Hơn 120 đàn ong rừng được nuôi dưới tán cây. |
Trước đây, gia đình anh Vi Văn Trọng cũng thuộc diện hộ khó khăn của xóm Tân Cay xã Nghĩa Lợi. Cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào nương rẫy, năm 2015, sau khi được Hội nông dân xã Nghĩa Lợi cho đi thăm quan học tập mô hình nuôi ong và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong, gia đình anh Trọng đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi ong rừng lấy mật. Với lợi thế ở gần đồi núi, các lèn đá nên ong rừng phát triển mạnh, anh Trọng đã đưa 5 ổ ong về thuần hóa tại nhà. Qua thực tế anh nhận thấy, việc nuôi ong không tốn nhiều công chăm sóc, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, vừa nuôi vừa học hỏi, đàn ong ngày càng phát triển đến nay gia đình anh có hơn 120 đàn.
Anh Vi Văn Trọng kiểm tra đàn ong. |
“Để “dụ” được ong về cần nhiều công đoạn, mỗi người có một bí quyết riêng. Cách thứ nhất là chuẩn bị sẵn các đõ ong, sau đó vào rừng treo đõ lên cây to làm tổ, cách chọn lựa vị trí treo cũng cần có kinh nghiệm. Đó là chọn nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, mưa gió không hắt vào được, nắng gắt không tới. Đám ong sẽ “kiểm tra” kỹ, thấy an toàn thì chúng mới đến ở. Sau đó chỉ việc mang tổ về nhà, đám ong sẽ sống với mình nhiều năm trời. Cách thứ 2, cần phải có cách “dụ” khá kỳ công. Trước tiên, phải có dụng cụ để bắt ong chúa, gồm lưới, hộp, rọ nuôi. Đầu tiên phải lên rừng quan sát và bắt ong chúa bỏ vào hộp nhỏ, sau đó cho vào rọ để dụ ong thợ tìm đến ở cùng. Nghe qua có vẻ dễ, nhưng để thực hiện các công đoạn này cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm lâu năm" – anh Trọng chia sẻ.
Từ tháng 3 - 10 ong cho mật, trung bình mỗi tổ cho từ 10 - 15kg/vụ. |
Vừa nhanh tay lật từng xà ong để kiểm tra anh Trọng vừa cho chúng tôi biết việc nuôi ong rừng không cần phải đầu tư nhiều vốn, không tốn nhiều đất, chăm sóc cũng đơn giản và ít bệnh tật, song vì là ong rừng nên có tập tính hoang dã, tự nhiên, thích sống ở nơi mát như các hốc cây, tán lá rậm nên phải nuôi dưới tán cây cho có bóng râm và che chắn cẩn thận để tránh mưa, nắng để ong không bỏ đi. Đồng thời, không khai thác mật vào mùa đông và mùa mưa nhiều vì mùa này ít hoa và trời rét nên việc làm mật của ong cũng hạn chế. Mùa lấy mật bắt đầu từ tháng 3- tháng 10, trung bình mỗi tổ cho từ 10 - 15kg/vụ, với giá bán từ 150 - 200 ngàn đồng/chai, tính ra mỗi vụ ong, gia đình anh Trong cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Gia đình ở gần đồi núi, thấy ong rừng phát triển mạnh nên mạnh dạn nuôi thử thấy không khó lắm, chỉ bỏ ra một ít công, còn thức ăn chính là hoa rừng nên hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, gia đình tăng đàn dần dần, anh Trọng cho biết thêm.
Mùa lấy mật bắt đầu từ tháng 3- tháng 10, trung bình mỗi tổ cho từ 10 - 15kg/vụ. |
Anh Trọng cũng chia sẻ, để giữ đàn ong, anh đóng những thùng hình chữ nhật để làm nhà cho ong trú ẩn, thùng dài khoảng 50cm, chiều cao 30 cm, rộng 25 cm, trong mỗi thùng đính từ 5 - 7 kèo bằng gỗ để ong làm mật. Theo kinh nghiệm của anh thì việc tăng đàn là rất quan trọng, ngoài yêu cầu thoáng, mát thì nếu không điều chỉnh được đàn hay không chú ý tới chất lượng đàn thì ong sẽ bỏ về rừng. Bởi thế, hàng năm vào mùa hoa anh chú trọng việc tạo ong chúa, sau đó thì tiến hành chia đàn. Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian quan sát, làm vệ sinh thường xuyên, không để kiến, dán và các loại ong khác leo lên thùng ong, vì khi bị tấn công ong sẽ bỏ tổ nơi khác.
Cứ 2 - 3 xà ong thì cho 1 chai mật. |
Thấy mô hình nuôi ong rừng lấy mật của anh Vi Văn Trọng hiệu quả, thời gian qua, xã Nghĩa Lợi cũng đã tổ chức cho bà con nông dân đi thăm quan học tập mô hình. Đến nay, toàn xã đã có 17 hộ tham gia nuôi ong, với tổng đàn hơn 400. Để bà con yên tâm phát triển nghề, thời gian tới xã Nghĩa Lợi sẽ thành lập tổ liên kết nuôi ong lấy mật, từng bước xây dựng thương hiệu mật ong rừng Nghĩa Lợi.
Anh Trọng trao đổi với cán bộ nông dân xã về cách chăm sóc và phát triển đàn ong rừng. |
“Thực hiện phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho bà con nông dân, thời gian qua phong trào này ở Nghĩa Lợi đã phát triển mạnh. Nhiều hộ đã mạnh dạn đi đầu, từ đó làm cơ sở để xã nhân rộng mô hình trên địa bàn như mô hình nuôi ong rừng lấy mật của hộ anh Vi Văn Trọng ở xóm Tân Cay" - ông Lô Quang Hòa, Chủ tịch hội nông dân xã Nghĩa Lợi trao đổi.
Hiện nay, nghề nuôi ong rừng lấy mật ở Nghĩa Lợi đã mở ra hướng thoát nghèo cho bà con ít vốn, ít đất sản xuất. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng quy mô đàn, giúp nghề nuôi ong phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện giúp các hộ nuôi ong có phương thức quảng bá, tạo dựng thương hiệu mật ong.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin