Kinh tế

Nghệ An: Sản lượng bánh trung thu giảm đến 50%

17:24, 15/09/2021
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu, thời điểm này nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên vắng bóng các cửa hàng bán bánh trung thu truyền thống trên các tuyến phố. Do vậy, hình thức bán hàng online đang được các doanh nghiệp thực hiện khá sôi động với các sản phẩm từ bình dân đến cao cấp.

Sản lượng bánh trung thu giảm 50%

Tại Nghệ An, nếu như các năm trước, vào đầu tháng 7 âm lịch, các doanh nghiệp, cửa hàng làm bánh trung thu đã rục rịch khởi động. Năm nay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, không còn cảnh người dân chen chân mua bánh, thay vào đó là những cửa hàng khoá chặt, nhiều doanh nghiệp chỉ bắt đầu làm và bán bánh qua vách ngăn phòng chống dịch Covid-19 từ 2 ngày nay khi thành phố xuống Chỉ thị 15. Thế nên lượng người đến mua tại cửa hàng cũng ít hơn rất nhiều.

Do ảnh hưởng dịch covid-19 nên cơ sở Hương Phúc năm nay chỉ làm cầm chừng, khách đặt đến đâu làm đến đó và chỉ tập chung vào kênh bán hàng online
Do ảnh hưởng dịch covid-19 nên cơ sở Hương Phúc năm nay chỉ làm cầm chừng, khách đặt đến đâu làm đến đó và chỉ tập chung vào kênh bán hàng online

Trao đổi với PV, bà Thạch Thị Kim Hương - chủ cơ sở bánh trung thu Hương Phúc (TP. Vinh) - cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở làm bánh của bà bị ảnh hưởng nặng nề. Cơ sở chỉ mới làm lại 2 ngày hôm nay. Năm nay, sản lượng bánh dự kiến giảm từ 40 - 50% so với năm trước. Cơ sở chỉ làm cầm chừng, khách đặt đến đâu làm đến đó chứ không làm đại trà vì nguyên liệu đầu vào cũng khó khăn.

“Làm bánh trung thu truyền thống đối với bà không chỉ là kinh doanh mà còn là niềm đam mê. Trung thu là ngày sum vầy ấm áp cùng các thành viên trong gia đình. Đây cũng là dịp để mọi người thăm hỏi, tri ân, báo hiếu, bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau. Và bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ. Nên năm nào dù có khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng để duy trì nghề gia truyền của gia đình…”, bà Hương chia sẻ.

Còn tại tiệm bánh Quynh's Cake ở phố Nguyễn Thái Học (TP. Vinh), chủ tiệm bánh - chị Nguyễn Ngọc Quỳnh - chia sẻ, ảnh hưởng dịch nên vào thời điểm này, hầu hết nhân viên của tiệm ở tỉnh lân cận hoặc ở các huyện nên việc đi lại gặp khó khăn, kèm theo đó là những khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào, giá thành bị đẩy cao khoảng 20%. Đầu ra cũng chật vật vì thực hiện giãn cách xã hội.

Chị Quỳnh cho hay: “Lượng khách hàng năm nay giảm hơn 50% so với các năm trước vì thiếu hụt nhân công nghiêm trọng, không tuyển được đội phụ trợ làm bánh. Trong khi đó, để làm ra được một chiếc trung thu hoàn chỉnh, đội phụ trợ cũng rất quan trọng. Năm nay do giá nguyên liệu có tăng nên giá bánh cũng có tăng lên, dao động từ 40-70 ngàn đồng/1 chiếc bánh nướng hoặc dẻo truyền thống".

Trong mùa dịch, không chỉ chịu ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, mà kéo theo đó là tình hình tài chính của người tiêu dùng cũng gặp nhiều hạn chế. Thế nên, nhu cầu về bánh trung thu cũng có những ảnh hưởng nhất định. Chị Nguyễn Thu Thuỷ ở phường Vinh Tân, cho biết, năm nào đến rằm trung thu chị cũng đặt bánh để biếu người thân và bày mâm cỗ cúng gia tiên. Các năm trước chị đặt mua từ tháng 7 âm lịch, nhưng năm nay dịch bệnh nên thu nhập kém hơn so mọi năm, vì vậy mua bánh biếu cho người thân, đối tác chị cũng phải cân nhắc.

Còn với chị Hoàng Hà ở phường Lê Mao cho hay, dịp trung thu là nét đẹp truyền thống, năm nào chị cũng đưa các con tới tận tiệm bánh để chọn mua. Nhưng năm nay, do giãn cách xã hội, các doanh nghiệp ít bày bán nên chị chọn hình thức mua bánh online. Lướt một vòng qua ‘chợ online’ chị thấy có khá nhiều doanh nghiệp cũng như các tiệm quảng cáo bánh trung thu từ bình dân đến cao cấp như Hương Phúc, Bảo Ngọc, Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà, Kinh Đô…. Cũng như các năm trước bánh vẫn đầy đủ các loại, mẫu mã đẹp, chỉ có giá cả đắt hơn.

Tập trung vào bán online

Dù là trong thời điểm dịch, nhưng để đáp ứng nhu cầu người dân, các doanh nghiệp địa phương như Hương Phúc, Bảo Ngọc… cùng các thương hiệu bánh trung thu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà… đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang giao dịch thương mại điện tử, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.

Theo bà Thạch Thị Kim Hương, từ khi dịch bệnh, cơ sở đẩy mạnh bán hàng online vì tiền thuê cửa hàng không kham nổi. Thị trường năm nay sẽ được công ty tiếp cận hoàn toàn khác so với mọi năm. Khâu bán hàng sẽ hạn chế tối đa việc đi lại và tiếp xúc với khách hàng và được thay thế bởi phương án chào bán qua các kênh tiếp thị online, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng; hỗ trợ khách hàng tốt nhất trong việc mua hàng và tiếp cận với sản phẩm.

Đối với một số bếp online handmade như của chị Việt Hương (P. Hưng Bình, TP. Vinh), thì “Năm nay, mình chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách quen, làm dư một lượng nhỏ để bán cho những khách khác. Ngoài chiết khấu % cho các đơn hàng từ 4 bánh trở lên, tôi còn hỗ trợ phí ship cho khách đặt hàng online, hỗ trợ phần hộp cho khách đặt bánh làm quà”. Để hỗ trợ, đồng hành cùng người tiêu dùng trong mùa dịch, hầu hết các sản phẩm bánh Trung thu của các doanh nghiệp đều duy trì giá bình ổn, mặc dù nguồn nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể. Cụ thể, mức giá bánh trung bình dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/chiếc; các dòng bánh cao cấp có hộp đẹp dao động từ 300.000 - 750.000 đồng/hộp có loại lên tầm 1.000.000 đồng/hộp

Có thể thấy, giá cả bánh Trung thu 2021 khá hợp lý, đa dạng với nhiều combo lựa chọn. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua combo quà tặng phù hợp với nhu cầu biếu tặng cũng như sử dụng trong gia đình.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, nhất là tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, lực lượng quản lý thị trường Nghệ An khuyến cáo người tiêu dùng mua bánh trung thu phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm cũng phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Bản thân người tiêu dùng phải tự ý thức để đánh giá sản phẩm, tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện