Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm hơn 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trường y hoa Trung Quốc, dẫn đầu bởi Zhong Nanshan - nhà dịch tễ học đã phát hiện ra virus Sars hồi năm 2003.
Các bệnh nhân trong nghiên cứu đến từ 552 bệnh viện ở 31 tỉnh, trong khoảng thời gian từ ngày 1-29/1. Chỉ có 1,18% bệnh nhân đã tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã. Gần một phần ba số bệnh nhân từng đến Vũ Hán, 71,8% từng tiếp xúc với một người từ Vũ Hán.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều điều giới y học chưa biết về loại virus corona mới, hay còn gọi là 2019-nCoV.
Không phải ai cũng sốt
Cụ thể, chỉ có khoảng 43.8% số bệnh nhân nhiễm nCoV có triệu chứng sốt khi đến gặp bác sĩ.
Việc có chưa đến một nửa số bệnh nhân không bị sốt cho thấy virus corona mới khó phát hiện hơn nhiều so với hai chủng virus cùng loại là Sars và Mers.
Các bệnh nhân có thể bị bỏ sót, nếu công tác giám sát chỉ tập trung vào triệu chứng sốt cao, nghiên cứu nhấn mạnh.
Sự cần thiết của phim chụp CT
Thông thường, trước khi bệnh nhân trải qua xét nghiệm axit nucleic (NAT) để xác định sự tồn tại của virus, kết quả chụp CT của những người này cũng phải cho thấy những dấu hiệu bất thường nhất định, như “tổn thương kính mờ”, hoặc có bóng mờ trong phim chụp lồng ngực.
Tuy nhiên, trong số 840 bệnh nhân được nghiên cứu và từng quét CT, chỉ một nửa số bệnh nhân có “tổn thương kính mờ”, và 46% bệnh nhân có bóng mờ trong phim chụp.
Điều này cho thấy, nếu chỉ dựa vào kết quả chụp cắt lớp CT thì không thể phát hiện tất cả các bệnh nhân nhiễm virus.
Từ ngày 27/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã sửa đổi các tiêu chí chẩn đoán nhiễm nCoV, không còn tiêu chí “phim chụp CT cho thấy hình ảnh viêm phổi”.
Nhưng khi có thông tin cho rằng xét nghiệm NAT có tỉ lệ âm tính giả cao, một số bác sĩ lại đề nghị đưa kết quả chụp CT vào bộ tiêu chí chẩn đoán virus corona.
Con đường lây lan
Theo nghiên cứu, thời gian ủ bệnh của virus corona có thể kéo dài tới 24 ngày, thay vì 14 ngày như thông tin trước đó.
Nghiên cứu không loại bỏ khả năng “siêu lây lan”, trong đó, một nhóm nhỏ bệnh nhân có thể lây bệnh cho rất nhiều người khác.
Trong dịch Sars 2003, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Sars ở Quảng Đông đã lây bệnh cho 16 người khác khi ông tới Hồng Kông dự đám cưới. Những vị khách này du lịch đến nhiều quốc gia khác, biến Sars thành một đại dịch toàn cầu.
Giống như Sars và Mers, đường lây truyền thông thường của nCoV là thông qua các giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm 4 trong số 62 mẫu phân của bệnh nhân đã cho thấy sự tồn tại của virus nCoV trong chất thải tiêu hóa.
Từ đó, các nhà nghiên cứu kêu gọi người dân tích hợp các biện pháp bảo vệ toàn thân, bao gồm cả dịch tiết đường tiêu hóa.
Tính xác thực của nghiên cứu
Nghiên cứu, được công bố hôm Chủ nhật (9/2) trên kho lưu trữ nghiên cứu y tế medRxiv.
Dù vậy, nghiên cứu chưa được thẩm định bởi các nhóm y khoa khác, do đó không nên được sử dụng để hướng dẫn thực hành lâm sàng, medRxiv nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin