Kinh tế

Nâng cao giá trị kinh tế cây chè ở Thanh Chương

10:46, 18/02/2020
Nhờ giá chè cao hơn các năm trước và đa dạng các sản phẩm từ chè nên năm 2019 nông dân Thanh Chương tiếp tục có thu nhập cao. Ngay sau những ngày vui tết đón xuân, người trồng chè trên địa bàn huyện lại náo nức , vào xưởng thu hoạch, chế biến lứa chè đầu tiên trong năm.

Là công nhân có trên 20 năm gắn bó với cây chè công nghiệp, những ngày gần đây, gia đình chị Đặng Thị Hoài ở Đội Khe Đá, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương rất bận rộn với việc thu hoạch chè xuân - lứa chè đầu tiên trong năm mới.

 
 Vợ chồng chi Đặng Thị Hoài ở Đội Khe Đá, Xí nghiệp chè Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đang thu hoạch chè thủ công để chế biến chè xanh đặc sản.

Chị Hoài vui vẻ cho biết: "Trong vòng đời phát triển của cây chè, vào khoảng tháng 11 âm lịch, cây chè được cắt gần hết phần ngọn, gọi là đốn chè. Sau khoảng một tháng chè sẽ ra lộc nhưng do thời tiết còn lạnh và ít nắng nên những nhánh cây đầu tiên này sẽ phát triển chậm không vươn lên tua tủa mà chỉ được 2-4 lá và nhanh chóng nở to dể quang hợp, bao bọc toàn bộ phần gốc bên dưới chống lạnh cho chè. Đây là lớp chè “mù” phải khẩn trương thu hoạch. Lứa chè mù này tuy năng suất không cao nhưng rất được giá vì hiếm do đã cách lứa chè cuối cùng trong năm khoảng 4 tháng. Theo đó giá bình quân tại thời điểm này là 4, 2 triệu đồng / tạ (4200 đồng/ kg)".

 
  Những nương chè xuân mơn mởn tại Xí nghiệp chè Hạnh Lâm.

Chị Đặng Thị Hoài chỉ là một trong hơn 10.000 hộ dân trồng chè trên địa bàn huyện Thanh Chương đang mạnh dạn đầu tư "phá mù" cho chè xuân. Những ngày này đi dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Thanh Chương ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang hái chè. Ngoài nguồn lao động chính ở các hộ gia đình trồng chè, việc vào vụ tấp nập cũng đã thu hút được một lượng lớn nhân công từ các xã không trồng chè đến làm thuê.

Ngoài việc được giá do hiếm việc đa dạng các loại hình sản phẩm chè cũng đang tác động đến thị trường sản xuất tiêu thụ, làm cho chè dễ bán hơn.

 
 Không khí làm việc khẩn trương tại xửng chè của anh Lê Ngọc Phúc xã Thanh Thịnh- Thanh Chương.

Có mặt tại xưởng chế biến chè Hưng Thịnh Phúc của anh Lê Ngọc Phúc ở thôn 1 B xã Thanh Thịnh huyện Thanh Chương chúng tôi chứng kiến một không khí làm việc rất khẩn trương. Bắt đầu mở xưởng trở lại từ ngày mồng 6 tết, sau 15 ngày xưởng đã thu mua trên 400 tấn chè tươi chế biến được 120 tấn chè khô với nhiều loại sản phẩm như: chè đen, men xanh, cánh duỗi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường các nước Apganixtan, Pakixtan và chè trà tiêu dùng nội địa. Anh Phúc cho biết: những năm gần đây cùng với việc mở rộng diện tích chè ra các hộ dân ngoài xí nghiệp, đã có nhiều hộ đầu tư mở xưởng, tìm kiếm bạn hàng nên sản phẩm phong phú hơn thị trường cũng sôi động hơn. Riêng chè xanh tiêu dùng nội địa của anh có thể bán 250 000 đồng/ kg…  nên đã kích thích sự phát triển của cây chè.

 
 Thu hoạch chè băng máy tại Xí nghiệp chè Ngọc Lâm.

Huyện Thanh Chương hiện có hơn 4500 ha chè các loại. Là địa bàn không có lợi thế để phát triển công nghiệp và dịch vụ, huyện Thanh Chương xác định ngoài cây lúa chè là cây kinh tế mũi nhọn nên đã tập trung đầu tư. Theo thống kê mới nhất hiện toàn huyện có trên 10 000 hộ dân tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 4500 ha. Với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha, mỗi năm có thể đạt đạt trên 200 000 tấn, thu về trên 800 tỷ đồng. Trong lứa chè xuân đầu năm nay, người trồng chè toàn huyện có thể thu về trên 40 tỷ đồng, một khoản tiền đáng kể nâng cao đời sống và tái sản xuất, làm tiền đề cho những lứa chè bội thu tiếp theo trong năm.

Đình Hà

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện