Thiếu hụt lao động trầm trọng, Đức để mắt đến thợ lành nghề Việt Nam
Hiện Berlin đang tìm đến các quốc gia như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt.
Theo báo Đức DW, phát biểu trên một bản tin podcast ngày 14/12 báo động về tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ tại quốc gia, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo các công ty có thể chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác.
“Chúng tôi biết nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp tìm kiếm các lao động lành nghề. Nếu không có những nhân công lành nghề, doanh nghiệp địa phương không thể thành công”, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.
“Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải nỗ lực để tuyển dụng một số lượng lớn các chuyên gia. Nếu không, các công ty sẽ chuyển sang quốc gia khác, và tất nhiên, chúng ta không muốn điều đó”.
Lời cảnh báo của nữ Thủ tướng được đưa ra trước thềm hội nghị về vấn đề trên giữa đại diện chính phủ, doanh nghiệp và các liên đoàn thương mại tổ chức vào ngày 16/12 tại Berlin.
Thủ tướng Merkel cho biết Đức muốn giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động lành nghề bằng cách “hỗ trợ đào tạo cho càng nhiều người càng tốt”. Đồng thời, Berlin tìm kiếm tuyển dụng những nhân công có trình độ cao từ EU và các nước như Mexico, châu Á.
Hiện có khoảng 2,5 triệu người đến từ các quốc gia EU làm việc tại Đức. “Nhưng chỉ đó thôi là chưa đủ, và đó là lý do chúng ta phải tìm lao động lành nghề bên ngoài EU”.
Luật nhập cứ cho lao động lành nghề, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động không phải đến từ các quốc gia EU tới Đức làm việc.
Đức hiện rất cần một lượng lớn các kỹ sư điện, công nhân cơ khí, đầu bếp, y tá, nhân viên chăm sóc người già, nhà khoa học máy tính và nhà phát triển phần mềm. Chính phủ đã tìm cách thu hút những người trình độ cao từ Việt Nam, Mexico, Philippines, Brazil và Ấn Độ đến đây làm việc.
Nhằm xoa dịu mối lo ngại về làn sóng nhập cư, trả lời báo Augsburger Allgemeine, Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil cho rằng “việc tuyển dụng" không đồng nghĩa với việc cho nhập cư không kiểm soát, thay vào đó là tuyển dụng những người có trình độ mà nước Đức cần để duy trì kinh tế trong tương lai".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin