Nông nghiệp

Nông dân Quỳnh Lưu trồng giống thuốc quý Bạch Hạc thu lãi hàng chục triệu đồng

10:38, 05/08/2020
Những năm gần đây, một số hộ nông dân xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu đã đưa giống Bạch Hạc – một loại cây thuốc quý về trồng xung quanh vườn nhà. Bạch Hạc rất dễ trồng, sống khỏe lại cho thu nhập cao nên bà con trong vùng thường ví loại cây này là “làm hay ăn thật”.

Đã 4 năm nay, gia đình ông Hồ Văn Hường ở xóm 10, xã Quỳnh Thạch đều trồng giống cây Bạch Hạc trên diện tích 500 m2. Ông Hường chia sẻ: trong một lần đi chơi nhà của một y sỹ trong xã, ông được thấy và biết đến tác dụng của cây Bạch Hạc. Lúc này ông chỉ xin vài gốc về trồng với mục đích chữa bệnh nấm cho gà. Sau đó, qua tìm hiểu trên mạng internet nhận thấy loại giống cây này trong đông y thường sử dụng để làm vị thuốc chữa các bệnh về xương khớp, cao huyết áp, lao phổi, đau thần kinh tọa, hắc lào, lang ben và một số loại bệnh khác nên ông quyết định tự nhân giống để mở rộng quy mô diện tích. Mỗi lần thu hoạch, ông để lại một phần gốc và cành của cây để trồng.

Bạch Hạc được người dân trồng lấy rễ để làm vị thuốc trong Đông y.

Theo ông Hường, trồng Bạch Hạc dễ như trồng cỏ voi và sinh trưởng, phát triển nhanh ở những vùng đất cao ráo. Đặc biệt, loại cây này không có sâu bệnh phá hoại, chi phí đầu tư rất ít và chỉ cần làm cỏ 3 đợt trong 2 tháng đầu. Bên cạnh đó, khi thời tiết nắng nóng, mỗi ngày tưới 1 lần nước, tạo độ ẩm trong đất, giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng.

Rễ Bạch Hạc khô có giá từ 300 – 400 nghìn đồng/ kg.

Khoảng 8 tháng, Bạch Hạc bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân cứ hai gốc rễ tươi đạt trọng lượng 1 kg. Thời điểm đắt, giá bán Bạch Hạc 100 nghìn đồng/kg, lúc rẻ giá 50 nghìn đồng/ kg. Rễ Bạch Hạc khô có giá từ 300 – 400 nghìn đồng/ kg. Mỗi vụ trồng loại giống cây quý này cho ông Hường thu nhập từ 35 – 40 triệu đồng.

Nhiều hồ gia đình tận dụng
Nhiều hồ gia đình tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà và vườn đồi để trồng cây Bạch Hạc.

Gia đình ông Hồ Văn Quản ở xóm 10 tận dụng tất cả khoảng đất trống xung quanh nhà và vườn đồi để trồng cây Bạch Hạc. Hiện tại, ông Quản có 3 sào trồng giống cây thuốc quý này. Qua tìm hiểu thì cây Bạch Hạc mọc thành từng bụi, cao 1 – 1,5 m và có vị ngọt dịu. Với việc phát triển mạnh, thích nghi khá tốt với điều kiện thời tiết của vùng nên cây cho sản lượng tương đối cao. Để đảm bảo rễ không bị đứt, không được thu lặt hết gây tình trạng hao hụt thì đến mỗi kỳ thu hoạch ông huy động nhân lực trong gia đình tiến hành đào rễ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Cứ mỗi sào, đạt sản lượng từ 5 – 6 tạ rễ. Nhờ phát huy tốt mạng xã hội: Fecebook, zalo, sản phẩm rễ cây của gia đình ông được nhiều người biết và tìm đến tận nhà thu mua. Từ việc chăm sóc tốt, sản lượng đạt cao và thông qua nhiều kênh bán hàng nên giá cả cũng có phần nhỉnh hơn so với cách bán thông thường. Cứ 500 m2 trồng Bạch Hạc gia đình ông thu về 40 – 50 triệu đồng. Gia đình ông Quảng còn tự nhân giống cho các vụ tiếp theo.

 

Cây Bạch Hạc được người dân hai xóm 9 và 10 xã Quỳnh Thạch đưa giống về trồng chủ yếu từ 3 – 4 năm nay. Đây được xem là cây dược liệu quý, đem về thu nhập cao cho người dân địa phương. Hiện tại, Quỳnh Thạch là địa phương đầu tiên của huyện trồng loại giống cây mới này.

Ông Trần Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: Đây là loại cây do người dân tự phát trồng. Qua nắm bắt từ các hộ thì giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với trồng cây khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên địa phương chưa triển khai họp để cho đánh giá cụ thể nên cũng chưa khuyến khích người dân nhân rộng trên địa bàn./.

Hồng Diện

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện