Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay
TS Thái Thanh Quý - Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An khẳng định, Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của dân tộc và thời đại. Trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, tư tưởng của Người đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và Nhân dân ta trên con đường thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong tài sản lớn đó, tư tưởng của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là định hướng quý báu để Đảng và Nhà nước ta hoạch định và thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu tham luận với chủ đề: “ Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. |
Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về nhân tài và trọng dụng nhân tài
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tài và coi đó là một động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quan niệm của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân, là sự nối tiếp và phát triển quan niệm cầu hiền tài truyền thống của dân tộc trong điều kiện mới của đất nước. Tư tưởng của Người về nhân tài và trọng dụng nhân tài được thể hiện ở những nội dung cơ bản:
Thứ nhất, quan niệm về “Nhân tài”.
Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài là những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất về tài năng và vai trò trong đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Trong bài viết: "Anh hùng và chiến sĩ trí thức", Người cho rằng: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao”. Từ đó, Người kêu gọi tìm người tài đức và trọng dụng nhân tài. Trong những người tài đức ấy có đội ngũ trí thức và nhân sĩ. Người quan niệm rằng: “Chúng ta chỉ là cái men thôi. Nên được rượu là nhờ cơm nếp. Phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng. Nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo về mình”.
Thứ hai, nhân tài phải là người hội tụ cả “Đức” và “Tài”
Đề cập sự thống nhất đức và tài của người cán bộ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức". Theo Người, đức và tài phải được biểu hiện trên kết quả công tác và phải luôn thống nhất, gắn bó chặt chẽ, quan hệ biện chứng với nhau trong nhân cách người cán bộ cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, bởi vì “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Người khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"; và “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không".
Trong mối quan hệ đó thì đức phải được đặt lên hàng đầu: “Đức phải có trước tài", đức là “gốc”. Nếu có tài mà không có đức là vô dụng, vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước". Bên cạnh đó, Người cũng nói rõ: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai". Với các quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm kiếm những “người tài đức” và động viên họ mang hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thứ ba, coi trọng vị trí, vai trò của nhân tài trong sự nghiệp cách mạng
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 14-11-1945, trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu quốc, Người đã nhấn mạnh “kiến quốc cần có nhân tài”. Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ vai trò của nhân tài trong công cuộc kiến thiết đất nước. Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, số 411 ra ngày 20-11-1946, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Các bài viết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là “chiếu cầu hiền tài” của chính quyền cách mạng sau khi giành được độc lập.
Thứ tư, trọng dụng nhân tài là khoa học và nghệ thuật dùng người
Cùng với việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, một vấn đề quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là việc sử dụng nhân tài. Trong bài viết “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 58 ra ngày 04-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Người cho rằng: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở… Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Khéo dùng cán bộ còn phải biết kết hợp cán bộ già, cán bộ trẻ, cán bộ cũ, cán bộ mới”. Thực hiện tâm nguyện của Hồ Chí Minh là lý tưởng độc lập dân tộc, hạnh phúc, tự do của Nhân dân, đi theo con đường của Người, nhiều trí thức, nhân sĩ đã đóng góp trí tuệ, tài năng, phẩm hạnh, thậm chí là sự hy sinh, trở thành những danh nhân, anh hùng lao động, trở thành người có công với cách mạng như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Lương Đình Của… Nhiều nhà trí thức lớn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Hưởng, Hồ Đắc Di, Tạ Quan Bửu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Lê Văn Thiêm, Trần Duy Hưng…
Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Nghệ An. |
Thực trạng thực hiện chủ trương, chính sách trọng dụng nhân tài thời gian qua
Về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với vấn đề trọng dụng nhân tài, ngay từ những năm đầu đổi mới, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng chỉ rõ nhiệm vụ trung tâm của giáo dục quốc dân là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, trọng dụng tài năng là “cốt tử” của xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng và đổi mới nguồn cán bộ. Do đó, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung ương khóa XII, Đảng ta đã nhấn mạnh phải có “quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”, “có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ”. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ và tuyển chọn được nhiều nhân tài cho đất nước, phải chú ý kết hợp việc đào tạo từ trong trường lớp với việc rèn luyện cán bộ trong hoạt động thực tiễn; từ cơ sở, nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn cán bộ ngay từ trong các trường đại học và các phong trào cách mạng.
Điểm mới trong quan điểm của Đảng về thu hút và trọng dụng nhân tài được Hội Nghị Trung 7 (khóa XII) nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.”. Vì vậy, trong quan điểm, chính sách về thu hút và trọng dụng nhân tài, cần có quan điểm thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Công tác cán bộ cấp chiến lược và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phải được đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra mục tiêu liên quan đến chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ, như: tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý… Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào điều kiện đặc thù của cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng và ban hành các quy định về thu hút và trọng dụng nhân tài… Các quy định này tác động tích cực, góp phần bổ sung và hoàn thiện chính sách về thu hút và trọng dụng nhân tài ở Việt Nam thời gian qua.
Đối với tỉnh Nghệ An, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong học tập, vận dụng tư tưởng của Người và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trọng dụng nhân tài.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng của quê hương, Nghệ An đã luôn quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, trong đó nổi bật là giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phát triển tài năng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và đóng góp cho đất nước (tiêu biểu là chất lượng giáo dục ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu). Quan tâm đầu tư phát triển mạnh hệ thống đào tạo chuyên nghiệp với 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp với năng lực đào tạo 90 nghìn học sinh, sinh viên. Hàng năm, tổ chức vinh danh học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế, đã có 1.682 lượt học sinh được tuyên dương, vinh danh trong 10 năm qua; từ năm 2012, phối hợp triển khai Quỹ Tâm Tài Nghệ An, đến nay đã vinh danh 268 tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo phát huy được tài năng, năng lực của đội ngũ cán bộ trong tỉnh (giai đoạn 2015 - 2019 đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 846 lượt cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý).
Nghệ An thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên nhiều lĩnh vực. |
Thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ trên nhiều lĩnh vực, Nghệ An luôn quan tâm việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP, tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Thống kê từ năm 1999 đến nay, đã có 701 người được thu hút, trong đó có 02 tiến sỹ, 55 thạc sỹ, 145 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về công tác trong các cơ quan của tỉnh... Đội ngũ cán bộ, công chức diện thu hút bước đầu khẳng định được năng lực, sở trường, đóng góp tài năng, trí tuệ trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh. Đồng thời, tỉnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện để phát huy tài năng thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn. Chú trọng tập hợp, động viên, tạo môi trường để văn nghệ sỹ, trí thức tham gia vào các hoạt động sáng tạo và hoạt động thực tiễn, cống hiến tài năng, trí tuệ trong xã hội.
Từ thực tiễn của việc thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay, có thể thấy còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung tháo gỡ, giải quyết.
Thứ nhất, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; chưa có trọng tâm và chưa có chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ bất cập trong việc thu hút nhân tài là: “Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu”.
Thứ hai, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài ở cấp địa phương xây dựng vẫn nặng tính hình thức, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa kịp thời tổng kết, để điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi. Đặc biệt, để giữ chân người tài làm việc trong lĩnh vực công thì các văn bản của các bộ, ngành và địa phương mới chỉ chú trọng đến xây dựng chính sách thu hút nhân tài, nhưng chưa chú trọng toàn diện, thỏa đáng đến việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân tài. “Chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ; chính sách tiền lương, nhà ở và việc xem xét thi đua, khen thưởng chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc”.
Thứ ba, thực tiễn “chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa thực sự hợp lý và thiếu đồng bộ. Công tác phân luồng và hướng nghiệp còn hạn chế. Đổi mới giáo dục, đào tạo có mặt còn lúng túng. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, thi cử, đánh giá chất lượng lạc hậu, đổi mới chậm…”. Vấn đề nói trên có tác động không nhỏ đến việc lựa chọn, phát hiện, đào tạo và trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn đang còn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để.
Thứ tư, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ gắn với chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay vẫn đang còn nhiều bất cập. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đánh giá: “Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm được đổi mới, nhất là về tài chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng đãi ngộ nhân tài. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Năng lực đội ngũ khoa học, công nghệ còn hạn chế, thiếu các nhà khoa học đầu ngành”. Thực tế này đã gây những khó khăn nhất định trong thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài ở nhiều bộ, ngành trung ương và các địa phương.
Giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ những quan điểm cơ bản về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn của cách mạng nước ta hiện nay, để tiếp tục phát hiện, trọng dụng nhân tài vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài trong thời kỳ mới. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, từ cán bộ đứng đầu quán triệt và thực hiện quan điểm của Người và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về phát hiện, trọng dụng nhân tài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hai là, đổi mới cách đánh giá đội ngũ trí thức, coi trọng và thường xuyên xem xét, đánh giá nhân tài để có chủ trương, giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân tài hợp lý. Coi trọng và thường xuyên đánh giá đúng về năng lực, phẩm chất của nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nhân tài, dùng người tài để thu hút người tài. Trong đó vai trò của người lãnh đạo và tham mưu công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân lực có vị trí vô cùng quan trọng, đó phải là người tài năng, tâm huyết, không ích kỷ, hẹp hòi mà phải có sự "độ lượng vĩ đại". Đánh giá đúng nhân tài góp phần sử dụng, phát huy tốt được sở trường của mỗi nhân tài theo phương châm dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”.
Ba là, đổi mới, sáng tạo trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Theo đó, cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tuân thủ quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, đồng thời cần có phương thức uyển chuyển, linh hoạt, trong thu hút và trọng dụng nhân tài. Để đạt được điều đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đổi mới phong cách lãnh đạo. Người viết: “Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”, “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ...”.
Bốn là, tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước. Trong chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, cần quan tâm đến quyền lợi về vật chất, tinh thần, tạo lập môi trường minh bạch, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thuận lợi nhất cho nhân tài làm việc.
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách để phát hiện nhân tài là vấn đề quan trọng, đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ người tài, bảo vệ những người dám đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó cũng cần kiên quyết đấu tranh có hiệu quả bệnh công thần, ích kỷ, hẹp hòi, cục bộ, địa phương. Theo Hồ Chí Minh, những bệnh nêu trên cản trở rất lớn và rất nguy hiểm đối với việc thu hút và trọng dụng nhân tài, Người đã viết: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa... Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình”.
Tóm lại, nhân tài và trọng dụng nhân tài là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển con người Việt Nam mới. Đến nay, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân tài và trọng dụng nhân tài trong bối cảnh hiện nay là việc làm quan trọng và cần thiết để đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mong muốn.