Y tế

Hướng dẫn thực hiện cách ly vùng dịch COVID-19

09:19, 20/03/2020
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế vừa ban hành "Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19".

Đây là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trên toàn quốc, thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Mục đích của hướng dẫn nhằm khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các địa phương khác. Thời điểm xem xét thiết lập vùng cách ly y tế là khi vùng dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng và có nguy cơ lớn lây lan sang các khu vực, địa phương khác trong khi hầu hết các khu vực, địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chỉ có một số ít ca bệnh xâm nhập. 

Tùy theo tình hình dịch thực tế tại địa phương có thể lựa chọn quy mô: Cụm dân cư, khu phố, cơ quan, đơn vị; thôn, tổ, đội, ấp; xã, phường, thị trấn; quận, huyện.

Thời gian cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ ngày thực hiện cách ly. Tùy theo diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan trong vùng cách ly, thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

 
 Giao diện phần mềm Hà Nội Smart City trên điện thoại thông minh. 

Hướng dẫn cũng quy định về cách thức tổ chức cách ly. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra Quyết định thiết lập vùng cách ly trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Y tế trong đó nêu rõ địa điểm, thời gian, phạm vi vùng cách ly.

Tại các vùng cách ly thiết lập chốt, trạm kiểm soát ra vào, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn trật tự trong vùng cách ly; đảm bảo an sinh xã hội về nhu yếu phẩm, lượng thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh thiết yếu, xăng dầu, đủ điện nước sinh hoạt, việc thu gom rác thải phải được xử lý đúng quy trình…

Ngoài ra, các hoạt động y tế trong vùng cách ly được thực hiện chặt chẽ đó là thiết lập hệ thống giám sát phát hiện chủ động bệnh dịch tại cộng đồng như: lập danh sách toàn bộ hộ gia đình và các thành viên trong vùng cách ly, huy động nhân lực của địa phương, thực hiện phương châm "rà từng ngõ, gõ từng nhà" hàng ngày để kịp thời phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh.

Về tổ chức cách ly y tế chia làm các cấp độ như sau: Ca bệnh xác định mắc COVID-19; Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (người trong cùng gia đình, người tiếp xúc gần khác như hàng xóm, họ hàng, bạn bè…); Ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19; Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ…

Để phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 được đảm bảo, cần phân khu để tiếp nhận điều trị và cách ly các nhóm bệnh nhân một cách riêng biệt: Khu vực cách ly đặc biệt điều trị các ca bệnh xác định mắc COVID-19; khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm; khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2; khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm mùa; khu vực bệnh nhân xác định mắc COVID-19 đã hoàn thành điều trị được theo dõi và hồi phục sức khỏe chờ ra viện (hết triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm 2 lần âm tính cách nhau ít nhất 1 ngày); khu vực cách ly cho người trong cùng hộ gia đình, người tiếp xúc gần khác với bệnh nhân xác định.

Sổ tay cũng hướng dẫn về hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch trong khu cách ly; hoạt động xử lý môi trường, khử trùng khu vực ổ dịch đối với hộ gia đình bệnh nhân COVID-19; hộ gia đình liền kề xung quanh; hộ gia đình ca bệnh nghi ngờ; hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cách ly; bảo đảm công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị.

Hướng dẫn cũng yêu cầu thành lập đội liên ngành các cấp với thành viên gồm cán bộ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể hàng ngày đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tuyên truyền công tác phòng chống dịch trong vùng cách ly.

Theo Báo Tin tức

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện