Toàn bộ diện tích trồng cam của gia đình bà Đặng Thị Ngọc Hoài, ở xóm 3, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa có 5ha. Năm nay, thực hiện mô hình của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thái Hòa, gia đình đã thí điểm 2ha trồng cam theo hướng hữu cơ có bọc quả. Gia đình hoàn toàn nói không với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân chuồng, đậu xanh và cám ngô. Nhờ đó, toàn bộ 2ha cam thử nghiệm cho năng suất hơn hẳn so với vụ cam trồng theo phương pháp truyền thống.
“Nhìn sức cây khỏe hơn hẳn. Độ an toàn cho quả cao, không bị rụng. Trên cơ sở này các mùa tiếp theo gia đình sẽ áp dụng cho 100% diện tích cam của vườn”, bà Đặng Thị Ngọc Hoài khẳng định.
Thí điểm trồng cam theo hướng hữu cơ bọc quả ở TX Thái Hoà. |
Bình quân một gốc cam gia đình bà Hoài bón 100kg phân chuồng; 2kg đậu xanh và 2kg cám ngô. Ưu điểm của việc trồng cam theo hướng hữu cơ này không chỉ giúp người trồng nâng cao thu nhập mà còn bảo vệ sức khỏe cho người lao động, người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường và tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây chắc khỏe hơn. Đặc biệt, do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nên độ ngọt của cam vừa phải, cam không chín ồ ạt mà kéo dài được thời gian treo quả. Do đó, người trồng có thể bán cam vào dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh việc sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình còn kết hợp dùng bao để bọc 100% quả cam có trong vườn. Với cách làm này đã tránh được tình trạng bị ruồi chích, mưa axit… dẫn đến rụng quả.
Năm nay, do tác động của thời tiết nên phần lớn diện tích cam của người nông dân bị rụng, không cho thu hoạch. Thực tế, tại vườn cam 5ha của gia đình bà Đặng Thị Ngọc Hoài, ngoài 2ha cam được trồng theo hướng hữu cơ có bọc quả thì 3ha còn lại đến thời điểm này lẽ ra đang vào chính vụ thì có tới 70% diện tích cam đã rụng hoàn toàn. Điều này cho thấy, so với hướng canh tác cũ thì việc áp dụng trồng cam theo hướng hữu cơ bọc quả có nhiều ưu việt hơn hẳn.
Thí điểm trồng cam theo phương pháp hữu cơ bước đầu cho hiệu quả về năng suất và thân thiện với môi trường. |
Ông Đặng Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thái Hòa cho biết: Đây là năm đầu tiên chúng tôi áp dụng triển khai mô hình này nhưng qua khảo sát thực tế, bước đầu mô hình đã, đang cho kết quả tốt, cây sinh trưởng, phát triển ổn định, tỷ lệ đậu quả cao nên năng suất cao mà không bị rụng quả như các mô hình cam truyền thống. Chúng tôi cũng sẽ nhân rộng mô hình này để giúp người dân tăng năng suất, tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Năm 2019 cây cam trên đất Thái Hòa được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ thêm vào chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Các hộ trồng cam ở địa phương ngày càng nỗ lực hơn trong quá trình trồng và chăm sóc để chất lượng cũng như sự an toàn của quả cam xứng với chỉ dẫn địa lý quan trọng này. Việc trồng cam theo hướng hữu cơ có bọc quả cũng chính là một trong những cách làm hay, hướng đến nông nghiệp sạch./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin