Thiếu tá AHLLVTND Nguyễn Quang Trung - anh hùng của một thời hoa lửa
42 năm sau Đại thắng mùa xuân, chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ niệm về một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều cựu chến binh. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở xóm 11, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương Thiếu tá Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Trung và Cựu chiến binh Lê Mai - người đồng đội cũ hào hứng kể cho chúng tôi về những ngày tháng gian khổ, oanh liệt nơi chiến trường.
Sinh năm 1951 trong một gia đình có 3 anh em trai, vì người anh đầu và em út đều ra chiến trường nên Nguyễn Quang Trung ở lại quê nhà, tham gia hoạt động đoàn thể. Nhưng giữa khí thế sục sôi, tháng 8 năm 1969, ông viết đơn xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Huấn luyện 6 tháng tại Đoàn 22, thuộc Quan khu 4 đóng quân ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đầu năm 1970, Nguyễn Quang Trung được bổ sung làm trinh sát thuộc Đại đội 23, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316A, tham gia chiến đấu tại Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào).
Nhắc đến những kỷ niệm ở chiến trường, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung nhớ lại: “Vào tháng 11 năm 1973, khi đó đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh đồn Mường Xủi. Là Tiểu đội trưởng trinh sát nhiều lần vào ra đồn địch qua công tác nắm tình hình nhận thấy lượng dịch mạnh và được trang bị tốt, địa thế lại hiểm yếu trừ lối cổng chính xung quanh toàn dốc đá dựng đứng, lực lượng của ta mỏng không thể đánh “vỗ mặt” được nên phải tạo bất ngờ. Ông đã xin phép Đại đội và xung phong chỉ huy 12 người trong Tiểu đội đứng công kênh lên nhau, người này đứng trên vai người kia, tiếp cận đồn địch. Quả đúng như phán đoán địch hoàn toàn bị bất ngờ khi bị đánh từ hông, đánh từ trên xuống, chỉ trong vòng 15 phút quân ta đã chiếm gọn đồn địch. Nghĩ lại kể ra cũng liều thât, mà sao hồi ấy mình khỏe thế”.
Sau trận thắng ấy, cả tiểu đội đều được phong dũng sỹ, được tặng Huân chương, riêng Tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Trung được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Anh hùng Nguyễn Quang Trung (mặc quân phục) và Cựu chiến binh Lê Mai (ngồi kế bên) đang lần giở những kỷ vật một thời hoa lửa. |
Đời người lính qua nhiều trận đánh. Nhắc đến những trận đánh cuối cùng, ông hào hứng kể về trận đánh vào Tiểu đoàn Mãnh Hổ ở chiến dịch Tây Nguyên ngày 10/3/1975. Khi ấy ông đã là Đại đội phó, trước giờ nổ súng, ông hô: “Vì ý nghĩa chiến dịch Tây Nguyên, hãy anh dũng tiến lên” và bắn 3 phát súng lệnh”. Tiểu đoàn Mạnh Hổ thiện chiến của Quân khu 2 ngụy nhanh chóng bị vô hiệu. Sau khi chiếm lĩnh doanh trai, tiêu diệt và đánh đuuỏi kẻ địch ông phân công Trung đội 3 ở lại chốt chặn, còn các trung đội khác đánh thẳng vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Lần thứ 2, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Với những chiến công vang dội, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung được anh em đồng đội tin yêu và kính trọng, vinh dự được đi báo công ở Thủ đô. Sau đó ông lại vào Nam theo cánh quân đang thần tốc tiến về Sài Gòn. Nói thần tốc là tình hình chung của chiến trường, riêng đơn vị ông bị địch bao vây ở Trảng Bàng (Tây Ninh) nhằm ngăn cản bước tiến của quân ta từ phía tây bắc. Nhận định đây chỉ là quyết tâm tạm thời, cuối cùng của kẻ sắp bại, ông đã xin ý kiến và tổ chức đánh phá vòng vây với kế nghi binh. Cho quân và hỏa lực triển khai ở nhiều điểm, sau tiếng hô “Vì ý nghĩa chiến dịch mang tên Bác, đảng viên, đoàn viên thanh niên anh dũng tiến lên”. Và súng lệnh từ nhiều phía, bộ đội ào ạt xung phong. Quân dịch tưởng ta có quân tiếp ứng từ ngoài, bỏ chạy tán loạn. Thừa thắng xốc tới, đơn vị ông kịp hội quân ở Thủ Dầu để cùng đại quân tiến vào thành phố Sài Gòn vào sáng 30/4/1975.
Với sự mưu mẹo, dũng cảm đi đầu, trận ấy Nguyễn Quang Trung được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Sau đó ông được tặng tiếp Huy hiệu dũng sĩ ưu tú và ngày 5/1/1976, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
CCB Lê Mai cẩn trọng cài biểu trưng Anh hùng LLVTND cho Anh hùng Nguyễn Quang Trung trong niềm tự hào về người đồng đội cũ. |
Đất nước thống nhất, chưa kịp trở về quê nhà, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung lại nhận lệnh đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Mải miết khắp các chiến trường chẳng có thời gian để xây dựng cuộc sống cho riêng mình. Năm 1990, Nguyễn Quang Trung xin phục viên. Hơn 40 tuổi, người lính già mới có được niềm hạnh phúc làm cha. Nay cả 5 người con chỉ một người theo nghiệp cha, còn lại cũng đều đã trưởng thành. . .
Mỗi lúc trái gió trở trời, vết thương trên thịt da lại đau nhức nhưng được sống, được trở về và niềm hạnh phúc muộn màng ấy cũng đủ làm ông ấm lòng. Trong căn nhà nhỏ vào ngày cuối tháng Tư này, ông cùng người đồng đội, người anh cả của Đại đội là Ông Lê Mai đang lần giở nâng niu những kỷ vật của một thời hoa lửa. Kỷ vật không còn nhiều bởi ông đã giành tặng hết cho đơn vị để trưng bày ở phòng truyền thống, các giấy tờ cũng thất lạc cũ nát, hư hỏng theo thời gian. Duy các huân, huy chương, Bằng chứng nhận Anh hùng là đầy đủ bởi hàng năm ông được đón nhiều đoàn khách là đồng đội cũ, là các nhà báo nhà văn…ai cũng muốn được ngắm nhìn. Còn với ông nó thiêng liêng bởi mỗi thứ đều gắn với những trận đánh và mỗi lần như thế ông nói: Nhớ nhất đến những đồng đội đã hy sinh.
(Trần Đình Hà – Đài TTTH Thanh Chương)