Phe đối lập Libya bác đề nghị thương thuyết với chính phủ
LHQ lo ngại trước tình trạng thiếu chuyến bay chở các công dân châu Á sơ tán từ Libya về nước.
Theo lời Cựu bộ trưởng Tư pháp Libya, Moustapha Abdeljalil, chủ tịch Hội đồng quốc gia, ông Gadhafi không đích thân gửi đặc phái viên, nhưng các luật sư của chính quyền ở Tripoli đã tự đề nghị làm trung gian để hai bên thương lượng, nhằm chấm dứt chiến sự tại Misrata, thành phố thứ ba của Libya chỉ cách Tripoli 150 km, nơi diễn ra nhiều trận giao tranh bằng vũ khí hạng nặng.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia tuyên bố: “Chúng tôi dĩ nhiên là muốn ngăn chặn cuộc tắm máu, nhưng trước hết ông Gadhafi phải từ chức, phải rời khỏi Libya, và chúng tôi sẽ không truy tố hình sự ông ta”.
Nhưng theo hãng tin AFP, một quan chức chính phủ Libya khẳng định là không hề có một đề nghị thương lượng nào từ phía chính phủ Gadhafi.
Bước sang tuần thứ tư trong cuộc đấu tranh chống chính phủ, phe đối lập Libya hiện đang kiểm soát phần lớn miền Đông và một số thành phố miền Tây. Nhưng đà tiến của quân nổi dậy đã bị chặn lại trong những ngày gần đây do cuộc phản công của quân chính phủ, với nhiều cuộc oanh tạc và tấn công đẫm máu vào nhiều thành phố.
Theo tin mới nhất, một máy bay hôm qua đã ném bom vào một tòa nhà ở gần cảng dầu hỏa Ras Lanouf. Đây là lần đầu tiên, một khu nhà ở bị oanh tạc ở Ras Lanouf, mà quân nổi dậy đã chiếm được từ hôm 4/03.
Hôm qua, Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa đã cáo buộc phương Tây đang âm mưu chia cắt Libya, qua việc tiếp xúc với những người đã chạy sang phe đối lập. Trước đó, ông Gadhafi đã từng kết tội nước Pháp “can thiệp vào chuyện nội bộ”, sau khi Paris tuyên bố ủng hộ Hội đồng quốc gia.
Về phần mình, các nước phương Tây cũng đang tìm cách trợ giúp phe nổi dậy, có thể là bằng việc thiết lập một vùng cấm bay ở Libya hoặc cung cấp vũ khí họ, nhưng cả hai giải pháp kể trên đều gặp nhiều trở ngại.
LHQ cho biết có tới 1 triệu người, hầu hết là công nhân nước ngoài, hoặc đã bỏ chạy ra khỏi Libya hoặc còn bị mắc kẹt ở đó, và cơ quan này đã kêu gọi quốc tế quyên góp 160 triệu USD trợ giúp khẩn cấp.
LHQ hôm qua bày tỏ quan ngại trước tình trạng thiếu chuyến bay chở các công dân châu Á (đặc biệt là Bangladesh) và châu Phi đen về nước. Theo đánh giá của LHQ, khoảng 5.000 người, trong đó có 3.500 người Bangladesh, đang chờ được di tản ở vùng biên giới Ai Cập, nơi mà căng thẳng giữa những người tản cư ngày càng tăng.
Trong khi đó, tại Yemen, chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn các vụ bạo động leo thang do biểu tình. Hôm qua, xung đột giữa những người biểu tình và binh sĩ chính phủ đã làm ít nhất 98 người bị thương.
Tối qua, hàng trăm người cũng xuống đường ở quốc gia vùng Vịnh Kuwait đòi thay thủ tướng và yêu cầu cải cách chính trị.
Giá dầu mỏ trên thị trường New York hôm 7/3 đã lên tới 107USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Ả rập Xêút hôm qua đã lên tiếng bảo đảm rằng nước này sẽ ngăn chặn mọi khả năng khiến nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thế giới bị gián đoạn. Tin này đã giúp giá dầu mỏ hôm qua hạ nhiệt.
(Theo Dân trí)