Thế giới

Ukraine điều lính biệt kích cận chiến phá hệ thống phòng thủ của Nga

08:10, 22/07/2023
 Bị cản bước trước các hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga, Ukraine buộc phải điều lính biệt kích đột nhập chiến hào và cận chiến với lực lượng đối phương trên khắp các mặt trận.

Sau khi Ukraine phát động cuộc phản công lớn chống lại các lực lượng Nga ở phía Đông và phía Nam, các lực lượng nước này đạt được rất ít bước tiến và kết quả không được như đối tác phương Tây kỳ vọng. 

Các binh sĩ của một đơn vị đặc nhiệm Ukraine tập trung ở khu rừng gần Bakhmut hôm 15/3. Ảnh: AFP.
Các binh sĩ của một đơn vị đặc nhiệm Ukraine tập trung ở khu rừng gần Bakhmut hôm 15/3. Ảnh: AFP.

Những bãi mìn rộng lớn cùng các công sự kiên cố mà Nga xây dựng trên phần lãnh thổ nước này kiểm soát vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã làm chậm đà phản công của Ukraine, buộc bộ binh Ukraine và lực lượng đặc nhiệm phải rời khỏi phương tiện để rà phá bom mìn cũng như đột kích các chiến hào. Khoảng cách gần giữa các bên trong các cuộc giao tranh cùng những hệ thống phòng thủ phức tạp mà Nga dựng lên đã trở thành phép thử khốc liệt đối với kỹ năng cận chiến của quân đội Ukraine.

Biệt kích Ukraine đột nhập chiến hào Nga

Vào tháng 6 vừa qua, một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy đặc nhiệm Ukraine đã vây ráp và đột kích một chiến hào của Nga ở miền Nam Ukraine. Trong video, lính biệt kích Ukraine thuộc Trung tâm tác chiến hải quân đặc biệt số 73 – một đơn vị hải quân hoạt động bí mật giống đặc nhiệm SEAL của Mỹ, đã tiến vào cứ điểm của Nga từ phía sau chiến hào và bất ngờ tấn công các binh sỹ Nga cố thủ bên trong.

Đánh giá về khả năng của lực lượng biệt kích Ukraine, ông John Spencer, chuyên gia nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại của West Point cho rằng: “Họ là những người được đào tạo bài bản, xử lý vũ khí tốt. Họ có thể đối đầu với các cuộc tấn công cường độ cao mà không rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Cả lực lượng đặc nhiệm lẫn lực lượng thông thường của Ukraine thường xuyên phải đột kích chiến hào đối phương. Trong những tình huống như vậy, họ phải dựa vào kỹ năng và sự may mắn để sống sót. Việc điều các binh sỹ tinh nhuệ thực hiện công việc vốn chỉ dành cho các đơn vị thông thường cho thấy các chỉ huy quân sự Ukraine đang gặp áp lực phải tiến công và giành lại lãnh thổ.

Về mặt lý thuyết, những đội quân tinh nhuệ được đào tạo bài bản như vậy thường chỉ tập trung xử lý nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi kinh nghiệm chuyên môn, chủ yếu ở phía sau chiến tuyến của đối phương. Trong khi hoạt động cận chiến thường dành cho các đơn vị bộ binh hoặc cơ giới. Trước đó, Trung tâm tác chiến hải quân đặc biệt số 73 đã tiến hành các cuộc tấn công bằng đường thủy vào lãnh thổ do Nga kiểm soát xung quanh đồng bằng sông Dnipro gần Kherson.

Kỹ năng cận chiến

Theo giới phân tích, lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã được huấn luyện chiến đấu cận chiến trong xung đột hiện đại ít nhất là từ năm 2014, khi quân đội Mỹ và các nước NATO khac bắt đầu giúp Kiev hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Một số nguồn tin cho biết, các binh sỹ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm số 10 của Mỹ đã tới Ukraine để huấn luyện các đơn vị đối tác một loạt kỹ năng như tác chiến đặc biệt, chiến thuật tấn công theo từng nhóm nhỏ và cận chiến. Quá trình đào tạo diễn ra một khoảng thời gian ngắn trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.  Những kỹ năng này phần nào mang lại lợi thế cho quân đội Ukraine trong các trận đánh lớn ở Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Severodonetsk.

Chiến đấu cận chiến là một trong những kỹ năng khó nhất trong giao tranh. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã mất nhiều năm để rèn luyện, nhưng chỉ một số ít đơn vị tinh nhuệ và bí mật bậc nhất chẳng hạn như Lực lượng Delta của Lục quân và Lực lượng SEAL 6 của Hải quân Mỹ mới được cho là thành thạo kỹ năng này. Ngoài khả năng thiện xạ, cận chiến cũng đòi hỏi các binh sỹ phải nhận thức rõ tình huống xung quanh và phối hợp ăn ý với đồng đội.

Theo các chuyên gia quân sự, cận chiến không phải lúc nào cũng diễn ra ở cự ly gần. Eli Fieldboy, cựu đặc nhiệm Israel cho biết: “Ở một thời điểm nào đó, bạn có thể đang chiến đấu với đối phương trong căn phòng rộng vỏn vẹn 16m2, nhưng vài giây sau, bạn phải chiến đấu trong một hành lang dài 50m, hay trong một con phố và cần nhắm bắn chính xác mục tiêu từ cửa sổ của một tòa nhà”. Việc thay đổi cự ly chiến đấu là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi hai bên chiến đấu bên trong và xung quanh các trung tâm đô thị. Quân đội Ukraine thường phải di chuyển từ các chiến hào đến các con đường trong thành phố chỉ trong vài phút, điều này đòi hỏi họ phải giữ vững tinh thần cũng như thành thạo các kỹ năng.

Khi các lực lượng Ukraine tiếp tục đẩy mạnh phản công, các cuộc cận chiến giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Trong cuộc chiến ác liệt này, chỉ những binh sỹ được đào tạo tốt và có kinh nghiệm chiến đấu mới có thể đứng vững.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện