Muốn phát triển Du lịch bền vững, cần hình thành hệ sinh thái

17:10, 26/05/2022
Những năm qua, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, việc phục hồi, phát triển du lịch được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh. Đối với Nghệ An, từ nhiều năm trước, tỉnh đã xác định ngành công nghiệp không khói này là một trong những ngành kinh tế trọng điểm và có các chương trình, nghị quyết, đề án để phát triển đồng bộ du lịch trên toàn tỉnh. 
Thị xã Cửa Lò.

Với lợi thế về bờ biển dài, đẹp, nhiều di tích, danh thắng, nhiều điểm đến hấp dẫn và trải đều ở các huyện thành thị, trong đó đáng chú ý là quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, lại thuận lợi về giao thông, giao thương, nên trọng điểm của du lịch Nghệ An được xác định là du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, canh nông…Tỉnh có sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, các địa phương cũng quyết tâm để hình thành các điểm đến dựa trên tiềm năng sẵn có. Thế nhưng, thực tế, du lịch Nghệ An vẫn đang phát triển khá khiêm tốn so với nhiều địa phương trong cả nước. Và một số liệu thống kê đáng để quan tâm đó là dù lượt khách tăng, nhưng doanh thu không cao, tỷ lệ khách nội địa chiếm đến 97%, số ngày lưu trú bình quân chỉ dao động từ 1,2-1,5 ngày. Chưa có thống kê, nhưng chắc chắn khách nội tỉnh cũng cao không kém.

Bãi biển Cửa Lò thu hút khách du lịch bởi có lợi thế bờ biển dài và đẹp.

Vậy nguyên nhân do đâu? Vì sao lượng khách quốc tế và cả ngoại tỉnh đến Nghệ An chưa nhiều, và vì sao khách du lịch đến Nghệ An chưa chịu “móc hầu bao”?

1.    Sản phẩm du lịch còn đơn điệu

Một câu hỏi rất đơn giản: Đi du lịch để làm gì? Và chắc chắn câu trả lời cũng hết sức nhẹ nhàng mà ai khi được hỏi cũng không cần đắn đo suy nghĩ, đó là:  Đi du lịch để nghỉ ngơi, ăn, chơi! Vậy thì phát triển du lịch, phục vụ du lịch cũng chỉ xoay quanh 3 từ “nghỉ” “ăn” và “chơi”. Ăn, nói mĩ miều hơn là ẩm thực thì phải đặc sản vùng miền, ăn ngon, đa dạng và mới, lạ. Còn chơi, chính xác là nghỉ dưỡng, trải nghiệm cảnh sắc, khám phá cái hay, cái đẹp của điểm đến. 

Đảo chè Thanh Chương.

Nghệ An không thiếu những danh thắng tự nhiên, càng không thiếu những đặc sản. Thế nhưng nếu chỉ khai thác những gì tự nhiên ban tặng, mà không có sự đầu tư đổi mới thường xuyên thì khách tới một vài lần cũng sẽ chán. Đến biển, ngoài việc sáng sớm và chiều tối ra biển tắm rồi về phòng ngủ, chẳng biết làm gì, không có những hoạt động, trò chơi hay khu trải nghiệm. Ăn thì cũng chỉ quẩn quanh mấy loại hải sản hấp nướng, thiếu sự tỷ mỉ gia công chế biến và mỹ thuật. Vùng biển Nghệ An khá phong phú về hải sản, thế nhưng nếu để làm quà lại hạn chế ở chỗ không thuận tiện khi mang xách, không để được lâu nếu hàng tươi sống. 
Chưa phải đã thật sự phong phú và đa dạng sản phẩm du lịch biển, nhưng so với Nghệ An một số địa phương trong nước như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… đã có sự sáng tạo và đổi mới hơn không chỉ các điểm trải nghiệm, vui chơi mà còn cả ẩm thực. 

Đền Chung Sơn.

Du lịch biển đã thế, du lịch sinh thái của Nghệ An càng đơn điệu. Những năm gần đây huyện thành thị nào cũng đều hình thành các điểm đến dựa trên danh thắng tự nhiên. Cứ đặt một cái tên thật đẹp, thật nên thơ hoặc gợi sự tò mò, vậy là thành điểm đến. Nhưng vì dàn trải, vì tự phát và chủ yếu là khai thác tiềm năng sẵn có nên hầu hết các điểm đến đều rất đơn điệu về dịch vụ trải nghiệm. Du khách đến và đi đều rất nhanh, chủ yếu là trong ngày. Bởi dù có muốn cũng không có nơi để lưu trú, và ở lại cũng không biết “tiêu” thời gian vào đâu? Nếu có nhu cầu dùng đặc sản địa phương cũng chỉ rất đơn sơ trong dân, thậm chí có những điểm đến không có dịch vụ đi kèm. Nhiều điểm, quãng đường di chuyển xa, nhưng sản phẩm du lịch phục vụ du khách lại thiếu và yếu. 

Thác Khe Kèm, Con Cuông.

Ăn, chơi tại chỗ, dịch vụ phục vụ du khách tại chỗ đã thiếu, quà, hàng lưu niệm mang đặc trưng vùng miền và bản sắc Nghệ An lại càng khiêm tốn. Tại sao ở những điểm đến đó chúng ta không hình thành một quần thể ẩm thực đặc trưng của Nghệ An, một không gian trưng bày giới thiệu toàn bộ đặc sản các vùng miền của Nghệ An để phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của du khách. Đâu phải đi biển là chỉ ăn hải sản, và cũng đâu phải đi rừng là chỉ cá suối và gà nướng?   

2.    Phục vụ thiếu chuyên nghiệp

Cùng với trào lưu đi du lịch ngày nghỉ lễ thì cũng đang xuất hiện một trào lưu ngược lại đó là: nghỉ lễ thì ở nhà, không đi đâu cả. Bởi rất nhiều người đã nếm trải kỳ nghỉ du lịch “hành xác” và một đi không trở lại. Nói rất dân dã và nôm na là: bỏ tiền mua bức xúc. Nguyên nhân là do quá tải. Đương nhiên, đi du lịch những ngày nghỉ lễ thì áp lực ở những điểm du lịch sẽ lớn hơn, trọng điểm sẽ cao hơn, nhưng cái quan trọng đó là năng lực phục vụ, chất lượng dịch vụ không tương xứng với chi phí bỏ ra. 

Du lịch sinh thái Sông Giăng, Con Cuông.

Đầu tiên phải nói đến sự quá tải do mải chạy theo lợi nhuận và số lượng của nhiều cơ sở lưu trú và dịch vụ, trong khi không dự tính dự báo năng lực phục vụ của mình. Ví dụ, một nhà hàng năng lực phục vụ (tức là tính toán cả về cơ sở vật chất, không gian lẫn nhân lực) chỉ đảm bảo cho khoảng 100 khách ăn uống nghỉ ngơi. Vậy thì nhà hàng đó chỉ sắp xếp bàn ghế cũng như chỉ tiếp đón dưới 100 khách. Nhưng hầu hết các cơ sở dịch vụ (không riêng gì Nghệ An), cứ có khách lạ đón vào, không hề biết từ chối và lường sức, dẫn đến không phục vụ được, hoặc phục vụ rất tệ. Không ít khách ngồi cả tiếng, thậm chí cả buổi cũng không có món để ăn, có khách phải tự vào bếp bưng bê, thức ăn thiếu an toàn vệ sinh, ngay cả chỗ ngồi, rồi bát đĩa cũng thiếu sạch sẽ…Vậy nên, tiêu chí của một cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp là biết rõ năng lực phục vụ của mình và học cách từ chối. Như thế mới đảm bảo phát triển bền vững.

 

Đội ngũ phục vụ không chuyên nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do du lịch thời vụ, khi có khách khi không, nên đội ngũ phục vụ gần như theo thời vụ, thiếu đào tạo bài bản về nghiệp vụ. Giao tiếp, ứng xử với khách rất quan trọng. Một shipper hay một server trong quán cà phê, bãi đậu xe hay khu trải nghiệm nào đó cũng luôn cần sự tận tâm, chuyên nghiệp và chuẩn mực. Dịch vụ đúng nghĩa phục vụ, thân thiện, hiểu và hiếu khách chứ không phải chỉ có mua bán thô sơ. Tôi từng chứng kiến cảnh, một quán cà phê đông khách trở lại sau dịch Covid-19, phục vụ mang cả ly bị gãy quai ra cho khách mà không có chút ái ngại nào. Chưa hết, gặp phải lúc khách đông, rất nhiều phục vụ tỏ ra bất cần hoặc thiếu nhã nhặn với khách… 
Vậy khi mà sản phẩm chưa phong phú đa dạng, phục vụ thiếu và yếu thì cần khắc phục, đầu tư và phát triển theo hướng nào? 

3.    Cần phải hình thành hệ sinh thái du lịch

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, du lịch dịch vụ cũng vậy, không thể tồn tại và phát triển độc lập. Một tập đoàn, một doanh nghiệp mạnh, đủ tiềm lực để xây dựng một khu du lịch cao cấp, 5 sao, 7 sao…cũng khó mà phát triển nếu quanh mình không có những vệ tinh, những đối tác, người bạn tạo nên quần thể và hệ sinh thái. Vì sao phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa? Vì không ai làm tốt được tất cả. Và bao giờ cũng thế, một người làm cùng lúc nhiều việc thì thường không có việc nào đạt kết quả tốt nhất cả. Với lĩnh vực du lịch dịch vụ, có doanh nghiệp thế mạnh là hạ tầng lưu trú, có doanh nghiệp lại mạnh về ẩm thực, nhưng cũng có doanh nghiệp mạnh về những hoạt động trải nghiệm ngoài trời. Cuộc sống hiện đại khiến một người đến điểm du lịch có rất nhiều nhu cầu như: đi bar, trò chơi, cà phê, masage, karaoke, vũ trường… Chưa hết, những dịch vụ tưởng chừng như ngoài nhu cầu của một khách du lịch như xăng dầu, hàng tạp hóa, thời trang, mỹ phẩm…thực tế lại không bao giờ tách rời. Vì vậy, khi hình thành các tour tuyến hay sản phẩm du lịch, nhiều doanh nghiệp đều dùng cụm từ: trọn gói, nhưng không bao giờ có dịch vụ nào là trọn gói đối với mỗi khách du lịch. 

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội.

Vậy, dịch vụ du lịch của chúng ta hiện nay thế nào? Một doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư một khu Resort cao cấp với một mặt bằng rộng lớn, nhưng lại đứng một mình, xung quanh lại chẳng có cơ sở dịch vụ nào khác, thậm chí khu nghỉ cấp thấp hơn cũng không? Rất nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh, chỉ có tham quan, không có nghỉ dưỡng, không có dịch vụ ăn uống, thậm chí không có cả một nơi nghỉ chân giải khát, đi vệ sinh cũng. 

Resort ở Nghệ An còn thiếu khu vui chơi, giải trí trong chính nội khu với những tiện ích phong phú.

Hệ sinh thái chính là chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng. Nói nôm na, anh bán xăng thì tôi sửa xe, anh bán cà phê thì tôi bán nước giải khát, anh bán cơm trưa - tối, tôi bán đồ ăn sáng, anh gội đầu thì tôi bán hàng tạp hóa, anh đầu tư phòng nghỉ cao cấp thì tôi tập trung cho trò chơi hấp dẫn mới lạ, anh phục vụ khách nghỉ dưỡng thì tôi phục vụ ẩm thực, thậm chí anh đầu tư phòng nghỉ cao cấp thì tôi sẽ chú trọng phòng nghỉ cấp thấp hơn để đáp ứng nhu cầu cho khách phổ thông, đại chúng…Một sự liên hệ, tương hỗ, chia sẻ lợi ích lẫn nhau để phát triển bền vững. Thế mới hình thành quần thể du lịch. Đi một quãng đường dài để ngắm vườn hoa, leo núi, xem thác hay một điểm du lịch sinh thái, nhưng muốn dừng chân giải khát, hay một nhu cầu cá nhân nào đó lại chẳng có cơ sở dịch vụ nào, vậy thì có du khách nào muốn trở lại, và quan trọng hơn, mục tiêu kích thích sự “tiêu tiền” của khách du lịch đã thất bại.   

Sự thiếu và yếu về sản phẩm du lịch hay không chuyên nghiệp trong phục vụ đều bắt nguồn từ thực trạng phát triển du lịch theo kiểu: tự phát, mạnh ai người ấy làm. Với hiện trạng du lịch hiện nay thì số lượng đông chỉ áp lực lên hạ tầng du lịch và nhiều vấn đề xã hội khác, vừa lãng phí nguồn lực đầu tư, vừa không mang lại hiệu quả. 

Chùa Đại Tuệ, Nam Đàn.

Để du lịch phát triển bền vững thì không chỉ phát triển tuor tuyến hay nhiều điểm đến mà quan trọng là phải quan tâm đầu tư xây dựng hệ sinh thái, phải “thâm canh” chứ không phải “quảng canh”. Mỗi doanh nghiệp phải là một mắt xích trong vòng tròn nhu cầu du khách, và không được bỏ sót bất cứ cơ hội thu tiền chính đáng nào từ du khách. Muốn vậy thì khi xúc tiến, thu hút đầu tư, các địa phương phải sàng lọc, lựa chọn dự án, quy hoạch phải tránh sự chồng chéo và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng, hệ sinh thái tạo ra mối quan hệ đối tác, móc xích liên hoàn, không phải cạnh tranh theo kiểu “anh còn tôi mất”, mà bắt buộc phải là “có anh mới có tôi, anh tồn tại thì tôi mới phát triển được”. Có như vậy thì mục tiêu thu hút lượt khách và doanh thu du lịch mới có kết quả song hành. 

Thanh Huyền

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện