Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/2, giá xăng RON 95 đã lập kỷ lục khi chạm mức 26.280 đồng một lít, xăng E5 cũng tăng thêm 960 đồng lên 25.530 đồng một lít. Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng đồng loạt, thêm từ 280 – 940 đồng mỗi kg/lít.
Việc giá xăng dầu tăng cao trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp đã tạo áp lực lớn với sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Từ đó đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý trong việc điều hành giá xăng dầu để ổn định thị trường, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Vì sao tăng chóng mặt?
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng cao một phần do ảnh hưởng tăng nóng của giá thế giới. Nhưng bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước cũng đang phải “gánh” rất nhiều thuế phí.
Điều hành xăng dầu thời gian qua tồn tại nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp và người dùng khốn khổ. |
Theo tính toán, mỗi lít xăng hiện nay phải đóng thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế này chiếm gần 40% giá thành bán ra của một lít xăng. Ngoài thuế, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, phí lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, phí lợi nhuận doanh nghiệp.
TS Bùi Trinh cho rằng trong số các khoản thuế, phí này, khoản phí lợi nhuận định mức khiến ông băn khoăn. “Kinh tế thị trường sao lại quy định định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp? Thế nghĩa là giá cả biến động thế nào doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng phải có lãi? Ai là người được lợi sau cùng? Và một điều nữa là đã có định mức lợi nhuận sao vẫn có đơn vị kêu lỗ, không muốn bán hàng? Điều này thật khó hiểu? Như thế phải chăng là công tác điều hành giá có vấn đề”, chuyên gia nói.
Vẫn theo chuyên gia này, giá xăng dầu thế giới tăng nóng, áp lực rất lớn đến giá xăng dầu trong nước, nhưng thuế bảo vệ môi trường vẫn thu cố định 4.000 đồng/lít. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống của người dân và là đầu vào thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lan tỏa, chẳng hạn khi xăng dầu tăng giá, giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và cả tăng trưởng, khi giá tăng làm chi phí trung gian tăng lên và giá trị tăng thêm giảm đi.
Mặt khác, vì tiêu dùng nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập, nên khi giá các mặt hàng quá cao, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất. Như vậy xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
“Nhà điều hành nên linh hoạt khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường để kìm đà tăng nóng của giá xăng dầu, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”, TS Bùi Trinh nhấn mạnh.
Phải giảm gánh nặng thuế, phí
Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào cho hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, giá xăng tác động lớn đến sinh hoạt hàng ngày của tất cả các hộ gia đình, người dân Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, việc giữ cho các yếu tố đầu vào ổn định có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
“Trước sự biến động tăng nóng của giá xăng dầu hiện nay, nhà điều hành phải sớm có phương án điều chỉnh, nhằm làm giảm bớt tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn đầu hồi phục sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu nối lại. Nhưng giá xăng dầu tăng quá cao sẽ đẩy chi phí đầu vào của hàng hóa, tạo gánh nặng chi phí doanh nghiệp, đánh thẳng vào túi tiền người dân, kéo giảm đà hồi phục của toàn nền kinh tế.
Ông Long cho hay, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và Quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.
“Nhưng trong 4 loại sắc thuế đang áp dụng với xăng thành phẩm, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm”, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết.
Thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu ngân sách đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng theo chuyên gia về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. “Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong giá một lít xăng có đến gần 40% là tiền thuế, phí là một “gánh nặng”. Khi giá tăng mạnh, rất cần tính toán hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp bằng việc giảm bớt thuế, phí.
Góp ý thêm, TS Bùi Trinh quan điểm, để công bằng với các ngành kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường, cần tính toán bỏ mức lợi nhuận định mức xăng dầu. “Không thể nào chấp nhận chính sách cứ bán một lít xăng dầu là đương nhiên lãi 300 đồng”, ông Trinh nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin