Gia đình ông Nguyễn Văn Quảng ở thôn Hội Lâm xã Cẩm Sơn đã nhiều năm nay chuyên sản xuất rau sạch ở vùng bãi. Hiện gia đình có hơn 5 sào rau màu chủ yếu sản xuất các loại bắp cải, đậu, súp lơ, dưa chuột... Ông Quảng chia sẻ: Ngày thường trồng luân phiên xoay vòng nhiều loại rau, hết đợt màu này đến đợt màu khác để bán cho người tiêu dùng. Riêng trong tháng Tết, gia đình ông chủ yếu trồng bắp cải, súp lơ, đậu cô ve… Đây là những loại cho năng suất, giá thành cao hơn so với các loại màu khác và được thị trường tết cần và tiêu thụ mạnh.
Theo ông Quảng, trồng bắp cải khó hơn một số loại màu khác, chi phí cao và tốn công chăm sóc hơn, do các loài côn trùng, nhất là sâu ăn lá rất thích bắp cải non. Quá trình chăm sóc phải canh lúc cải trổ bắp diệt trừ sâu và tưới nước thường xuyên để không ảnh hưởng đến độ lớn của bắp cải.
Nông dân Anh Sơn chuẩn bị nguồn rau xanh phục vụ thị trường Tết |
Gia đình bà Nguyễn Thị Hà thôn 6 xã Thạch Sơn được biết đến là một trong số rất nhiều hộ dân chuyên canh trồng rau quanh năm trên diện tích hơn 3 sào đất vườn và đất bãi. Bà Hà cho hay: Mặc dù rau củ, quả được gia đình trồng quanh năm, mùa nào thứ ấy, nhưng gia đình bà đặc biệt chú trọng vào thị trường trước, trong và sau Tết. Hiện nay, gia đình có các loại rau đang bán ra thị trường như: mướp đắng, cà tím, đậu bắp, rau cải và các loại rau ăn lá. Ngoài ra có những luống trồng riêng để phục vụ Tết, gồm các loại: bắp cải, đậu cô ve...
Toàn bộ rau xanh của nhà bà Hà đều cung cấp cho chợ Trung tâm huyện, trung bình mỗi ngày gia đình bà thu về trên 300.000 tiền rau xanh các loại. Vào dịp giáp Tết và sau Tết tiền rau thu về còn tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. Bà Hà cho hay, nghề trồng rau được hay không chính là nhờ vào vụ rau Tết bởi đây là thời điểm giá bán cao nhất trong năm, phải căn thời điểm gieo giống để bán đúng dịp mới có lợi nhuận.
Bà con nông dân huyện Anh Sơn vừa thu hoạch các loại rau ngắn ngày vừa chăm sóc vụ rau Tết |
Là địa phương có số lượng rau xanh cung cấp cho thị trường trong huyện tương đối lớn vào dịp Tết, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, vụ đông năm nay toàn xã có 15ha cây rau màu. Ngay từ giữa tháng 9 bà con nông dân đã làm đất, xuống giống các loại rau, củ có thời gian sinh trưởng dài ngày. Để chuẩn bị rau cho thị trường tết, bên cạnh những loại rau màu chủ lực của từng vùng, vụ rau tết này bà con nông dân còn nhạy bén trong việc trồng xen nhiều chủng loại rau khác nhau và có ý thức rải vụ sao cho thời gian thu hoạch phân bố đều vào các thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên Đán.
Dự kiến, trong dịp Tết này, toàn xã Thạch Sơn sẽ cung cấp hàng chục tấn rau phục vụ thị trường trong và ngoài huyện. Mỗi sào rau xanh bán vào dịp tết bà con nông dân có thu nhập từ 9 - 11 triệu đồng, cao hơn ngày thường khoảng 3 triệu đồng. Để rau màu phát triển tốt kịp phục vụ thị trường tết, xã Thạch Sơn đã tích cực vận động nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đồng thời duy trì hoạt động có hiệu quả tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng rau màu của hội nông dân xã và CLB phụ nữ sản xuất rau màu an toàn của hội LHPN xã.
Sản lượng rau màu lớn và được chăm sóc tốt, đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết. |
Ông Đặng Đình Luận, trưởng phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn cho biết thêm: Vụ đông năm nay toàn huyện có hơn 400 ha rau màu các loại, chủ yếu tập trung ở các vùng sản xuất rau truyền thống như Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn, Vĩnh Sơn…. Hiện nay, tình hình sản xuất rau màu tại các địa phương đang diễn ra khá thuận lợi. Với sản lượng rau màu lớn và được chăm sóc bảo đảm, người tiêu dùng ở Anh Sơn cũng như các địa phương lân cận sẽ yên tâm, không lo thiếu rau xanh trong dịp Tết này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin