Chương trình phát thanh chuyên biệt về đời sống chiến sỹ…
Đầu năm 2020, chương trình Kể chuyện chiến sỹ - chương trình hợp tác giữa Bộ chỉ huy quân sự tỉnh với Đài PTTH Nghệ An - chính thức lên sóng Phát thanh. Lần đầu tiên có một chương trình chuyên biệt về đời sống văn hóa, những tình cảm và câu chuyện cảm động của cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh nhà được tái hiện đầy đủ, sinh động và nhân văn.
Bắt đầu từ số đầu tiên với chủ đề “Những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch” được đông đảo cán bộ chiến sỹ và nhân dân tỉnh nhà đón nhận. Những số tiếp theo tiếp tục khai thác sâu những đề tài học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các mô hình Tôi yêu Tổ quốc tôi, việc làm tình nghĩa, Những bông hoa chiến thắng, Con nuôi đồn biên phòng, mô hình dân vận ở Nậm Giải… đã cung cấp cho thỉnh giả những góc nhìn đa dạng, sinh động hơn về đời sống cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An. Vào 20h30 tối thứ 3 tuần 1-3 hàng tháng chương trình lên sóng trên tần số 99,6mhz sóng FM của Đài PTTH Nghệ An cũng là lúc các thính giả, cán bộ chiến sỹ được đón nhận những món ăn tinh thần mới mẻ!
Câu chuyện cảm động về tìm kiếm mộ liệt sỹ
Đầu tháng 7 này, tôi (Hoàng Thái Sơn – BTV chương trình) ấp ủ một chương trình về đề tài Thương binh liệt sỹ sẽ được phát sóng trước ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ quân sự tỉnh. Trao đổi, thuyết phục các anh bên Phòng chính trị (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh), tôi đã tìm đến Đội quy tập tỉnh Nghệ An. Đất xứ Nghệ chúng ta hy sinh cho đất nước rất nhiều và Nghệ An cũng là một trong những địa phương có số gia đình, đối tượng được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước rất lớn. Vì vậy, khi làm về đề tài này chắc chắn sẽ được dư luận quan tâm nhiều.
Trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Nam – Đội trưởng Đội quy tập, tôi bắt đầu hình dung ra những câu chuyện để kết nối nhân vật. Thống nhất với anh Nam sẽ kết nối 30p của chương trình với những câu chuyện về sự khó khăn vất vả, sự hy sinh khi làm công tác quy tập; những tình cảm của người dân các bộ tộc Lào dành cho bộ đội Việt Nam; đưa các anh về đất Mẹ…. Sau nhiều ngày trao đổi, bàn bạc chúng tôi mới ra được kịch bản với chủ đề “Đưa các anh về đất Mẹ”.
Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của Đội quy tập tỉnh Nghệ An trên đất bạn Lào. |
Xong kịch bản tiếp tục nảy sinh vấn đề về nhân vật giao lưu. Đại tá Hồ Trọng Bình – nguyên Đoàn trưởng, người đã có 29 năm làm công tác Quy tập không gặp được vì bận công tác xa tận Bình Dương chưa về kịp! Nội dung nói về chiến trường Lào thì lại phải có tiếng nói của cấp ủy chính quyền và người dân Lào nữa chứ? Mà nếu có gặp được họ thì liệu họ nói bằng ngôn ngữ gì: Tiếng Việt hay tiếng Lào, có phiên dịch không? Liên lạc với họ bằng cách nào đây?
Nhân vật liên quan đến thân nhân liệt sỹ ở Ninh Bình – chị Nhung và đại tá Doanh – linh hồn cảm động nhất của câu chuyện liệt sỹ không liên lạc được. Dường như một loạt khó khăn dồn dập đến, như muốn thử thách tôi và người kết nối chương trình là thượng tá Nguyễn Văn Nam.
Những ngày sau đó, cả tôi và anh Nam cứ xử lý, gỡ gạc dần dần những khó khăn phát sinh. Nhưng mọi việc cũng chẳng thể yên tâm được! Ngay cả lúc nối điện thoại ghép sóng thì cũng lúc được lúc không, bởi vì điều kiện liên lạc giữa ta và Lào không phải lúc nào cũng thuận lợi…
Mọi khó khăn cũng phải lùi bước trước quyết tâm của ê kíp thực hiện chương trình. Đại tá Lê Đình Cúc - nhân chứng về những khó khăn của thời kỳ đầu cũng được kết nối qua điện thoại từ đầu cầu Hà Nội. Các anh Sầm Kim Tiền và Trung tá Khăm Phăn thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Xiêng Khoảng cũng được kết nối với nhau qua sóng với những chi tiết, câu chuyện cảm động về tình quân dân, tình hữu nghị Việt – Lào. Vui nhất là anh Khăm Phăn lại nói được tiếng Việt (vì anh đã có thời gian được học tại Học viện Mật mã ở Hà Nội) nên quá trình giao lưu với MC cũng tương đối ổn, mặc dù sóng điện thoại giữa Nghệ An và Xiêng Khoảng liên tục bị ngắt quãng.
Chị Nhung - con liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng (áo dài), nhân vật tham gia chương trình xúc động trong buổi lễ đón hài cốt liệt sỹ. |
Đến nhân vật cảm động nhất của câu chuyện là chị Nguyễn Thị Kim Nhung (ở Ninh Bình), con của liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng; Đại tá Nguyễn Đình Doanh ở Nha Trang là em trai của liệt sỹ Quảng cũng được kết nối sóng thành công!
Qua lời kể của những nhân vật tham gia chương trình đã giúp cho chúng tôi – những người thực hiện chương trình và thính giả hiểu được sự hy sinh cao cả của các liệt sỹ là như thế nào. Từ sự hy sinh mất mát đó đặt ra yêu cầu công tác Quy tập liệt sỹ quân tình nguyện – chuyên gia Việt Nam về nước càng sớm càng tốt, vì thời gian không cho phép chúng ta chờ đợi!
Cảm động nhất là khi nối sóng với chị Nhung con liệt sỹ Quảng. Chị khóc liên tục vì cảm động. Đã 48 năm với bao khắc khoải chờ mong, giờ bố - con mới được “gặp” nhau nhờ công sức của Đội quy tập tỉnh Nghệ An. Di vật còn sót lại của liệt sỹ chỉ còn là một viên gạch có khắc chữ “Quảng”, nhưng dường như chị Nhung vẫn cảm nhận được linh hồn của bố vẫn còn đâu đây, luôn dõi theo bước đường của chị để quá trình di chuyển hài cốt liệt sỹ từ Lào về Nghệ An và phường Ninh Khánh (TP Ninh Bình) lại thuận lợi và rất nhiều chi tiết câu chuyện linh thiêng!
Ngày phát sóng chương trình, chị Nhung đã gọi điện cảm ơn, nhắn tin đến chương trình với những câu từ cảm động: “Tôi là thân nhân liệt sỹ may mắn nhất….đội quy tập tỉnh Nghệ An đã không quản ngại khó khăn , gian khổ hy sinh để đưa các liệt sỹ về đất Mẹ…. Qua Đài PTTH Nghệ An cho tôi gủi lời chúc các gia đình liệt sỹ sớm được gặp người thân của mình. Chúc anh em nhà Đài luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Tôi thay mặt gia đình xin trân trọng cảm ơn!”
Chương trình phát lần đầu tiên vào 20h30 ngày 14/7 và sau đó được phát lại nhiều lần trong tháng 7. Nhiều tin nhắn của người thân liệt sỹ, của bộ đội gửi đến đã tạo động lực để chúng tôi có nhiều chương trình hay hơn nữa. Với những người làm chương trình như chúng tôi, như thế đã là quá đủ!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin