Kinh tế

Nông dân Anh Sơn vào vụ thu hoạch lứa chè xuân đầu tiên

14:58, 14/02/2020
Những ngày này, người trồng chè nguyên liệu huyện Anh Sơn đang bước vào vụ thu hoạch chè xuân, đây là lứa chè được nhiều người mong đợi, bởi là lứa chè đầu tiên trong năm, tuy sản lượng chưa nhiều như chè chính vụ xong nhờ thời tiết thuận lợi, có nhiều đợt mưa vừa và nhỏ nên chè sớm đâm búp. Hiện nay, giá chè có giá 3.500 đồng/kg, với bà con trồng chè thì giá thu mua này cũng cho thu nhập khá rồi.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên thôn Nhân Tiến xã Cẩm Sơn đã trồng chè nguyên liệu hơn 10 năm nay, mặc dù diện tích chè chỉ có hơn 2 ha, song nhờ đầu tư cải tạo, thay thế trồng mới bằng giống chè cành cho năng suất chất lượng cao, cộng vơi đầu tư phân bón nên năm nay sản lượng chè tăng lên đáng kể.

 
 Những ngày này, người trồng chè nguyên liệu huyện Anh Sơn đang bước vào vụ thu hoạch chè xuân.

Những ngày này, gia đình chị Liên đang huy động máy cắt và nhân lực thu hái lứa chè xuân đầu tiên, chị Liên chia sẻ: Theo lịch thời vụ, cuối tháng 11 âm lịch của năm trước, gia đình chị bắt đầu đốn cành tạo tán để tập trung chăm sóc cây chè. Chính vì vậy vụ thu hái chè xuân được gia đình chị Liên và hầu hết người trồng chè đặc biệt quan tâm bởi chăm sóc ở giai đoạn này giúp chè hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng để phát triển cây, cho năng suất cao cả năm. Lứa chè xuân đầu tiên mặc dù mới là lứa tạo tán nhưng gia đình chị thu hoạch được 9 tấn chè búp tươi. Tại thời điểm này giá bình quân chè búp tươi là 3.500 đồng/ kg, cho gia đình chị thu về trên 25 triệu đồng. Sau khi thu hái chè xong, gia đình chị Liên tiến hành bón phân, chăm sóc chè để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng này trong vụ thu hoạch chính.

 
Nhờ thời tiết thuận lợi, có nhiều đợt mưa vừa và nhỏ nên chè sớm đâm búp.

Gia đình anh Hoàng Văn Tuyên thôn Nhân Tài xã Cẩm Sơn cũng đang tập trung nhân lực thu hoạch lứa chè đầu tiên trong năm của gia đình. Anh Tuyên phấn khởi chia sẻ: Năm vừa qua nắng hạn kéo dài khiến nhiều diện tích chè bị chết, số sống được thì cũng không cho thu hoạch, thời gian này trên địa bàn Anh Sơn thời tiết tương đối thuận lợi để cây chè tược phát triển lại, nên vào vụ thu hoạch lứa chè xuân đầu tiên này bà con rất phấn khởi. Thay vì hái bằng tay năng suất thấp như trước đây, hiện tại đa số người dân trồng chè đều hái chè bằng máy. Máy có thể được tự túc hoặc có thể thuê mượn của nhau. Mỗi kíp làm việc của một máy hái cần ít nhất 5-6 người: Hai người giữ máy đi dọc hai bên luống chè, một người đi sau cầm túi đựng chè được gắn với máy, 2 người thu gom, đưa chè và bao bì và vận chuyển. Chè hái xong nhập được ngay nên bà con rất phấn khởi. Anh Tuyên nhẩm tính, năng suất chè vụ xuân năm nay của gia đình anh đạt 3,5- 4 tấn/ha, với 1,5 ha lứa đầu tiên này gia đình anh thu hái được hơn 5 tấn chè búp tươi, giá chè xuân hiện tại 3.500 nghìn đồng/kg cho gia đình anh thu về 17 triệu đồng chưa trừ chi phí. 

 
 Hiện nay, các hộ dân đang tập trung vào vụ thu hoạch chè xuân lứa đầu tiên, với giá 3.500 đồng/kg.

Hiện nay, diện tích chè nguyên liệu toàn huyện Anh Sơn có 2.255 ha, trong đó hơn 1.700 ha đã cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các xã như: Hùng Sơn, Long Sơn, Đỉnh Sơn và Cẩm Sơn... Thời điểm này, các hộ dân đang tập trung vào vụ thu hoạch chè xuân lứa đầu tiên, với giá 3.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho bà con thu về trên 10 triệu đồng/ha. Bình quân cây chè mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 30 - 45 ngày, cho bà con thu nhập lãi ròng từ 70- 80 triệu đồng/ha/năm. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn và là cây chủ lực của địa phương, huyện Anh Sơn đã đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người trồng chè mở rộng diện tích, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng cao vào trồng.

 
 Diện tích chè nguyên liệu toàn huyện Anh Sơn có 2.255 ha, trong đó hơn 1.700 ha đã cho thu hoạch.

Trong năm 2019,  huyện Anh Sơn đã có chính sách hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng để trồng mới 321 ha chè nguyên liệu, trong đó 643 triệu đồng tiền làm đất và hơn 2 tỷ đồng tiền giống cho các hộ dân. Theo kế hoạch vụ xuân 2020, toàn huyện sẽ trồng mới trên 230 ha. Ngoài ra, huyện cũng có nhiều giải pháp giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi nhằm nâng cao dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu chè đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao; chỉ đạo các đơn vị thu mua đảm bảo ổn định giá, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè. 

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện