LHQ thảo luận vùng cấm bay Libya
“Có rất nhiều vấn đề đã được thảo luận và vùng cấm bay (đối với Libya) là một trong số đó” - phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về các vấn đề chính trị Lynn Pascoe xác nhận với báo chí ngày 9-3. Một quan chức ngoại giao Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho biết nếu có một sự bùng phát rõ ràng, chẳng hạn vi phạm nhân quyền có hệ thống và hàng loạt, thì Hội đồng Bảo an có thể sẽ hành động.
Còn những lo ngại
Đến nay, chưa có dự thảo chính thức nào được đưa ra tại Hội đồng Bảo an về việc thiết lập vùng cấm bay đối với Libya, một biện pháp có thể dẫn đến việc tấn công hệ thống phòng không của nước này. Cộng đồng quốc tế vẫn đang có nhiều lấn cấn. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc thảo luận ngày 8-3 đều cho rằng bất cứ sự can thiệp nào vào Libya đều phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định quyết định thiết lập vùng cấm bay thuộc thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc chứ không phải của Mỹ. “Chúng tôi muốn giải quyết một cách hòa bình, muốn ông ấy (Gaddafi) ra đi một cách hòa bình và chính phủ mới lên một cách hòa bình” - AFP dẫn lời bà Clinton giải thích.
Một số nước đã tỏ rõ sự ủng hộ đối với vùng cấm bay tại Libya. Tuy nhiên một số nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an như Trung Quốc vẫn tỏ thái độ thờ ơ với biện pháp này, trong khi Nga trước đó đã phản đối can thiệp quân sự vào Libya. “Hành động tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là gì thì phải phụ thuộc vào việc nó có thể giúp ổn định Libya càng sớm càng tốt hay không” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói.
Trong những ngày qua ông Gaddafi đã trả lời phỏng vấn hàng loạt cơ quan truyền thông nước ngoài và cả trên truyền hình quốc gia Libya. Ông tố cáo các nước phương Tây, mà ông mô tả là “những nước thực dân”, đang có một “âm mưu” chống lại Libya. “Nếu họ đưa ra quyết định thì nó sẽ tốt cho Libya, bởi khi đó người Libya sẽ nhìn thấy sự thật rằng những gì họ muốn đô hộ đất nước Libya và cướp đoạt dầu mỏ của Libya” - ông Gaddafi chỉ trích mạnh mẽ trên kênh TRT ngày 9-3. Ông cũng tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại lệnh cấm bay nếu nó được áp dụng.
Thế giới siết chặt tài sản của Libya
Trong khi đó, khoảng 150 tỉ USD tài sản ở nước ngoài của Libya bao gồm của cả lãnh đạo Gaddafi và gia đình, Ngân hàng Trung ương Libya và LIA đã bị phong tỏa. Reuters dẫn nguồn các quan chức ngoại giao cho biết cuối cùng thì 27 nước thành viên EU đã thống nhất đóng băng ba nguồn tài sản này. Lệnh trừng phạt dự kiến được EU chính thức thông báo ngày 10-3.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 7-3 cũng cho biết đã đóng băng gần 32 tỉ USD tài sản của LIA tại Mỹ. Ngày 9-3, Ngân hàng Trung ương Úc xác nhận đã chặn các khoản quỹ, chi trả từ 16 cá nhân người Libya, bao gồm ba người trong gia đình Gaddafi. Nhật cũng tuyên bố phong tỏa tài sản của ông Gaddafi và một số cá nhân.
LIA đã được ông Gaddafi ra lệnh thành lập năm 2006 sau khi lệnh trừng phạt Libya của các nước phương Tây được dỡ bỏ. LIA đầu tư hàng trăm tỉ USD từ nguồn thu dầu mỏ khắp thế giới. LIA hiện sở hữu số tài sản khoảng 70 tỉ USD và được đầu tư chủ yếu vào những doanh nghiệp lớn của Ý, trong đó có 7,5% cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Juventus, 2% trong Hãng xe hơi Fiat, hơn 2% trong hãng Finmeccanica, 7,5% trong Ngân hàng UniCredit...
Ở Mỹ, LIA cũng đầu tư những đồng đôla dầu mỏ vào rất nhiều công ty lớn như Exxon, Chevron, Pfizer, thậm chí vào cả những tập đoàn làm việc cho Lầu Năm Góc như Halliburton (dầu mỏ, do cựu phó tổng thống Mỹ Cheney điều hành trong những năm 1990), Honeywell (hàng không vũ trụ). Lia cũng đầu tư vào những tập đoàn nhạy cảm như Alcatel Lucent (thông tin và quốc phòng), Lagradere (báo chí, truyền hình, quốc phòng và không gian)... Các chuyên gia đều thừa nhận LIA là một trong những quỹ đầu tư quốc gia “bí mật nhất thế giới”.
Báo Corriere della Sera ngày 8-3 mô tả cho đến nay các nước phương Tây còn phản ứng một cách phân tán, có nước công khai, có nước “chơi con bài nửa công khai theo kiểu úp úp mở mở”, có nước lại im hơi lặng tiếng! Lệnh cấm mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư của LIA và các tổ chức tài chính khác tại tất cả các nước EU và các tổ chức này cũng không thể nhận cổ tức hay bán đi cổ phần của mình. Báo Pháp Le Figaro dẫn lời luật sư Frabrice Marchisio, chuyên gia về chống rửa tiền, mô tả lệnh phong tỏa mới này “đích thị là một quả bom đối với các ngân hàng”, bởi các ngân hàng sẽ bị mất rất lớn.
(Theo Tuổi trẻ)