóng khung với những hình thức truyền thống như ngồi trước tivi đúng khung giờ phát sóng, chờ báo in mỗi sáng, hay bật radio lên để nghe, xem các tin tức, bài viết, chương trình thì khán, thính và độc giả đã chuyển sang đọc, nghe xem nhanh trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Đài PT-TH Nghệ An tìm hiểu về xu hướng phát triển công nghệ truyền hình. |
Vậy thì rõ ràng sản phẩm báo chí cũng phải thay đổi cho phù hợp. Chúng ta không thể dùng những sản phẩm báo chí đăng phát trên những kênh truyền thống như báo viết, Phát thanh, Truyền hình để đưa lên các hạ tầng và nền tảng số. Tất nhiên, lâu nay các cơ quan báo đài vẫn đang chủ yếu thực hiện như thế. Cũng không sao, chỉ là hiệu quả sẽ không cao, càng ngày sẽ rời xa người nghe xem, kéo dài khoảng cách với mạng xã hội và không cạnh tranh được với các blogger hay facebooker... Cạnh tranh về thông tin, về tính nhanh nhạy của thông tin với mạng xã hội đã là một áp lực, một thách thức không dễ vượt qua của các báo đài, kênh sóng truyền thống. Cạnh tranh về số lượng người nghe xem, về cách thức tiếp nhận thông tin lại càng khó khăn hơn đòi hỏi các báo, đài phải thay đổi tư duy làm báo trong thời đại chuyển đổi số.
Trước hết cần phải nói về cách thức tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội của khán thính và độc giả hiện nay. Tin bài đăng tải, phát sóng trên các nền tảng số chỉ thích hợp với những lát cắt phản ánh, thông tin nhanh, gọn. Các hình thức, thể loại như chuyên luận, bình luận, xã luận hay chuyên đề, ký sự, tản văn… đều không phải là món ăn yêu thích của khán thính và độc giả sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng tìm kiếm thông tin. Việc tiếp nhận thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, cả những nơi điều kiện, hoàn cảnh ngặt nghèo nhất không cho phép khán thính và độc giả dừng lại hay chuyển động chậm lại để nghe xem và đọc những chương trình, bài viết dài. Đó chính là sự khác biệt căn bản giữa khán thính giả truyền thống với khán thính giả trong thời đại công nghệ số.
Ekip Thời sự ghi hình chương trình tọa đàm. |
Từ thực tiễn đó đòi hỏi mỗi cơ quan báo đài phải thay đổi tư duy làm báo, đột phá trong xử lý thông tin và hình thức thể hiện. Trước hết là về thời lượng các chương trình, bài viết. Thay vì sản xuất các chương trình có thời lượng 15- 20 -30 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ như lâu nay vẫn đăng phát trên các kênh truyền thống phát thanh và truyền hình, thì các Đài PT-TH phải chuyển đổi sang sản xuất các phóng sự, clip ngắn 1-5 phút, thậm chí chỉ là 30” để đăng phát trên các nền tảng. Ngoài dễ tiếp cận, thích hợp với tiêu chí truyền tải thông tin nhanh gọn, thì dung lượng, tốc độ truy cập cũng là yếu tố quan trọng đòi hỏi các video đăng tải phải ngắn, gọn. Ngoài ra hình thức thể hiện cũng phải hấp dẫn. Là những tác phẩm báo chí đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, đồ họa kết hợp) chứ không phải đơn thuần hình ảnh hay âm thanh. Tương tự với báo viết cũng vậy, chúng ta không thể đăng tải những bài viết 3-4 trang dài lên mạng xã hội hay các nền tảng số, vì thị lực, không gian, thời gian, những hạn chế về phương tiện nghe xem thông tin không cho phép khán thính và độc giả tập trung trong một thời gian dài.
Đài PT- TH Nghệ An đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu nghe xem của khán thính giả, độc giả. |
Từ những yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, trong đó có Đài PT-TH Nghệ An luôn không ngừng đổi mới. Bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình phù hợp với nền tảng số. Việc rà soát, thay đổi format các chương trình phát thanh, truyền hình được BBT của Đài chỉ đạo quyết liệt. Những chương trình cũ, hoặc không phù hợp đều được cắt bỏ, hoặc làm mới để có tính hấp dẫn hơn, thích hợp hơn khi đăng tải trên các hạ tầng mạng. Một ví dụ rõ nhất, nhiều năm nay, Bản tin thời sự của NTV liên tục xây dựng các format mới theo hướng hiện đại, tết tấu nhanh, hàm lượng thông tin nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của khán thính giả. Trước đây tin tức có thể dài 2-3p, thì nhiều năm lại nay chỉ giới hạn 25-40’’ (trừ những tin chính trị, sự kiện đặc biệt quan trọng), phóng sự 5-6p thì chỉ rút ngắn 2-3p. Và điều đáng nói, không chỉ Thời sự, ngay cả Chuyên đề, Văn nghệ cũng đang chuyển dịch dần theo xu hướng này. Cụ thể như các chuyên đề, chuyên mục vài ba năm nay, thay vì sản xuất các chương trình khoa giáo, chuyên đề dài 15-30p như trước đây thì BBT đã chỉ đạo chuyển đổi sang sản xuất các clip ngắn 5p (Thường thức cuộc sống; Thương hiệu OCOP Nghệ An; các MV ca nhạc; Khám phá Nghệ An) cách làm cũng sinh động hấp dẫn hơn từ sản xuất hiện trường đến dàn dựng hậu kỳ.
Cùng với chuyển đổi, đổi mới nâng cao chất lượng nội dung, hình thức thể hiện để phù hợp với các nền tảng, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng số được Đài PT-TH Nghệ An chú trọng. Không chỉ chuyển dịch hạ tầng thiết bị tác nghiệp theo hướng gọn, nhanh và tiện ích, mà Đài còn đầu tư và đẩy mạnh xây dựng các hạ tầng đăng tải phát sóng và nghe xem trên các nền tảng như website; Facebook, YouTube; App NTVgo…
Đài PT-TH Nghệ An phát triển truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, thích ứng với chuyển đổi số. |
Đặc biệt, mới đây nhất Đài đã xây dựng đề án “Phát triển Đài PT-TH Nghệ An theo hướng chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2026” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó tập trung phát triển Đài chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các khâu từ quy trình quản lý, vận hành đến nội dung và kỹ thuật công nghệ. Đây chính là nền tảng, là cơ sở để Đài phát triển đúng hướng, giữ và duy trì vị thế một trong những cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện mạnh trong hệ thống các Đài PT-TH của cả nước.