Thế giới

WHO khai trương trung tâm tình báo đại dịch

08:14, 02/09/2021
WHO khai trương trung tâm tình báo đại dịch tại thủ đô Berlin, Đức, với mục tiêu giúp cảnh báo về đại dịch tương lai sớm hơn.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tham dự lễ khai mạc trung tâm tình báo đại dịch tại thủ đô Berlin ngày 1/9.

Trung tâm tình báo đại dịch, nơi sẽ quy tụ các nhà khoa học và hoạch định chính sách toàn cầu, được thiết lập để phân tích dữ liệu nhanh chóng nhằm dự đoán, ngăn ngừa, phát hiện, chuẩn bị và ứng phó với các rủi ro trên toàn thế giới.

"Virus lây lan nhanh nhưng dữ liệu còn có thể truyền tải nhanh hơn. Với những thông tin phù hợp, các quốc gia và cộng đồng sẽ có thể đón đầu những rủi ro mới xuất hiện và cứu sống con người", ông Ghebreyesus nói.

Người đứng đầu của trung tâm tình báo là Chikwe Ihekweazu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria. Trong ba năm đầu, trung tâm sẽ được chính phủ Đức tài trợ một phần với khoảng 100 triệu USD. Trụ sở hiện tại nằm ở Luisenstrasse, thủ đô Berlin.

Thủ tướng Merkel hy vọng trung tâm mới giúp thế giới "chuẩn bị tốt hơn trước các dịch bệnh và đại dịch tương lai", nhấn mạnh những phát hiện mới sẽ được chia sẻ với các nước trên thế giới.

Oliver Morgan, giám đốc bộ phận đánh giá rủi ro và thông tin khẩn cấp y tế của WHO, cho biết hiện mỗi tháng WHO xử lý trung bình 9 triệu thông tin liên quan đến diễn biến dịch và đại dịch, đồng thời điều tra chi tiết hơn 300 sự kiện. Morgan thêm rằng việc tập trung cải thiện khả năng giám sát biến chủng Covid-19 dựa trên giải trình gene có thể là ưu tiên ban đầu của trung tâm tình báo mới.

Thế giới đã ghi nhận 219.192.794 ca nhiễm nCoV và 4.543.201 ca tử vong, tăng lần lượt 647.367 và 10.019, trong khi 195.971.908 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel cắt băng khai trương trung tâm tình báo đại dịch tại Berlin, Đức hôm 1/9. Ảnh: AP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel cắt băng khai trương trung tâm tình báo đại dịch tại Berlin, Đức hôm 1/9. Ảnh: AP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 40.314.132 ca nhiễm và 659.786 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 169.799 và 1.413 trường hợp so với một ngày trước đó.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo người chưa tiêm vaccine tránh đi du lịch trong kỳ nghỉ Ngày lễ lao động Mỹ (6/9).

"Đầu tiên và quan trọng nhất, nếu bạn chưa tiêm chủng, chúng tôi khuyên bạn không nên đi du lịch", Giám đốc CDC Rochelle P. Walensky nói, trong bối cảnh số ca nhiễm, nhập viện và tử vong ở Mỹ đang gia tăng, do biến chủng Delta lây lan mạnh.

Khoảng 52% người Mỹ, tương đương 174 triệu người, đã tiêm chủng đầy đủ, theo CDC. Trong số những người từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng, 72,2%, khoảng 205 triệu người, đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

CDC cũng cảnh báo những người đã tiêm chủng nên tập trung ngoài trời thay vì trong không gian kín trong dịp nghỉ lễ. Tất cả người dân, dù tiêm chủng hay chưa, đều nên đeo khẩu trang ở những không gian công cộng trong nhà.

Tại châu Âu, Pháp, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới với 6.783.329 ca nhiễm và 114.577 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 17.621 và 86 ca.

Pháp bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi và những người có bệnh lý nền nhằm tăng khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta từ ngày 1/9.

Bộ Y tế Pháp cho biết khoảng 18 triệu người dân nước này thuộc nhóm đủ điều kiện tiêm liều tăng cường. Những người tiêm đủ mũi Pfizer và Moderna trong ít nhất 6 tháng trước có thể tiêm liều thứ 3 cùng loại, trong khi người đã tiêm vaccine một mũi Johnson & Johnson có thể tiêm bổ sung Pfizer hoặc Moderna sau ít nhất 4 tuần.

Chính phủ hiện chưa quyết định có tiêm tăng cường cho toàn dân hay không. Hiện 65,6% dân số Pháp đã tiêm đủ liều vaccine.

Italy, từng là tâm dịch châu Âu hồi đầu năm ngoái, báo cáo 6.503 ca nhiễm và 51 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 4.546.487 và 129.290 trường hợp.

Chính phủ Italy mở rộng phạm vi quy định "thẻ xanh", bắt buộc mọi người phải xuất trình khi đi tàu cao tốc, máy bay, phà và xe khách liên vùng.

Thẻ xanh là chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy in, cho biết một người đã tiêm chủng đầy đủ, xét nghiệm âm tính với Covid-19 hoặc đã phục hồi sau nhiễm. Thẻ xanh bắt đầu được áp dụng ở Italy vào đầu hè nhằm khuyến khích tiêm chủng và ban đầu chỉ áp dụng tại các địa điểm văn hóa, giải trí.

Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm ở Philippines ngày 1/9 đã vượt ngưỡng 2 triệu, khi biến chủng Delta tiếp tục hoành hành bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Quốc gia này ghi nhận 14.216 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 2.003.955. Hơn 33.500 người đã chết vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Nhiều bệnh viện đang quá tải, với hơn 70% giường bệnh và hơn một nửa số máy thở hiện có đã được sử dụng.

Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, nơi đã ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm. Indonesia đã báo cáo 10.337 ca nhiễm và 653 ca tử vong trong 24 giờ qua. 133.676 người đã chết vì Covid-19 ở quốc gia này kể từ khi dịch bùng phát.

Thái Lan ghi nhận 14.802 ca nhiễm và 252 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1,2 triệu và 11.841 trường hợp.

Thái Lan cho phép trung tâm mua sắm ở Bangkok mở cửa trở lại từ ngày 1/9 và nhà hàng được hoạt động với nửa công suất. Động thái mới được đưa ra sau gần ba tháng Thái Lan phải áp các biện pháp hạn chế cứng rắn nhằm ngăn đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất.

Số ca nhiễm ở Thái Lan bắt đầu giảm từ giữa tháng 8 và chính phủ phải đối mặt với áp lực nới lỏng hạn chế để tránh tổn hại kinh tế.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện