TP Vinh dưới góc nhìn của chính khách Hồ Xuân Hùng
Thành phố Vinh - Nghệ An có thể trở thành Trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ được không?
Ngày 14/1/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến 2030, tầm nhìn 2050 và ngày 29/12/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành Trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thành phố Vinh - Nghệ An có thể trở thành Trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực: Về tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; Thương mại; Du lịch; Khoa học - Công nghệ; Công nghệ thông tin; Công nghệ cao; Y tế; Văn hóa; Thể dục thể thao; Giáo dục đào tạo được không?
Ông Hồ Xuân Hùng đã có sự so sánh lợi thế vị trí địa lý của Vinh - Nghệ An với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Nếu là Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận nhưng Bắc Trung Bộ chỉ có 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đặc điểm chung nhất 3 tỉnh cùng trải dài bám sát quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc - Nam, dãy Trường Sơn cùng biên giới Việt Nam - Lào và ven biển.
Về lợi thế giao lưu và vận tải đi đến các Trung tâm kinh tế - chính trị Quốc gia (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đường bộ, đường sắt 3 tỉnh tương đương nhau. Nếu về phía Bắc Thanh Hóa lợi thế hơn, còn về phía Nam thuộc về Hà Tĩnh.
Về đường biển, nếu như ở thế kỷ XX duy nhất cảng Cửa Lò. Ngày nay và trong tương lai cảng Nghi Sơn, Vũng Áng đang dần hơn hẳn về lợi thế; kể cả quy mô và khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn.
Cảng hàng không của Vinh - Nghệ An đi Hà Nội lợi thế hơn Thanh Hóa, nhưng so sánh chi phí kinh tế và thời gian thì khả năng sự lựa chọn đa số khách (kể cả nhà đầu tư) đi từ Hà Nội vào và ngược lại lại sẽ lựa chọn phương án đường bộ cho Thanh Hóa. Còn đi thành phố Hồ Chí Minh thì 2 tỉnh này như nhau. Vinh chỉ hơn Hà Tĩnh.
Các tuyến đường kết nối với Lào của các tỉnh cũng tương đương nhau. Nếu cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) thông và đường bộ phía Lào đi Viêng Chăn đường cải thiện thì cũng không chênh lệch nhiều. Trong vòng 10 năm tới tuyến đường 8 đang là lợi thế cho Hà Tĩnh - Nghệ An kết nối với Viêng Chăn. Nhưng còn lâu lắm quốc gia này mới trở thành “đô thị” kinh tế cho vùng Bắc Trung Bộ.
Nhìn tổng quan so sánh về lợi thế vị trí địa lý Vinh - Nghệ An không thể là Trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ trong phát triển kinh tế - xã hội thời kinh tế thị trường - hội nhập.
Đặt câu hỏi: Vinh có thể trở thành Trung tâm tài chính vùng Bắc Trung Bộ không? Theo ông Hồ Xuân Hùng, tất cả các tỉnh thành cả nước đều có chi nhánh ngân hàng của các ngân hàng thương mại. Sự phát triển của các ngân hàng thương mại chỉ tạo ra thị trường tiền tệ chứ không phải thị trường tài chính. Lịch sử phát triển thị trường tài chính từ các nước tư bản phát triển cho thấy: Do sự phát triển của tư bản công nghiệp cần vốn, họ đã “bắt tay” với tư bản ngân hàng để hình thành những Trung tâm tài chính nhằm mục tiêu huy động vốn xã hội không chỉ đáp ứng cho nhu cầu vốn ngắn hạn mà chủ yếu là vốn dài hạn.
Việt Nam không cần phải trải qua giai đoạn đau đớn ấy nữa, nhưng ngay cả các nước có kinh tế thị trường phát triển thì không phải thành phố lớn nào cũng là Trung tâm tài chính. Đặc biệt là sự phát triển nhanh công nghệ thông tin từ đầu thế kỷ XXI đến nay, khi mà các Trung tâm tài chính ở hai đầu cầu Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu tài chính cho các nhà đầu tư ở các tỉnh không chỉ Thanh Hóa, Hà Tĩnh mà nhiều tỉnh khác nữa.
Một thực trạng hiện nay và trong tương lai vài chục năm nữa các nhà đầu tư lớn vào các tỉnh vùng này đều từ Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc nước ngoài tới. Các nhà đầu tư tại chỗ chưa đủ mạnh và chưa nhiều. Thu nhập dân 3 vùng này đang ở mức trung bình của một Quốc gia vừa thoát khỏi nước thu nhập thấp. Hơn nữa 2 tỉnh bạn cũng đang quyết tâm xây dựng, chí ít là thành phố Thanh Hóa và Hà Tĩnh thành “Trung tâm thủ phủ kinh tế - xã hội” của chính tỉnh đó.
Vài chục năm nữa dù có sự giúp sức của Trung ương, nỗ lực của tỉnh, Vinh vẫn chưa thể trở thành Trung tâm tài chính vùng Bắc Trung Bộ. Chưa kể năng lực cạnh tranh của 3 địa phương này chưa phân hơn thua; Hãy tập trung xây dựng Trung tâm tài chính phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh nhà.
Nhận định về khả năng phát triển Vinh trở thành Trung tâm thương mại và du lịch của vùng, quan điểm của ông Hồ Xuân Hùng: Từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, khi cảng Vũng Áng chưa phát triển, cảng Nghi Sơn chưa hình thành, Vinh, Cửa Lò chưa bao giờ là Trung tâm đầu mối hàng xuất nhập cho 3 tỉnh, trừ một mặt hàng phân bón của Tổng Công ty vật tư nông nghiệp là rõ nét, thường xuyên.
Thương mại Vinh về cơ bản đáp ứng cho nhu cầu của thành phố và các huyện trong tỉnh, một số cho huyện Nghi Xuân, Đức thọ, Hương Sơn. Các địa phương khác của Hà Tĩnh và Thanh Hóa ít ai vào Vinh để mua hàng tiêu dùng, ngay cả khách du lịch muốn mua hàng lưu niệm của Nghệ An ngoài cam Vinh, một số hải sản còn lại không có gì đặc trưng.
Trong lâu dài cũng không dễ gì có lợi thế hơn (như chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng, hàng hóa đặc trưng…)
Cái khó nhất là Vinh - Nghệ An thiếu nhà “tư sản công thương” tại chỗ để tạo hạt nhân và sức hút cho lĩnh vực này. Cho đến nay nhiều con em Nghệ An thành doanh nhân lớn ở Việt Nam nhưng không sinh sống và không có hội sở chính ở Vinh.
Liệu trong vài chục năm tới Vinh có đủ sức thu hút những “đại gia” những nhà khoa học lớn đang làm việc, những chính trị gia của đất nước (về hưu) về sinh sống lập nghiệp (chí ít là giữ tổ) ở Vinh không? Khi mà các người thành đạt ngày càng trẻ lôi kéo bố mẹ rời quê hoặc các cụ về với tổ tiên hết, thì Vinh - Nghệ An chỉ là nơi viếng thăm.
Về phát triển du lịch: “Phát huy vai trò hạt nhân - Trung tâm trong liên kết vùng và quốc tế đặc biệt là các nước bạn Lào, Thái Lan”, Vinh chưa bao giờ đóng vai trò hạt nhân - Trung tâm trong liên kết vùng.
Du lịch là sự lựa chọn thư giãn, giải trí và tìm sự khác lạ; đặc biệt là những đặc biệt trong văn hóa - kinh tế từ cổ đến kim. Lợi thế lớn nhất của các tỉnh miền Trung là du lịch biển (chủ yếu là tắm biển), Nghệ An so với Thanh Hóa, Hà Tĩnh có sự tương đồng.
Sản phẩm đặc trưng Nghệ An đáng kể nhất là Nam Đàn với cụm du lịch quê nội, quê ngoại Bác Hồ, mộ Bà Hoàng Thị Loan, chùa Đại Tuệ… Là nơi mà hầu như người Việt Nam nào cũng muốn được đến thăm. Nhưng do lợi thế so sánh về địa lý Vinh không hơn gì. Nhưng không phải vì thế mà trở thành Trung tâm du lịch của vùng được, hơn nữa Vinh - Nghệ An vẫn nổi tiếng là “chặt to, kho mặn” không chỉ trong ẩm thực mà cả trong giao tiếp, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sáu nội dung còn lại từ Khoa học - Công nghệ, Công nghệ thông tin, Công nghệ cao, Y tế, Giáo dục, Văn hóa, Thể thao. Nếu chúng ta cố gắng để Trung ương giúp nâng cấp và tạo mới một số cơ sở đào tạo, trang thiết bị y tế, công nghệ … có thể có sức hút cũng chủ yếu là với Hà Tĩnh. Song vấn đề quan trọng nhất là lao động có tay nghề cao; Doanh nhân “cộm cán” có về khởi nghiệp và sinh sống ở Vinh không?
Phát triển thành phố Vinh - Đô thị loại I thuộc tỉnh xứng tầm đầu tàu tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và có sức chi phối ảnh hưởng sự tăng trưởng của vùng
Ông Hồ Xuân Hùng đã nêu quan điểm về chiến lược phát triển thành phố:
Một là, phát triển Vinh trong mối quan hệ tổng thể của tỉnh Nghệ An, có tính đến mối quan hệ trực tiếp các địa phương phụ cận: Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn… và các huyện bắc Hà Tĩnh đặc biệt là Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn.
Đặc biệt quan tâm quy hoạch không gian, hạ tầng trong mối liên kết: Vinh - Cửa Lò, để Vinh trở thành một thành phố biển (hai trong một); Rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch 9 xã thuộc thành phố và các xã Nam Nghi Lộc, Đông Hưng Nguyên để có được sự hiện đại của phố trong làng và vẻ đẹp, thanh bình của làng trong phố, là cơ sở lâu dài để giãn mật độ dân số ở trung tâm Vinh. Mặt khác tạo cơ sở phát triển nông nghiệp và dịch vụ, du lịch cho đô thị.
Hai là, xác định rõ trục trung tâm thành phố, từ đó quy hoạch và đầu tư để tạo điểm nhấn của đô thị.
Lâu nay chúng ta tập trung cho trục đường Lê Lợi, Quang Trung, Trần Phú. Đây là trục đường quốc lộ 1A, khả năng để mở rộng và kết nối nội bộ theo hướng phát triển đô thị biển là hạn chế. Hơn nữa dù đã có đường tránh Vinh, nhưng tạo sự giao lưu nội đô dọc tuyến đường này với quy mô ngày một tăng tính khả thi thấp.
Nếu muốn xây dựng các phố mua sắm, ẩm thực, các trung tâm tài chính, thương mại lớn cần xem xét đến quy hoạch dọc tuyến từ đường Lê -Nin (đường 3/2 cũ) kéo nối đường 46 đoạn từ ngã tư đường đi sân bay - Cửa Lò. Đây dần trở thành trục trung tâm Vinh. Dù chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội về quy hoạch trong 20 năm qua nhưng còn thời gian để sửa.
Giải pháp đảm bảo thực hiện được tầm nhìn và quy hoạch
Theo ông Hồ Xuân Hùng, cần tuyên truyền giải thích để thay đổi tư duy của cán bộ và nhân dân.
Tại đại hội lần thứ XII Đảng bộ tỉnh Nghệ - Tĩnh đồng chí Quế - Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh phát biểu rằng: “Giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh không sử dụng”. Hay có đồng chí Trung ương từng nói: Đặc sản quê ta là nhiều thầy đồ; mà thầy đồ thì nhìn chung là bảo thủ và khắt khe, công thức khó đổi mới. Trước hết là lãnh đạo tỉnh, thành phố Vinh cùng nhau làm thay đổi tư duy ấy.
Thứ 2, Vinh phải là nơi thu hút người tài, lao động có tay nghề cao không chỉ trong tỉnh mà cả trong nước, nhất là con em Nghệ An học giỏi, thành danh về xây dựng quê hương Vinh.
Thứ 3, Chính sách để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân - nhất là lĩnh vực công thương. Hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Nghệ An hoặc đầu tư vào Nghệ An nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng, công thương nghiệp đều đóng chân ở Vinh hoặc có văn phòng đại diện tại Vinh. Tỉnh giúp và hỗ trợ thành phố có chính sách để “nâng đỡ” những doanh nghiệp đã có và tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại Vinh để vừa tạo động lực tại chỗ, vừa là đối tác kêu gọi đầu tư, vừa tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Mặt khác tạo môi trường để các nhà đầu tư trong ngoài nước về với Nghệ An - Vinh.
Hộ kinh doanh công thương nghiệp, dịch vụ ở Vinh rất lớn cần tạo môi trường để họ trở thành doanh nghiệp tư nhân, tham gia lành mạnh vào thị trường, tạo được mối liên kết để cùng nhau làm giàu, làm giàu cho mình, cho thành phố.
Thứ 4, tỉnh cần phân cấp mạnh hơn nữa quyền hành chính cho thành phố với tư cách là thành phố loại I.
Cuối cùng cần phải đánh giá đúng điều kiện thực lực của mình để có hướng đi và giải pháp đúng để phát triển bền vững cho mình trước khi hy vọng là đầu tàu hay trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ. Phải nói thẳng với nhau rằng, người Nghệ An - Vinh cần khiêm tốn học tập phong cách người Nhật. Hãy nói với nhau và thế hệ sau rằng tỉnh ta nghèo lắm, khí hậu còn khắc nhiệt, chúng ta phải cùng nhau vượt khó, siêng năng sáng tạo, đoàn kết để cùng nhau làm giàu cho mình, cho quê hương. Chứ không phải cứ mãi bài ca “Nghệ An là nước Việt Nam thu nhỏ, giàu tài nguyên khoáng sản, mảnh đất địa linh, nhân kiệt”. Quả thực là vậy, sao mãi đến nay vẫn là tỉnh nghèo.
Vinh là đầu tàu của Nghệ An, nhưng không thể thoát khỏi cái chung của tỉnh. Để thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, thành phố Vinh phải là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Hồ Xuân Hùng
(Bài viết phục vụ hội thảo: “Thành phố Vinh trong giai đoạn mới: Tầm nhìn; định hướng chiến lược và giải pháp)