Kinh tế

Nghệ An: Sức mua chợ truyền thống giảm 80%, tiểu thương lao đao

16:13, 08/07/2021
Dù dịch Covid-19 những ngày này ở Nghệ An có chiều hướng ổn định hơn, các chợ truyền thống đã được mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa để phòng dịch. Thế nhưng tại các khu chợ dây giăng khắp nơi, chỉ có đôi ba người qua lại. Nhiều ki-ốt không buồn mở cửa, treo bảng cho thuê, sang nhượng, chưa biết đến bao giờ mới trở lại như trước.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều chợ truyền thống tại Nghệ An phải đóng cửa để phòng chống dịch. Gần một tuần nay, sau khi được mở cửa hoạt động trở lại, thế nhưng một số chợ đang phải thực hiện giãn khoảng cách bán hàng, hạn chế lượng người ra - vào chợ. Điều này khiến việc kinh doanh của tiểu thương ở các chợ truyền thống vốn đã khó khăn trong các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao. Sức sức mua tại các chợ truyền thống giảm tới 80% khiến nhiều tiểu thương phải đóng quầy, treo biển chuyển nhượng.

Nhiều ki-ốt tại các chợ truyền thống đóng cửa im lìm vì vắng khách.
Nhiều ki-ốt tại các chợ truyền thống đóng cửa im lìm vì vắng khách.

Gần 10 giờ trưa, chị Nga - tiểu thương bán quần áo tại chợ Vinh (TP. Vinh, Nghệ An) đã bắt đầu thu dọn hàng để chuẩn bị về, chị cho biết từ khi đợt dịch bùng phát trở lại, quầy của chị hầu như vắng bóng khách mua. Nhất là từ khi chợ bị đóng cửa mới mở trở lại được vài ba hôm, ngồi cả ngày không có một khách nào ghé mua.

“Hơn 20 năm buôn bán ở chợ Vinh chưa bao giờ thấy cảnh vắng vẻ như bây giờ. Hồi đầu năm, mỗi tháng được 10-15 triệu đồng, nay giảm tới trên dưới 80%. Nếu tình hình này thì tiền lời của quầy không đủ trang trải thuế, phí. Ngày nào tôi đến chợ cũng mở quầy rồi đóng quầy, buồn lắm...", chị Nga nói và cho biết, nhiều tiểu thương khác vì không đủ tiền trả phí thuê quầy hàng tháng và không có vốn lấy hàng mới đành phải đóng quầy.

Những ki-ốt trong chợ, chỗ thì khóa trái cửa im lìm, nơi thì chỉ có chủ sạp ngồi lướt điện thoại, cả buổi sáng tiểu thương chỉ ngồi nhìn nhau, may ra tới chiều có vài ba khách ghé qua. Nhiều tiểu thương khác tại chợ này cho hay, doanh thu 2-3 tháng nay bị giảm đến 50-70% so với trước. Chỉ có một số quầy bán hàng thiết yếu, doanh số cũng giảm nhưng ở mức nhẹ hơn, từ mức 20-30% so với trước dịch.

Khảo sát của PV Báo Công Thương tại các chợ Vinh, chợ Ga Vinh, Chợ Sen (thị trấn Nam Đàn) đều cho thấy tình hình cũng khá ảm đạm. Nhiều sạp tại các chợ này phải đóng cửa, những tấm bảng thông báo sang nhượng hoặc cho thuê ki-ốt được treo khắp lối do quá ế ẩm.

Mới mở cửa trở lại sau thời gian tạm đóng phòng dịch, các quầy bán hàng quần áo trong chợ Vinh luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách
Mới mở cửa trở lại sau thời gian tạm đóng phòng dịch, các quầy bán hàng quần áo trong chợ Vinh luôn trong tình trạng ế ẩm, vắng khách.

Quầy ẩm thực trong chợ Ga Vinh lặng lẽ. Bà Loan (kinh doanh hàng ăn uống) nói, "Sợ lây dịch nên nhiều người không ra chợ, hạn chế nơi đông người. Chợ trước đây gần Ga tàu, khách lên xuống cũng có nghé ăn uống khá nhộn nhịp. Từ ngày có dịch Covid-19, TP cách ly chợ đóng cửa nên giờ chợ chẳng còn khách nữa".

“Buôn bán mùa này khó khăn, giá hàng hóa có đắt hơn vì có những mặt hàng không có nên giá cao. Nguồn hàng nhập vào tăng giá hơn trước cùng tiền thuê quầy mỗi tháng. Tiểu thương ở chợ chỉ mong nhà nước giảm bớt một phần thuế cho bà con vượt qua khó khăn này...”, bà Loan chia sẻ thêm.

Trong khi đó, sạp của chị Thanh, chuyên bán nước ngọt, bánh kẹo...cũng rất ít khách ghé mua. "Trải qua 4 đợt dịch, lần này ế ẩm nhất. Mở chợ được mấy ngày rồi mà chỉ có ít khách ghé mua. Đợt dịch này hình như khách hàng không ra ngoài mà chỉ đặt hàng online nên lượng bán giảm rõ rệt...", chị Thanh cho biết.

Phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, chưa khi nào không khí ở chợ đầu mối TP. Vinh lại buồn đến thế. Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương chuyên bỏ sỉ mặt hàng trái cây ở chợ này chia sẻ, mỗi tháng ngoài tiền thuê quầy, tiền thuế…. Khi chợ Đầu mối tạm đóng cửa, chị phải bán tháo hàng hóa để vớt vát chút vốn liếng. Khi chợ đóng cửa, gần 10 nhân công của chị cũng vì thế mà không có thu nhập.

“Năm nay là năm khó khăn nhất so với những đợt dịch trước. Giờ chỉ mong nhanh hết dịch, nhà nước hỗ trợ các tiểu thương giảm được thuế và giá thuê mặt bằng giảm được 2-3 tháng để có thể giúp các tiểu thương khắc phục được những khó khăn trước mắt”, chị Lan bày tỏ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại các chợ truyền thống, tỷ lệ tiểu thương đóng ki-ốt kinh doanh do lâm vào cảnh ế ẩm, thua lỗ chiếm khoảng 50-70%; nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố, trung tâm thị trấn, thị tứ cũng treo biển thanh lý hàng, đóng ốt kinh doanh, chuyển nhượng ki-ốt... Kéo theo đó là hàng chục nghìn lao động thất nghiệp, không có thu nhập.

Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An đi kiểm tra hàng hoá tại các chợ truyền thống trên địa bàn, hàng hoá dồi dào nhưng sức mua giảm sút mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An đi kiểm tra hàng hoá tại các chợ truyền thống trên địa bàn, hàng hoá dồi dào nhưng sức mua giảm sút mạnh.

Kinh doanh ngày càng khó khăn, trong khi dịch Covid-19 liên tục tái diễn khiến nhiều tiểu thương thua lỗ, ít có cơ hội thu hồi vốn đầu tư, chưa nói đến lợi nhuận. Mong muốn của các tiểu thương là được giảm giá mặt bằng, miễn tiền thuê mặt bằng trong những tháng buộc phải nghỉ kinh doanh. Đồng thời, mong muốn ngành Thuế rà soát, xem xét gia hạn việc nộp thuế, tiền thuê đất; ngân hàng có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ… để họ xoay xở bám trụ lại trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Thừa nhận sức mua tại chợ giảm mạnh 20-80% tùy mặt hàng bán, ông Lê Vĩnh Hùng, Trưởng ban Quản lý chợ Ga Vinh cho biết, đợt dịch trước đã có một số tiểu thương tạm đóng quầy. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 này ảnh hưởng mạnh khiến nhiều tiểu thương không trụ nỗi phải đóng cửa kinh doanh, treo biển sang nhượng.

Theo lãnh đạo này, “tính đến thời điểm hiện nay có đến 800/1.700 ki-ốt ở chợ Ga đóng cửa ngừng kinh do ế ẩm, thua lỗ, kéo theo đó là gần 2.000 lao động thất nghiệp. Hy vọng với những quầy đóng cửa sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ không thu thuế cho đến khi kinh doanh trở lại", ông Hùng nói.

Mới đây, để hỗ trợ tiểu thương duy trì hoạt động kinh doanh, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, từ thực tế khảo sát tại các chợ truyền thống có thể thấy sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, tiểu thương gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại trong điều kiện chưa có chính sách hỗ trợ thì các tiểu thương cần năng động chuyển đổi phương thức kinh doanh, linh hoạt mở rộng cách tiếp cận đối tượng khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau để duy trì kinh doanh, duy trì thu nhập. Sở đang tổng hợp thông tin đầy đủ trình UBND tỉnh về việc hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm nay.

Trao đổi với PV Báo Công Thương, nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống cũng cho biết, có thể mức hỗ trợ trong thời gian tới sẽ không lớn nhưng có thể thấy được sự quan tâm của Nhà nước năng khiến họ cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi. Một số bà con tiểu thương lại mong muốn, lãnh đạo tỉnh Nghệ An thay vì chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp thì nên hỗ trợ tiểu thương bằng cách đồng loạt giảm thuế và phí từ 30-50% trong năm 2021 để tiểu thương giảm bớt khó khăn trong đại dịch.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện