Kẻ thù “cứng đầu cứng cổ”
Khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch bệnh lớn ở Trung Quốc đã giảm từ khoảng 2 tháng vào nửa cuối của năm ngoái xuống còn chỉ khoảng 12 ngày từ tháng 5/2021, thời điểm quốc gia này ghi nhận những ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên. Trong khi Trung Quốc vẫn có thể đưa số ca mắc về con số 0 thì thời gian không có sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng ngày càng rút ngắn.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại cơ sở xét nghiệm Covid-19 ở Trương Dịch, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trung Quốc là quốc gia có chiến lược “Zero Covid” toàn diện nhất thế giới khi áp dụng hàng loạt biện pháp từ đóng cửa biên giới, xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc cho tới những quy định nghiêm ngặt về đi lại. Tuy nhiên, dịch bệnh lại có xu hướng tăng khả năng xâm nhập qua các hàng rào phòng thủ được thiết kế để ngăn chặn sự lây nhiễm trên.
Là một bệnh dịch dễ lây nhiễm tương tự như thủy đậu, biến thể Delta gây bệnh Covid-19 hiện nay đã cho thấy nó là một "kẻ thù cứng đầu cứng cổ" với Trung Quốc - quốc gia cuối cùng trên thế giới thực hiện đầy đủ chiến lược “Zero Covid” nhằm loại bỏ tất cả các ca mắc.
Đợt bùng phát dịch bệnh mới đây ở Trung Quốc đã lan ra 11 tỉnh và xâm nhập vào thủ đô Bắc Kinh vốn được kiểm soát nghiêm ngặt. Các quan chức nước này cảnh báo, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn và đã phong tỏa một thị trấn giáp biên giới với Mông Cổ.
Khi đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên ngoài Vũ Hán được kiểm soát, Trung Quốc đã duy trì 2 tháng không có đợt bùng phát lớn nào trong cộng đồng. Điều này giúp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy và người dân có thể đi lại trong nước tự do.
Tuy nhiên, chiến lược trên khi áp dụng để ngăn chặn các ca lây nhiễm biến thể Delta vào năm nay đã gặp trở ngại.
Phong tỏa, tạm dừng các hoạt động đi lại bằng tàu hỏa và đường hàng không, cùng các biện pháp khác nhằm ngăn chặn biến thể delta lây lan, đã được thực hiện ở một nửa đất nước trong mùa hè này và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Dù vậy, chính phủ và các nhà chức trách y tế Trung Quốc không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ “quay lưng” với chính sách “Zero Covid”, ít nhất là không phải trước Thế Vận hội mùa Đông vào tháng 2/2022.
Cái giá của không mở cửa
Tăng cường gấp đôi nỗ lực loại bỏ Covid-19, Trung Quốc đi ngược với xu thế toàn cầu, vốn coi việc sống chung với virus và dựa vào tiêm vaccine để hạn chế các ca bệnh nặng là hồi kết không thể tránh khỏi của đại dịch.
Những quốc gia khác trong khu vực từng theo đuổi chiến lược “Zero Covid” đã bắt đầu chuyển hướng. Theo đó, Singapore và Australia đã dừng cách ly, trong khi New Zealand chấp nhận thực tế rằng, đợt bùng phát gần đây nhất do biến thể Delta gây nên không thể đưa số ca mắc về con số 0. Tất cả các nước này đều đang vạch ra lộ trình mở cửa với thế giới, trong đó bao gồm cả việc chấp nhận sống chung với Covid-19.
Đây là một tầm nhìn mà cho tới nay, Trung Quốc không mấy hứng thú và các quan chức nước này cũng chưa đưa ra kế hoạch thay thế cho chiến lược hiện tại.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, mặc dù chiến lược “Zero Covid” đã thành công trong việc ngăn chặn virus nhưng nó cũng khiến Trung Quốc ngày càng đối mặt với "những tổn thất kinh tế dài hạn do những điều không chắc chắn để thoát khỏi đại dịch"./
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin