Chàng thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn không bùn
Sau nhiều năm lăn lộn vất vả vào miền Nam nhưng kinh tế gia đình vẫn không khấm khá hơn. Năm 2017, trở về địa phương, với niềm trăn trở, mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy các quán ăn nhà hàng trên địa bàn khá nhiều nhưng nguồn cung cấp lươn còn hạn chế, từ đó anh đã mạnh dạn đầu tư làm nhà, xây bể nuôi lươn không bùn. Thả lứa đầu tiên, do còn ít kinh nghiệm nên hơn 1 tạ lươn giống chết sạch sau hơn 1 tháng nuôi.
Không nản chí, Hưng vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp, nhưng lần này anh vào tận Vĩnh Long học tập kinh nghiệm và chọn con giống đưa về nuôi. Đến nay, sau 5 tháng thử nghiệm, mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lê Văn Hưng bước đầu đã thành công.
“Sau khi tốt nghiệp THPT xong, tôi cũng làm nhiều nghề nhưng với niềm đam mê chăn nuôi nên tôi quyết định đầu tư nuôi lươn, nhưng lứa đầu tiên thất bại do thiếu kinh nghiệm, sau khi đi học tập , đến nay mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả” - Hưng chia sẻ.
Việc đầu tiên của nuôi lươn không bùn là chọn con giống. Hưng cho biết: Phải là con giống tự nhiên chứ giống nhân tạo thì nuôi dễ mà bán khó. Từ con giống tự nhiên anh đem về dưỡng và tập cho quen dần với môi trường nhân tạo bằng đủ cách bơm và thay nước thường xuyên, canh mực nước vừa phải, trộn thuốc chống sốc, thuốc trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn có sức chống chọi tốt, làm thêm chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn…
“Nuôi lươn không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì và hơn hết là biết áp dụng khoa học - kỹ thuật mới thu được thành quả cao. Lươn ăn ít, mức độ tiêu tốn thức ăn thấp, ít nhiễm bệnh và thị trường đầu ra ổn định. Nuôi lươn vốn đầu tư không cao, tận dụng tối ưu diện tích quanh vườn, nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên 12 bể nuôi. Thanh niên trong và ngoài xã có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, tôi sẵn sàng hỗ trợ” - Hưng cho chúng tôi biết thêm.
Theo tính toán của Hưng với hơn 13.000 con giống, sau 10 tháng chăm sóc sẽ có khoảng 2,5 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 200 triệu đồng. Mô hình nuôi lươn thương phẩm của đoàn viên Lê Văn Hưng ở xóm Màn xã Nghĩa Thọ không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm đối với nhiều đoàn viên trong xã, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
“Trong phong tào thanh niên khởi nghiệp thời gian qua trên địa bàn huyện đã có nhiều thanh niên thực hiện rất tốt phong trào này, họ dám nghĩ, dám làm như mô hình nuôi lươn của thanh niên Lê Văn Hưng ở xã Nghĩa Thọ. Từ mô hình này chúng tôi sẽ giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn" - anh Trương Hùng Dũng, Phó bí thư huyện đoàn Nghĩa Đàn trao đổi.
Với sự cần cù trong lao động và ý chí vươn lên, anh Lê Văn Hưng là một tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của xã Nghĩa Thọ nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung, đây sẽ là động lực thúc đẩy thanh niên huyện nhà xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của bản thân để giảm nghèo và làm giàu cho gia đình và xã hội./.
Minh Thái