Những năm gần đây, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, do đó thị trường bảo hiểm trong nước nói chung và tại huyện Diễn Châu nói riêng phát triển rất mạnh. Qua công tác nắm tình hình và quản lý đối tượng, Công an huyện Diễn Châu phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu làm giả bệnh án để trục lợi bảo hiểm với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự móc nối với một số bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện, phòng khám trên địa bàn.
5 đối tượng trong vụ án. |
Bước đầu cơ quan chức năng xác định 5 đối tượng trong đường dây gồm: N.T.H. (sinh năm 1983) trú tại xã Diễn Xuân; C.T.D.T. (sinh năm 1997) trú tại xã Diễn Thịnh; N.T.M. (sinh năm 1983) trú tại xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (cả 3 đối tượng làm việc tại Phòng khám bệnh Nội khoa tư nhân Diễn Xuân và là đại lý bảo hiểm của Công ty TNHH Manilife Việt Nam); L.T.P. (sinh năm 1968, trú tại phường Trường Thi, thành phố Vinh; làm việc tại Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, số 157 đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh) và N.V.H. (sinh năm 1983) trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu; làm việc tại Phòng khám Đa khoa Nam Cầu Bùng. Trong đó, N.T.H. cầm đầu đường dây này.
Là đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam, N.T.H. nhận thấy quá trình chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị gãy xương khá dễ dàng nên đã nảy sinh ý định làm giả hồ sơ bệnh án để trục lợi.
Cán bộ Công an huyện Diễn Châu lấy lời khai đối tượng N.T.H. |
Theo đó, H. móc nối với các khách hàng do mình quản lý và đưa ra quyền lợi được hưởng khi làm giả hồ sơ bệnh án nên nhiều người đã đồng ý. Bằng các mối quan hệ quen biết, H. móc nối với 4 đối tượng còn lại để thực hiện hành vi phạm tội.
Quá trình làm việc, khi phát hiện có bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, phòng khám với bệnh lý gãy xương, các đối tượng đã chủ động tiếp cận, đề nghị về việc sẽ sử dụng họ tên khác cho người bệnh để khám, chữa bệnh (sử dụng tên của người được mua bảo hiểm sức khỏe). Sau đó, các đối tượng lưu lại hồ sơ bệnh án để đề nghị Công ty TNHH Manuife Việt Nam chi trả quyền lợi bảo hiểm. Với mỗi hồ sơ bệnh án bị gãy xương sẽ được chi trả từ 30 triệu đến 150 triệu đồng.
Tang vật thu giữ |
Khi không có người bệnh thực tế, các đối tượng móc nối với một số cán bộ công tác tại bệnh viện, phòng khám có chức năng chụp X-quang để chỉnh sửa hình ảnh phim, ký vào các tài liệu khống. Những hồ sơ khám bệnh này được thực hiện dưới hình thức thu phí, không sử dụng bảo hiểm y tế để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngày 15/12/2023, đơn vị đã tiến hành điều tra, làm rõ, khởi tố 5 đối tượng nói trên về hành vi “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Bước đầu, cơ quan Công an xác định các đối tượng đã lập giả 15 bộ hồ sơ bệnh án, thực hiện 22 yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với Công ty TNHH Manulife Việt Nam, với tổng số tiền đã được chi trả là hơn 1,1 tỉ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu đã tạm giữ hình sự đối tượng N.T.H., áp dụng biện pháp ngăn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng còn lại; đồng thời tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin