Pháp luật

Kỳ 2: “Cơn bão” ma túy quét qua bản làng 

15:55, 27/05/2021
Từ lâu tội phạm ma túy luôn để lại nỗi bất an cho xã hội, những kẻ gieo “cái chết trắng” đang từng ngày biến những bản làng vốn dĩ yên bình thành nỗi khiếp sợ của người dân. Hệ lụy của nó khiến không ít gia đình rơi vào cảnh ly tán vì trót tham gia vào các đường dây buôn “hàng trắng” để rồi nhận các bản án thích đáng.

 Điểm nóng đỉnh núi “Pù Lôm” 

Nằm cách trung tâm xã Lưỡng Minh khoảng 4km đường chim bay, Pù Lôm là đỉnh núi cao, hiểm trở nhất nhì của huyện rẻo cao biên giới Tương Dương. Đây cũng là “thủ phủ” của các ông trùm mua bán ma túy khét tiếng. Với người dân địa phương, họ xem Pù Lôm là đỉnh núi tử thần, không ai dám bén mảng lên đây, kể cả ban ngày, trừ các “chân rết” chuyên cấu kết để tập kết hàng.

Đỉnh núi Pù Lôm từng là thủ phủ ma túy trước đây.
Đỉnh núi Pù Lôm từng là thủ phủ ma túy trước đây.

Để đến được đỉnh núi Pù Lôm, gần như là con đường độc đạo, phải vừa đi thuyền để vượt qua sông Nậm Nơn và đi bộ nhiều cây số đường rừng mới tới nơi. Chính vì vậy, đây là địa điểm độc đạo, hiểm trở - là nơi những kẻ buôn bán ma tuý người Mông lập căn cứ, vũ trang bằng súng ống để tập trung hêrôin từ Lào sang. Ma tuý từ đây được phân phối bằng nhiều con đường về xuôi, toả ra khắp các tỉnh thành. Với các điểm nóng ma tuý ở Nghệ An, đỉnh Pù Lôm được xem là một trong những cái rốn ma tuý nhức nhối nhất.

Trở về quá khứ, những già làng trong bản Đửa sống dưới chân núi Pù Lôm cho biết, đầu những năm 1990, bản này còn rất yên bình, chẳng mấy ai biết ma túy là thứ gì. Một ngày nọ, một toán người lạ xuất hiện trên núi Pù Lôm. Họ dựng lều trại, lập nơi buôn bán ma túy, có trang bị cả súng ống, lựu đạn. Ban đầu, người dân đi rừng bắt gặp, trao đổi hỏi thăm bình thường. Chỉ đến khi bọn chúng thuê bà con trong bản tiếp tế lương thực lên đình núi rồi trả công hậu hĩnh, nhiều người từ mối quan hệ xa lạ trở nên thân thiết. 

Đánh vào điểm yếu của bà con còn nhiều vất vả nên các đối tượng đã rủ rê lôi kéo họ tham gia các đường dây vận chuyển ma túy do chúng cầm đầu. Ban đầu chỉ là vận chuyển số lượng ma túy nhỏ, sau đó trở thành “chân rết” của bọn chúng để vận chuyển “hàng” lớn vào nội địa. Từ những bản làng vốn dĩ bình yên trở thành nơi tập kết ma túy lớn, hậu quả khiến nhiều thể hệ người dân bản sa vào “cái chết trắng” khi nào không hay. 

Những chiếc lán được dựng lên để các đối tượng buôn ma túy làm nơi tập kết hàng.

Ông Vi Văn Dần – Trưởng bản cho biết: “Dân cư trong bản hiện nay có 83 hộ gia đình, người dân chủ yếu làm nương rẫy, đốt củi nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, người dân ở đây vẫn trong diện nghèo khi kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào rừng nên bữa đói bữa no. Từ khi ma túy đổ bộ vào bản, sự khá giả đâu không thấy chỉ thấy cuộc sống khó khăn hơn, nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán. Nhiều người “dính chàm” ma túy khi bị các đối tượng rủ rê lôi kéo vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Hiện cả bản có gần 30 người đang đi tù vì ma túy, hơn 20 người nghiện ma túy đã phát hiện và đưa vào danh sách cai nghiện”.

“Cơn bão” ma túy quét qua là nỗi khiếp sợ với bà con bản Đửa.
“Cơn bão” ma túy - nỗi khiếp sợ của bà con bản Đửa.

Trong cơn “bão ma túy”, vợ chồng ông La Văn Hoạch là một minh chứng cụ thể. “Vốn sinh được 3 đứa con nhưng giờ đây vợ chồng ông phải nuôi 7 đứa cháu do 3 đứa con lần lượt ngồi tù vì liên quan tới “cái chết trắng”. Con trai trưởng của ông Hoạch, La Văn Thông cưới vợ rồi rủ nhau cùng buôn hàng trắng. Tiếp đến, người con trai thứ La Văn Ly nối gót anh vào tù. Đứa út La Thị Hồng cũng dính đến buôn bán heroin. Ba người con đi tù để lại cho vợ chồng ông Hoạch muôn vàn khó khăn. 

Là người được coi già làng trong bản, ông Vi Văn Đồng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: “Tôi sống ở đây đã hơn 70 tuổi, lớn lên từ hơi ấm, lạnh lẽo của núi rừng. Thiên nhiên ban tặng cho người dân trong bản nguồn sống, ăn từ rừng, ngủ từ rừng và khi mất đi cũng về núi rừng. Nhưng từ khi “cơn bão ma túy” trùm xuống bản làng, dân bản chúng tôi mất quá nhiều. Từ đàn ông cho đến phụ nữ vì cái ăn, cái mặc đã tham gia buôn bán, xách thuê ma tuý cho các đối tượng trên đỉnh núi Pù Lôm”.

Bản “vắng chồng”

Bản Xốp Mạt nằm trên vách núi, sát mép thung lũng sông Nậm Nơn. Được mệnh danh là “cửa ngõ ma túy” ở miền Tây xứ Nghệ, nơi đây từng sản sinh các ông trùm ma túy trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Địa bàn thung lũng hiểm trở, bao quanh là núi rừng, Xốp Mạt cũng thành nơi lẩn trốn của tội phạm ma tuý bị truy nã. Những ngày “đen tối” nhất của Xốp Mạt khi cơn “bão lốc” ma túy từ trên đỉnh Pù Lôm tràn về làm cho bản làng xơ xác. 

Ma túy “Càn quét” khiến những ngôi nhà không còn người ở.
Ma túy khiến những ngôi nhà không còn người ở.

Theo người dân địa phương, hầu hết đàn ông ở đây đều dính dáng tới ma túy, không đi tù thì cũng nghiện ngập, không bị công an truy lùng cũng bỏ gia đình mà đi. Bi kịch ấy xảy ra trong một khoảng thời gian dài, có thời điểm rất hiếm hoi để nhìn thấy bóng dáng đàn ông trong bản Xốp Mạt. Nhắc đến Xốp Mạt, người ta còn biết đến với cái tên “thủ phủ ma túy” với những “ông trùm” khét tiếng trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Trong số đó, phải kể đến Lô Văn Tuấn (SN 1953) - trưởng bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An, một "đại ca" trong giới buôn bán "hàng trắng". 

Chân dung ông trùm khét tiếng một thời Lô Văn Tuấn.

Cách đây hơn 20 năm về trước, nhắc đến Lô Văn Tuấn, không ai là không biết. Ban đầu là sự ngưỡng mộ khi sống giữa “thánh địa” ma túy, trưởng bản này vẫn kiên định, kể cả khi vợ và con đều lần lượt sa chân vào “cái chết trắng”. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng bóc gỡ đường dây ma túy “khủng” do Tuấn điều hành, nhiều người đã hết sức ngỡ ngàng.

Dưới vỏ bọc của một cán bộ, Tuấn đã tinh vi điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia. Thậm chí, những “ông trùm” ma túy khét tiếng lúc bấy giờ như Hải “luận” (Vinh), Lệ “mập”, Tuấn “thỏ” (TP Hồ Chí Minh), siêu “trùm” ma túy Trần Văn Hợi (Lào)… đều phải qua tay Lô Văn Tuấn. Từ năm 1997 - 2002, Công an Nghệ An đã 3 lần khởi tố bị can với Tuấn trong 3 vụ án ma túy khác nhau, nhưng khi tiến hành bắt thì hắn đã trốn vào rừng, mang theo súng, lựu đạn và các loại hung khí khác. “Cõng” trên mình 3 lệnh truy nã đặc biệt, đối tượng này vẫn tiếp tục điều hành, cung cấp “hàng” cho các đường dây ma tuý lớn.

Dù vậy, những đứa trẻ ở bản Xốp Mạt lớn lên thiếu hơi ấm của bố.
Những đứa trẻ ở bản Xốp Mạt lớn lên thiếu hơi ấm của bố.

Một thời gian sau, Công an phát hiện, tổ chức vây bắt, dân bản mới biết chúng lập điểm buôn ma túy. Nhưng phá được nhóm này thì không lâu sau đó, toán khác lại xuất hiện. Chúng kéo đến, nhiều người dân bản hám lợi, đã trở thành đồng đảng, tiếp tay cho tội phạm buôn ma túy trên đỉnh núi này. Có tiền, nhiều thanh niên bị cuốn theo đám người lạ ấy, rồi dính ma túy lúc nào không hay.

Những năm 2000, ông Cụt Văn Ninh - Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh thống kê: “Toàn bản Xộp Mạt chỉ có 44 hộ dân, với hơn 150 nhân khẩu, đa phần là phụ nữ “vắng chồng”, khi nhiều đàn ông ở đây bị chết hoặc bị phạt tù dài hạn vì buôn bán, sử dụng chất ma túy. Không chỉ riêng đàn ông mà thanh thiếu niên đều bị cuốn vào vòng xoáy khủng khiếp này. Có những gia đình liên tục 3, 4 thế hệ, ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt vào tù vì dính đến “cái chết trắng”. Hiện nay, nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi, thất học từ nhỏ”.  

sống
Cô vợ trẻ địu con, mắt nhìn xa xăm chờ chồng là hình ảnh quá quen thuộc với người dân trong bản.

Còn với chị Cụt Thị Mận từ ngày chồng bị lực lượng Công an truy bắt vì tội buôn bán chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (2013), đến nay chị vẫn một mình lầm lũi. Từ ngày mất chồng, tôi vẫn không thể hiểu, kiếm tiền từ ma túy có gì sung sướng mà đánh đổi cả đời người, đẩy vợ con vào cảnh cuối đời cô quạnh. Chồng đi tù, bỏ lại chị với 2 đứa con nhỏ dại. 

Với chị Kha Thị Lơn lại rơi vào cảnh éo le nghiệt ngã hơn: Chồng theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, vào rừng mang ma túy rồi bị bắt. Ngày chồng đi tù, vì điều kiện con nhỏ chị không thể xuống tham dự phiên tòa. Sau khi nghe tin chồng bị kết án chung thân, bản thân chị suy sụp hoàn toàn. Tưởng chừng vợ chồng nương tựa vào nhau mỗi khi khó khăn vất vả, nhưng chung sống với nhau được 6 năm chồng lại theo “vết xe đổ” của những người đàn ông trong bản. Thiếu chồng, kinh tế không có để nuôi con, chị trót dại vận chuyển ma túy thuê rồi bị bắt và chịu án phạt 5 năm tù."Ngày hết án trở về, nhà cũ không còn, 2 đứa con đi khỏi địa phương không một lời nhắn nhủ”, chị nghẹn ngào tâm sự.

Anh Lô Văn Phê – Trưởng bản Xốp Mạt nói: “Trước đây, đa phần đàn ông trong bản đều theo nhau đi xách ma túy, tiền kiếm ra chưa biết bao nhiêu nhưng chẳng mấy ai có cuộc sống hạnh phúc. Nhiều năm trời sống chui lủi giữa rừng thiêng, nước độc, muốn ăn một bữa cơm, ngủ một giấc không lo âu mà chẳng thể”. 

Bản Xốp Mạt đổi thay từng ngày sau khi đến vùng đất mới.

Giờ đây khi nhắc đến Xốp Mạt, nhiều người vẫn nguyên cảm giác rùng mình. Bản trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương với những cái tên như: “Bản vắng chồng”, “Bản thất học”. Nhưng hôm nay, bản Xốp Mạt đã khoác lên mình tấm áo mới sau rất nhiều cố gắng của chính quyền, các ban, ngành chức năng và của chính những người dân. Để có được diện mạo mới như bây giờ, phần vì Xốp Mạt được tái định cư đến vùng đất mới cách bản cũ khoảng 5km. Phần nữa là cán bộ cũng như người dân ở bản nỗ lực tìm phương án để cách ly bản khỏi “điểm đen” ma túy. 

(Còn tiếp)

Bảo Linh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện