Kết quả bầu cử chưa ngã ngũ
Tính tới 7h sáng ngày 05/11 (giờ Việt Nam), Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước với 264 phiếu Đại cử tri, còn Tổng thống Donald Trump bị bỏ lại khá xa với 214 phiếu Đại cử tri.
Mặc dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thường có kết quả phân định rạch ròi nhưng giới chuyên gia cho rằng, cũng có trường hợp hai ứng viên có thể nhận được số phiếu đại cử tri bằng nhau trong cuộc bầu cử. Và thực tế cuộc bầu cử hiện nay cho thấy, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống này.
Vậy trong trường hợp hai ứng viên đều nhận được 269 phiếu đại cử tri, cơ cấu nào, thể chế nào sẽ quyết định đến việc ứng viên nào sẽ vinh quang tiến vào Nhà Trắng? Đó chính là quốc hội Mỹ. Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong quá khứ cũng đã từng xảy ra một tiền lệ như vậy, khi vào năm 1800, Hạ viện Mỹ đã phải quyết định lựa chọn giữa hai ứng viên.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1800, cả 2 ứng viên tổng thống đều nhận được 73 phiếu đại cử tri. Khi đó, Hạ viện Mỹ đã tiến hành bầu cử để chọn 1 trong 2 người làm tổng thống. Tuy nhiên, Hạ viện đã bị chia rẽ sâu sắc và cuộc bỏ phiếu đã phải tiến hành tới 36 lần, trước khi quyết định ứng viên Thomas Jefferson trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Ảnh: internet |
Tu chính án thứ 12
Những rắc rối đã làm lộ ra các vấn đề liên quan đến lá phiếu đại cử tri, mặc dù xác suất rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Vì thế, Hoa Kỳ đã khắc phục những lỗ hổng đó bằng một văn bản sửa đổi Hiến pháp gọi là Tu chính án thứ 12, phê chuẩn vào năm 1808.
Nếu cuộc đua vào Nhà trắng của ông Donald Trump và ông Joe Biden cũng có kết quả 50-50 thì theo Tu chính án thứ 12, Hạ viện phải thực hiện nhiệm vụ chính thức đầu tiên của họ là lựa chọn tổng thống tiếp theo. Tu chính án thứ 12 cho phép Hạ viện lựa chọn tổng thống cho đến ngày 04/3.
Không giống như hệ thống đại cử tri đoàn, nơi dân số đông hơn có nhiều phiếu bầu hơn, mỗi bang trong số 50 bang trong Hạ viện chỉ nhận được đúng một phiếu bầu khi chọn tổng thống. Như vậy, sẽ có tất cả 50 phiếu bầu Tổng thống ở Hạ viện, ứng viên nào được từ 26 phiếu bầu trở lên sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.
Cùng lúc Hạ viện đang lựa chọn tổng thống mới, Thượng viện phải chọn phó tổng thống mới. Mỗi người trong số 100 thượng nghị sĩ được một phiếu bầu, ai nhận được từ 51 phiếu trở lên sẽ là người chiến thắng.
Tuy nhiên, với 50 phiếu bầu tại Hạ viện và 100 phiếu bầu tại Thượng viện, vẫn có thể có số phiếu ngang ngửa cho cả vị trí tổng thống và phó tổng thống.
Nếu đến ngày 20/01 mà Hạ viện vẫn không chọn được tổng thống mới, phó tổng thống đắc cử [ở Thượng viện] sẽ làm quyền tổng thống cho đến khi bế tắc được giải quyết và Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu lại [đến ngày 04/3] cho đến khi chọn ra được tổng thống mới thì thôi.
Đây là trong trường hợp Thượng viện đã chọn một phó tổng thống mới trước khi Hạ viện bầu được Tổng thống, còn ngược lại, nếu Thượng viện cũng không phá vỡ được tỉ lệ 50-50 cho vị trí phó tổng thống, thì theo quy định trong “Đạo luật kế vị tổng thống năm 1947”, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò quyền tổng thống cho đến khi hai viện này bầu được Phó Tổng thống hoặc Tổng thống Hoa Kỳ [trước ngày 04/3].
Nếu đến ngày 04/3, chức vụ Tổng thống vẫn không được xác định thì chức vụ quyền Tổng thống sẽ lần lượt được quy định “Đạo luật kế vị tổng thống năm 1947”, lần lượt là Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngân khố (Bộ trưởng Bộ Tài chính), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…
Việc hai ứng viên ngang ngửa nhau về số phiếu khiến Quốc hội Mỹ phải can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là điều rất hiếm xảy ra, nhưng trong lịch sử 45 đời Tổng thống Mỹ cũng đã xảy ra 3 lần: Hạ viện chọn Tổng thống Thomas Jefferson năm 1800 và John Quincy Adams năm 1824, còn Thượng viện đã chọn phó tổng thống Richard Mentor Johnson vào năm 1837.
Tuy nhiên, lần gần đây nhất những sự kiện kiểu này xảy ra đã cách đây gần 200 năm, kể từ đó đến nay, nước Mỹ chưa từng gặp phải trường hợp tương tự. Và nước Mỹ cũng chưa từng xảy ra trường hợp cả 2 viện không bầu được cả Phó Tổng thống và Tổng thống, để những người nằm trong danh sách kế vị lên nắm quyền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin