Hôm 29/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về việc tiếp tục thỏa thuận bán vũ khí cho Qatar. Thoả thuận này bao gồm 10 hệ thống máy bay không người lái (UAV) tiên tiến, 200 thiết bị đánh chặn máy bay không người lái và các thiết bị liên quan.
Thông báo về thoả thuận, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc bán UAV cho Qatar sẽ “hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách giúp cải thiện an ninh của một quốc gia thân thiện. Điều này sẽ tiếp tục tạo sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở Trung Đông”.
Một máy bay không người lái MQ-9 Reaper. (Ảnh: Getty) |
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, thoả thuận này sẽ “cải thiện khả năng của Qatar để đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai thông qua hệ thống máy bay không người lái”.
Qatar đã đưa ra yêu cầu mua UAV, bao gồm máy bay không người lái MQ-9, vào năm 2020. Giới chức Mỹ đã chậm phê duyệt thỏa thuận này. Chính quyền Qatar hối thúc Mỹ trong bối cảnh nước này tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn và giúp xoa dịu cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm ngoái.
Doha có mối quan hệ chặt chẽ với Washington. Mỹ đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) và trung tâm điều hành không quân của Lầu Năm Góc đối với khu vực tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar.
Lầu Năm Góc khuyến khích phê duyệt thương vụ, với lý do Qatar là một đối tác đáng tin cậy, nhưng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại những quốc gia khác trong khu vực như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ không hài lòng. Ả Rập Xê-út, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar vào năm 2017, cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố.
Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út xấu đi thời gian qua, sau khi Riyadh bị cáo buộc từ chối thỏa thuận bí mật nhằm tăng cường nguồn cung dầu trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng này. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đáp lại bằng cách tuyên bố đánh giá lại mối quan hệ song phương, cảnh báo Ả Rập Xê-út "sẽ hứng hậu quả".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin