Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Bác sỹ Phan Thế Long - Tấm gương sáng về y đức

15:41, 26/02/2021
“Nghề của chúng tôi là nghề thay bệnh nhân "ngủ” trước mỗi ca mổ, nghề giúp bệnh nhân "thở", đặc biệt là những người bệnh nặng, những trường hợp cấp cứu” -  Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKI  Phan Thế Long - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa TP Vinh bộc bạch khi nói về nghề nghiệp đặc thù, thầm lặng của mình.

Cơ duyên với nghề y

Cho đến bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện đến với ngành y, tôi thấy đó chính là cơ duyên. Bởi, nếu không có cơ duyên thì tôi đã trở thành người sỹ quan quân đội. Trước đó, khi bố tôi bị bệnh, tôi đã nghĩ sau này mình phải trở thành bác sỹ chữa bệnh cứu người. Và hơn hết đó cũng tâm nguyện của bố tôi mà mình phải thực hiện cho bằng được. Năm 1985, tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, tôi nhập ngũ lên đường chiến đấu tại chiến trường Lào. Mỗi lần đến với người dân địa phương, tham gia trị bệnh cứu người, tình cảm quân dân càng thắt chặt và thấm sâu, suy nghĩ phải trở thành một bác sỹ cứu người càng trỗi dậy trong tôi” - ”- Bác sỹ Phan Thế Long tâm sự.

Vậy là từ năm 1988, sau khi rời quân ngũ ông về công tác tại Bệnh viện Vinh (tiền thân của Bệnh viện đa khoa TP Vinh). Nhận nhiệm vụ mới, bác sĩ Phan Thế Long bắt tay ngay vào việc làm quen, học hỏi các đồng nghiệp đi trước và bắt đầu trực, gây mê những ca đầu tiên trong điều kiện bệnh viện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Công tác gây mê hồi sức được coi là một khâu quan trọng trong sự thành công của ca mổ, do đó vị trí, vai trò của đội ngũ gây mê hồi sức ngày càng được khẳng định. Đó cũng là động lực khích lệ bác sỹ Phan Thế Long luôn bền bỉ nghiên cứu, học tập, rèn luyện để có kiến thức chuyên sâu, làm tốt nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Phan Thế Long thực hiện gây mê cho một sản phụ trước ca mổ.

Nghề chọn người

Bản thân tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao chưa làm được, để có kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển đồng bộ gây mê - mổ - hồi sức. Đó là trăn trở của người làm nghề y, thôi thúc bản thân luôn phải học tập” - bác sỹ Long bộc bạch.

Là bác sỹ khoa gây mê hồi sức, ông cùng với các y, bác sỹ trong khoa từng bước nâng tầm khoa Gây mê - Hồi sức bằng việc triển khai những kỹ thuật gây tê vùng, giảm đau sau mổ và đặc biệt hồi sức những bệnh nhân nặng. Ông luôn tâm niệm “Là bác sỹ, phải luôn xem người bệnh như người thân trong gia đình, luôn lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu nỗi đau của người bệnh”. Vì vậy, theo ông, ngoài đào tạo ở trường, mỗi bác sỹ phải học từ các đồng nghiệp đi trước, thậm chí học tập ngay từ lớp trẻ, phải chịu khó nghiên cứu tài liệu để trau dồi, nâng cao  trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Hồi tưởng về kỷ niệm thời kỳ đầu mới bước chân vào nghề y, ông kể: “Có một lần kíp gây mê do tôi trực tiếp phụ trách, một bệnh nhân không tuân thủ lời căn dặn của bác sỹ đã dẫn đến tình huống nguy hiểm. Sau khi gây mê, bệnh nhân đã bị trào ngược dạ dày, sự cố này đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân. Mặc dù ngay sau đó, bệnh nhân đã nhanh chóng được cấp cứu, ca mổ vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch, nhưng đó cũng là một bài học để kíp gây mê rút kinh nghiệm. Đó cũng chính là bài học cho bác sỹ trẻ mới vào nghề như tôi thời điểm bấy giờ”.

“Tôi nghĩ, có trải nghiệm, có gian nan, thử thách để mình học hỏi, kiên trì vượt qua và đó cũng chính là lý do nghề chọn mình...” - bác sỹ Phan Thế Long cho biết thêm.

 

Thay đổi tư duy làm bác sĩ thời 4.0

Tâm sự với chúng tôi, bác sỹ Phan Thế Long cho biết: “Chúng tôi luôn đau đáu phải làm sao để người bệnh hài lòng, yên tâm điều trị. Với cơ chế thị trường mở như hiện nay, bệnh viện đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Để thu hút bệnh nhân, ngoài chủ động trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, bệnh viện luôn đề cao vấn đề y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ, phải luôn tận tâm với người bệnh. Và vì vậy, thay đổi theo xu thế 4.0 là xu hướng tất yếu”.

Bắt nhịp với xu thế phát triển của cách mạng 4.0, những năm qua bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã không ngừng đổi mới, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý hành chính tại khoa, phòng. Nổi bật là sự ra đời của bệnh án điện tử - được cập nhật tự động mỗi khi có một y lệnh về chỉ định xét nghiệm, và khi có kết quả ngay lập tức sẽ thông tin đến những người có liên quan, kể cả bệnh nhân.

ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh giới thiệu về các ứng dụng công nghệ thông tin bệnh viện và các đại biểu tham gia trải nghiệm mô hình bệnh viện thông minh
ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (thứ nhất, bên phải sang) giới thiệu về các ứng dụng công nghệ thông tin của bệnh viện và các đại biểu tham gia trải nghiệm mô hình bệnh viện thông minh.

Bệnh viện cũng đã vận hành hệ thống ki-ốt thông minh giúp bệnh nhân tự đăng ký khám bệnh. Chỉ cần quét thẻ BHYT là bệnh nhân có ngay số thứ tự trong phòng khám và bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án.

“Với vai trò Chủ tịch Công đoàn, bản thân tôi càng phải thay đổi tư duy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, từ chế độ bao cấp sang chế độ tự chủ. Ban đầu cũng gặp khó khăn, nhưng trải qua thời gian, mọi người đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về sự phát triển của đơn vị, mà thước đo ở đây là sự hài lòng của người bệnh. Nếu như trước đây mỗi tháng bệnh viện thực hiện khoảng 30 ca mổ/ tháng thì hiện nay mỗi ngày bệnh viện mổ tới 30-40ca” – bác sỹ Long chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT, theo bác sỹ Long, mỗi y, bác sỹ luôn phải nỗ lực học hỏi, nâng cao tay nghề để không trở nên lạc hậu với thời cuộc. Vì vậy đối với bác sỹ Long, luôn xác định trách nhiệm của cá nhân với tập thể.

Bệnh viện thông minh - Đột phá trong ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, tạo tiện ích tối đa cho người bệnh
Bệnh viện thông minh - Đột phá trong ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin, tạo tiện ích tối đa cho người bệnh ở BV Đa khoa TP Vinh.

“Là đảng viên, được tập thể tín nhiệm giữ các vai trò trọng trách trong đơn vị, từ Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng các khoa,… bản thân phải luôn làm gương cho lớp trẻ. Đồng thời, luôn nắm bắt tâm tư tình cảm, bảo vệ chính trị nội bộ, tạo sự đoàn kết; Tham mưu cho thủ trưởng đơn vị các chiến lược phát triển của bệnh viện, vừa đảm bảo tính kế thừa, phát triển, vừa đảm bảo đời sống cho cán bộ viên chức, người lao động, đảm bảo ổn định trong đơn vị” - bác sỹ Phan Thế Long nhấn mạnh.

Tấm gương sáng về y đức

Với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, bác sĩ Phan Thế Long luôn khẳng định vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các đồng nghiệp, nhất là những người trẻ trên con đường chinh phục tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy thêm những kinh nghiệm quý trong quá trình làm việc thực tế, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của  khoa Gây mê – Hồi sức.

Bác sỹ CKI Lương Thế Long trong một ca mổ.
Bác sỹ CKI Phan Thế Long trong một ca mổ.

“Bác sĩ Phan Thế Long là một đầu tàu gương mẫu để các thế hệ bác sỹ trẻ noi theo. Ngoài khám chữa bệnh chuyên môn, bác sỹ Long rất quan tâm đến các gia đình bệnh nhân, đặc biệt là các hoàn cảnh khó khăn điều trị tại bệnh viện. Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, bác sỹ Long có nhiều hành động thiết thực cụ thể quan tâm đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bệnh viện. Bản thân là một bác sỹ trẻ, trưởng khoa, học được ở bác sỹ Long cách phấn đấu trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, cách quản lý khoa phòng” - bác sỹ CKII Trần Đức Trọng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh chia sẻ.

30 năm công tác trong nghề y, bác sĩ Phan Thế Long đã cống hiến nhiều sức lực, tài trí của mình cho thành tích chung của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Ông lần lượt được bổ nhiệm các vị trí Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Trưởng Khoa Nhi; Trưởng khoa Khám bệnh yêu cầu kiêm khoa Nội tim mạch; Phó Bí thư Đảng uỷ và hiện nay ông đang giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Chủ tịch Công đoàn BV đa khoa TP Vinh. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, bác sỹ Phan Thế Long là người đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa TB Vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” vào năm 2016.

Bác sỹ CKI Phan Thế Long.

 “Trong công tác điều hành, quản lý cũng như trong công tác chuyên môn, bác sỹ CKI Phan Thế Long luôn chuẩn chỉnh, mẫu mực, gần gũi với quần chúng, ông luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh chủ yếu là thế hệ trẻ nên rất cần những điển hình như vậy. Với vai trò Chủ tịch công đoàn, bác sỹ Phan Thế Long đã kết nối được các đoàn thể trong đơn vị và tập hợp được sức mạnh của tập thể” -  bác sỹ CKII Nguyễn Hồng Trường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đánh giá.

Bác sỹ Phan Thế Long và còn rất nhiều những tấm gương y đức khác luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy, ngày ngày tận tụy trong công việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau nhưng đã chọn khoác lên mình áo blue trắng, họ đều gặp nhau ở chữ “tâm” với nghề y, với hình ảnh “lương y như từ mẫu”.

Hiến Chương - Thùy Dương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm