Tên lửa mới của Triều Tiên
Các nhà phân tích cho rằng, tên lửa khổng lồ mới mà Triều Tiên đem ra trình diễn tại cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10/10 là mối đe dọa rõ ràng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và là thách thức ngầm đối với cả Tổng thống Mỹ đương nhiệm lẫn người sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới sau cuộc bầu cử ngày 3/11. Giới phân tích đồng thời cảnh báo, Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm vũ khí này vào năm 2021.
Mẫu ICBM mới lần này của Triều Tiên được đặt trên bệ phóng kiêm xe chở (TEL) có đến 11 trục và 22 bánh xe. Ảnh: NK News. |
Giới chuyên gia nhanh chóng cho thấy sự đồng thuận khi đánh giá tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được Triều Tiên cho ra mắt là tên lửa cơ động trên bộ, sử dụng nhiên liệu lỏng lớn nhất trên thế giới hiện nay. ICBM này có khả năng được áp dụng công nghệ tên lửa đa đầu đạn phân hướng để tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) .
Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury nói rằng tên lửa mới này “rõ ràng là nhằm mục tiêu áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska” và “việc Triều Tiên lắp thêm đầu đạn rẻ hơn nhiều so với việc Mỹ bố trí thêm tên lửa đánh chặn”.
Ông Lewis giải thích, nếu ICBM của Triều Tiên mang 3 hoặc 4 đầu đạn, Mỹ sẽ cần chi khoảng 1 tỷ USD cho 12-16 tên lửa đánh chặn mỗi tên lửa [của Triều Tiên – ND].
“Với chi phí đó, tôi dám chắc rằng Triều Tiên có thể bổ sung đầu đạn nhanh hơn so với việc chúng tôi bổ sung tên lửa đánh chặn”, Lewis nói.
Tên lửa mới của Triều Tiên ước tính dài khoảng 24m, đường kính 2,5m được chuyên gia hàng không vũ trụ Markus Schiller thuộc công ty ST Analytics có trụ sở ở Munich (Đức) cho là đủ lớn để mang theo 100 tấn nhiên liệu, nhưng phải mất hàng giờ để nạp.
“Nó to và nặng đến mức thực tế không thể sử dụng được. Bạn không thể di chuyển tên lửa này khi đã tiếp đầy nhiên liệu, và bạn cũng không thể nạp đầy cho nó tại bãi phóng. Điều này hoàn toàn không có ý nghĩa gì ngoài mục đích đe dọa thường thấy, đó là gửi đi thông điệp ‘chúng tôi hiện đã có ICBM cơ động với công nghệ MIRV, hãy coi chừng’”, ông Schiller nói.
Những người chuyên theo dõi về Triều Tiên thường xuyên cảnh báo rằng các thiết bị quân sự được Bình Nhưỡng phô diễn trong các cuộc duyệt binh có thể là mô hình, và không có bằng chứng nào về việc chúng hoạt động cho đến khi chính thức được thử nghiệm.
Tuy nhiên, mẫu ICBM mới lần này được đặt trên bệ phóng kiêm xe chở (TEL) có đến 11 trục và 22 bánh xe – lớn hơn nhiều so với phương tiện 8 trục do Trung Quốc sản xuất mà Triều Tiên thường sử dụng.
Melissa Hanham, Phó Giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở nhận xét: “Bệ phóng kiêm xe chở (TEL) có thể là câu chuyện đáng sợ hơn tên lửa”.
“Nếu Triều Tiên tự sản xuất khung gầm riêng của họ thì sẽ có ít ràng buộc hơn về số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa mà họ có thể phóng”, Hanham cảnh báo.
Lằn ranh đỏ
Ngay trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đầu năm 2017, Donald Trump đã viết trên Twitter rằng Triều Tiên đang phát triển loại vũ khí có khả năng vươn tới các khu vực của Mỹ và ông sẽ không để điều đó xảy ra.
Khoảng thời gian sau đó, mối quan hệ Trump – Kim đã được cải thiện đáng kể với cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử ở Singapore ngày 12/6/2018. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hạt nhân nhanh chóng rơi vào bế tắc kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 không thu được kết quả như mong muốn.
Giới phân tích nhận định, ICBM mới là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã tiếp tục phát triển kho vũ khí của mình song song với quá trình ngoại giao, điều này mang lại lợi thế lớn hơn cho Bình Nhưỡng để thúc ép Washington trở lại bàn đàm phán.
Suzanne DiMaggio, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, Triều Tiên vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận này đối với chính quyền tiếp theo của Mỹ, dù cho người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới có là ai.
“Ông Kim sẽ tiếp tục chứng minh rằng khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là mạnh nhất. Thông điệp chính của ông ấy là ‘Không có lựa chọn quân sự nào khả thi chống lại chúng tôi. Hãy đối phó với chúng tôi dựa trên nhận thức này’”, bà DiMaggio nói.
Ông Trump từng đánh giá rất cao việc Nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện đúng cam kết không thực hiện thêm vụ thử ICBM hoặc hạt nhân nào nữa. Theo Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Hàn Quốc (KRINS), bằng cách trưng bày tên lửa thay vì phóng thử, Bình Nhưỡng đã không vượt qua lằn ranh đỏ.
“Nhưng nó cũng báo hiệu rằng Triều Tiên có thể thực hiện một vụ phóng nếu ông Trump đắc cử và bỏ qua vấn đề Triều Tiên. Nếu ông Biden thắng và không chịu lắng nghe Bình Nhưỡng thì một vụ phóng thử cũng sẽ được tiến hành”, Shin Beom-chul nói với AFP./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin