Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An 5 năm thực hiện Nghị quyết 26: Có bước chuyển mạnh mẽ

12:38, 05/01/2019
Năm 2018, đánh dấu mốc tròn 5 năm Nghệ An thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Nghị quyết đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển đến năm 2020. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng chưa tạo được đột phá.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, thu nhập bình quân đầu người Nghệ An tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách trên địa bàn tăng 1,65 lần. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng từ 27,7% năm 2013 tăng lên trên 33% năm 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Nghệ An liên tục tăng hạng (năm 2013 xếp thứ 46, đến năm 2017 vươn lên xếp thứ 21 của cả nước, đứng đầu trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ). Giai đoạn 2014 -2018, tỉnh đã thu hút được hơn 540 dự án với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 180.000 tỷ đồng. 

​  Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng Nghệ An từ 27,7% năm 2013 tăng lên trên 33% năm 2018.  ​
​ Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng Nghệ An từ 27,7% năm 2013 tăng lên trên 33% năm 2018. ​

Nghị quyết 26 ban hành đúng vào giai đoạn khó khăn về nguồn vốn đầu tư công. Tuy vậy, kết cấu hạ tầng giao thông Nghệ An vẫn là điểm sáng rõ nét nhất trong 5 năm qua. Ngoài hệ thống Quốc lộ, sân bay quốc tế Vinh được nâng cấp, các tuyến đường mới như: Tây Nghệ An, đường nối Quốc lộ 1A – Thái Hòa, đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô lương)... với tổng giá trị đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, cùng hệ thống cảng biển nước sâu được đầu tư xây dựng đã kết nối thông suốt các vùng kinh tế của tỉnh.

Hạ tầng giao thông miền tây Nghệ An đang được quan tâm đầu tư.
Hạ tầng giao thông miền tây Nghệ An đang được quan tâm đầu tư.

Để đạt được những kết quả này, ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết: “Để khắc phục những khó khăn, thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 26, trước hết phải nói đến cách làm của ngành, hai là việc tham mưu cho tỉnh để tìm ra cách làm. Cụ thể, phối hợp với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương để tìm ra nguồn vốn, đặc biệt là các thu hút các nhà đầu tư cùng chung sức để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho nghệ An”.

Ngoài giao thông, một số chương trình đề án cũng tạo được dấu ấn như phát thanh - truyền hình, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị là xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm, đầu tàu của vùng Bắc Trung bộ trên 10 lĩnh vực; không gian đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng sẽ được mở rộng gấp đôi hiện nay.

Sau 5 năm thực hiện, thành phố Vinh đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Phía Tây đã có khu công nghiệp, đô thị VISIP; phía Bắc đã có nhà đầu tư hạ tầng Hemaraj đến từ Thái Lan; phía Đông, đô thị biển Cửa Lò đang mở rộng tiến dần sát thành phố... Nhưng đây mới chỉ là những nền móng ban đầu, so với mục tiêu kỳ vọng thì còn phải nỗ lực rất nhiều.

a
Một góc Khu đô thị VISIP Nghệ An.

Chia sẻ của ông Võ Viết Thanh – Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh: “Trở thành trung tâm kinh tế có nghĩa là kinh tế phải phát triển. Đương nhiên, sự đầu tư phát triển bây giờ phải nhìn vào dự án của tư nhân, của xã hội hóa. Các nhà đầu tư và con em Nghệ An trên khắp thế giới có điều kiện kinh tế nhưng chưa về đầu tư, bởi môi trường đầu tư chưa tạo được sức hút. Vì vậy, chúng ta cần phải điều chỉnh trước hết là hạ tầng, cơ chế chính sách, cải cách hành chính”.

Nghị quyết 26 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đều đề ra mục tiêu đến năm 2020 bình quân thu nhập đầu người sẽ là 70 - 75 triệu đồng, thu ngân sách đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 38 triệu đồng và thu ngân sách chỉ đạt trên 13.000 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp đột phá cho miền Tây, đột phá về đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút được các dự án lớn vào các vùng kinh tế trọng điểm, tổng thu ngân sách và bình quân thu nhập đầu người là hai mục tiêu Nghệ An khó đạt.

Xuân Hướng – Cảnh Toàn